Nhà văn, dịch giả Mai Sơn ra mắt sách tiểu luận "Sự quyến rũ của chữ"

ANTD.VN -“Sự quyến rũ của chữ” là ấn phẩm mới nhất của nhà văn, dịch giả Mai Sơn vừa được phát hành. Quyển sách được chia làm 5 phần: Đọc văn học Việt Nam, Đọc văn học nước ngoài, Đọc và bàn luận về triết học, Những bài phỏng vấn và viết ngắn về truyện ngắn. Người đọc sẽ được nghiền ngẫm với sự cảm, nghiên cứu, tìm tòi rất riêng của tác giả qua từng bài viết. 

Là một người rất chịu khó đọc, nhà văn – dịch giả Mai Sơn đọc từ những tác phẩm nước ngoài của các tác giả Albert Camus, Don DeLillo,  G.W.F.Hegel... đến trong nước như: Hồ Anh Thái, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Quang Lập, Như Huy...

Không chỉ vậy, đối với những cây viết trẻ, anh vẫn tìm đọc để cảm nhận, tìm tòi ý tứ văn chương, hơi thở mới của thế hệ hiện đại. Và từ sự đọc của mình, anh đưa ra những phân tích, suy ngẫm, nghiên cứu theo quan điểm riêng và chia sẻ những điều đó đến với mọi người. Tâm ý của tác giả là mong muốn có thể truyền cảm hứng, tình yêu văn chương, con chữ và nhân rộng sự đọc hơn nữa.

Nhà văn - dịch giả Mai Sơn 

Sách "Sự quyến rũ của chữ" của Mai Sơn do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP HCM và Trung tâm Tân Thư phát hành

Tuy nhiên, Mai Sơn lại rất “lười” ra mắt sách. Dưới sự gợi ý, thúc đẩy của bạn bè, trong đó có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Mai Sơn mới quyết định tập hợp, chọn lọc các bài nghiên cứu tiêu biểu đã đăng trên nhiều báo, tạp chí và trang cá nhân thành sách. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết: “Nhiều bài viết của nhà văn Mai Sơn đã đạt được sự chuẩn mực của sự quyến rũ của chữ”. Chính tác giả “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng là một trong những người đã gợi ý cho Mai Sơn lấy tên sách là “Sự quyến rũ của chữ”. Bởi vì, "Đọc phê bình như được nhà phê bình đó tát cạn thêm ý nghĩa của cuốn sách, giúp cho người đọc có thể thu được những trái chín trong khu vườn trầm tư của tác giả mà vì lý do nào đó đã không nhận ra. Dưới ánh đèn của nhà phê bình tài năng, người đọc nhìn được nhân vật trong sách cái hồn thăm thẳm của một kiếp người, số phận" - Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

“Sự quyến rũ của chữ” do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Tân Thư phát hành chứa đựng những góc nhìn, phát hiện mới của người đọc  - Mai Sơn trầm mình trong từng câu chữ, cảm nhận lấy thế giới quan mà người viết muốn truyền tải. Anh chia sẻ: “Càng ngày mình càng đọc trong tinh thần phê phán, cốt để loại bỏ tạp chất, rút ra tinh chất. Đọc kỹ, rất kỹ, nhưng không hy vọng chia sẻ được với ai cả. Vì cái đọc ngày càng có tính cá nhân, thậm chí như một nghi lễ với chính mình. Để khi mình lìa đời, hy vọng mình chỉ còn là một khối tinh thần thuần túy được tạo nên bởi ý tưởng.”

Nhà văn - dịch giả Mai Sơn ký tặng sách cho nhà thơ Đỗ Trung Quân

Nhà văn, dịch giả Mai Sơn ra mắt sách tiểu luận "Sự quyến rũ của chữ" ảnh 5

Bà Lê Thị Thanh Xuân đại diện trung tâm Tân Thư tặng hoa cho nhà văn - dịch giả Mai Sơn trong buổi giao lưu, chia sẻ về ... sự đọc, tình yêu đối với văn chương ở buổi ra mắt sách "Sự quyến rũ của chữ"

Ngoài ra, trong gần 300 trang sách của “Sự quyến rũ của chữ”, người đọc sẽ có dịp chiêm ngưỡng, khám phá thêm ý tứ, vẻ đẹp từ những trang truyện ngắn, tiểu thuyết, lý luận của tác giả trong và ngoài nước. Đó là bài bình luận của Mai Sơn về tác phẩm “Trăm năm cô đơn” hay tác giả Albert Camus - tư tưởng phi lý và văn chương vượt lên phi lý.

Mai Sơn sinh ngày 10-9-1956, anh trên ba mươi năm sống bằng nghề viết, dịch và biên tập sách báo. Mai Sơn đã xuất bản 12 tên sách thuộc nhiều thể loại văn xuôi, biên soạn, dịch thuật, trong đó có: 101 triết gia (2007), Vật lạ ở trên đầu (tập truyện, 1997), Hư cấu (tập truyện, 2003), Vũ trụ trong một nguyên tử (2008), Câu chuyện triết học (2005)…

Anh từng tham dự Liên hoan văn học Á - Phi lần thứ nhất, năm 2007 tại Hàn Quốc.

Mơ ước lớn nhất của Mai Sơn là thấy giữa Sài Gòn có một hoặc vài địa chỉ, hội quán. Để mỗi cuối tuần, nhiều người, nhất là các bạn trẻ, tìm đến cùng nhau chia sẻ và thưởng thức các giá trị văn học (thơ, văn xuôi, kịch bản, nghiên cứu - phê bình), cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn lớn trong nước và ngoài nước.