Nhà văn Chúy: Đừng coi làm mẹ đơn thân là tấm huy chương

ANTD.VN - Đề cập đến một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của đời sống gia đình hiện đại, không ngần ngại phơi bày những tổn thương tinh thần sâu sắc sau cuộc hôn nhân tan vỡ, nhưng Chúy (Trần Diệu Thúy), tác giả của “Em đồng ý ly hôn” vẫn bày tỏ: “Nếu có cơ hội, tôi vẫn mong muốn có một gia đình”.  

Nhà văn Chúy: Đừng coi làm mẹ đơn thân là tấm huy chương ảnh 1

Hiện Chúy đang sống hạnh phúc với cô con gái 8  tuổi

“Nhiều chị em biến ly hôn thành cuộc chiến”

Từng được độc giả biết đến qua hai cuốn sách “Gom nắng cho em” và “Hãy để anh vào tầm mắt em” và đến giờ là “Em đồng ý ly hôn”, Chúy (tên thật là Trần Diệu Thúy) được mặc định là “cây bút của các bà mẹ đơn thân”.

Từ chuyện người phụ nữ đối diện với đau khổ như thế nào, ứng xử với người đàn ông nay đã trở thành người cũ ra sao, cho đến phục hồi cảm xúc hậu hôn nhân… sách của cô được coi là tủ thuốc cứu cánh cho những người phụ nữ có cuộc hôn nhân không may mắn. 

Khi bắt đầu viết cuốn “Em đồng ý ly hôn”, nữ nhà văn này tâm sự, đây là cuốn sách cô không thích viết, mà cũng không vui khi viết, nhưng cảm thấy cần phải viết.

Trải lòng về việc tiếp tục serie không mấy vui vẻ này, cô cho biết: “2 năm qua, tôi cũng đã từng nghe và tiếp xúc với hơn 100 phụ nữ. Phần lớn đều chủ động muốn ly hôn, nhưng nhiều chị em biến ly hôn thành cuộc chiến, bởi không biết giải quyết với tòa án như thế nào, đối xử với người chồng sắp trở thành chồng cũ ra sao hay nói thế nào với con mình. Thành ra, khi quyết định chấm dứt một nỗi đau khổ hóa ra lại dẫn đến một… đau khổ lớn hơn. Và một thảm kịch lại bắt đầu từ chính cách họ giải quyết ly hôn”. 

Bởi vậy, khi viết “Em đồng ý ly hôn”, “cây bút của các bà mẹ đơn thân” muốn góp một cái nhìn dịu dàng và thiện cảm hơn với vấn đề ly hôn và với những phụ nữ ly hôn. Cô cho rằng, ly hôn cũng chỉ là một ngã rẽ, một lựa chọn trên con đường hạnh phúc.

Tiếc thay, ly hôn vẫn đang bị xã hội gán cho cái nhìn cay nghiệt và đầy định kiến, tàn nhẫn. Hệ quả là rất nhiều chị từ người phụ nữ dịu dàng, yêu đời đã trở nên bất cần, chán nản, sống buông thả và cay đắng với cuộc đời. 

Mơ một gia đình hạnh phúc 

Trong khi thị trường văn học đang chuộng thứ mốt văn chương diễm tình, mơ mộng thì Chúy lại chọn cách khai thác về những “vấn nạn” của xã hội hiện đại nhưng ít ai từng trải qua nó lại thẳng thắn đối diện và nói về nó. Nói đơn giản, khi ly hôn, người ta có trăm nghìn câu chuyện, trăm nghìn lý do nhưng không phải ai cũng sắp cho nó được một cái kết tử tế. 

Nữ nhà văn cũng thừa nhận mình không phải là một ví dụ hoàn hảo của ly hôn “đẹp”. Kết hôn từ năm 22 tuổi nhưng sớm nếm trái đắng trong hôn nhân, cây bút 29 tuổi đã từng gặp những rắc rối mà bất cứ một người phụ nữ nào đơn phương ly hôn đều gặp phải.

Đối mặt với sự phản đối của bố mẹ, người chồng kiên quyết giành quyền nuôi con, bị gây khó dễ đủ đường… cô đã phải mất một thời gian dài để thu xếp cho đoạn cuối của cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình. Nhưng sau đó, lại rơi ngay vào một cuộc khủng hoảng khác. 

Đó là sau khi dọn ra ở riêng ở một khu tập thể cũ, cô và con gái thường xuyên phải chịu đựng những lời gièm pha từ những người láng giềng xấu tính. Rồi 2 tháng sau khi ly hôn, cô như trở thành người mẹ đáng sợ, ích kỷ trong mắt con khi luôn dò xét, tra hỏi mỗi lần con về thăm bố…

Nhưng rồi, chính ánh mắt của con gái đã khiến cô nhận ra mình đang khiến cho cả ba người trở nên mệt mỏi bằng cách không chịu thích nghi với cuộc sống mới. Từng ngày, cô học cách rũ bỏ những tâm tư đè nặng lên mình, lên con và cả người chồng cũ, học cách yêu bản thân, toàn tâm toàn ý vun vén một cuộc sống đủ đầy hạnh phúc. 

Chia sẻ về việc viết sách, cây bút sinh năm 1987 không hy vọng những người phụ nữ bất hạnh trong tình yêu cảm thấy muốn phấn đấu để trở thành người mẹ đơn thân hay coi đây như một chiếc “huy chương” trên ngực áo. Cô cho biết, cuốn sách không nhằm mục đích cổ súy cho phụ nữ bỏ chồng mà chỉ muốn cho mọi người một lời khuyên, nếu ly hôn, hãy ly hôn sạch sẽ và hạnh phúc.

Và cũng đừng vì một lần tan vỡ mà thù hằn hay ghét bỏ đàn ông vì những người phụ nữ, dù có mạnh mẽ và độc lập đến đâu cũng đôi phút yếu lòng, cần một bờ vai che chở: “Nghĩ đến gia đình, tổ ấm, nghĩ đến việc có thêm vài chiếc bát được dọn lên bàn mỗi bữa cơm tôi lại thấy rộn ràng. Đối với tôi, gia đình vẫn là mối quan hệ tuyệt vời nhất mà chúng ta may mắn có được trong khoảng thời gian được sống và yêu thương. Nếu có cơ hội, tôi vẫn mong muốn có một gia đình”.