Nhà thơ Vương Tâm: Đã nghe thấy khúc tình yêu trong gió hát

ANTĐ - Tôi đọc từng trang sách “Gió thổi khúc tình yêu” của nhà thơ Vương Tâm mới phát hành gần đây, với nhiều cảm xúc bất ngờ, qua những câu chuyện ông kể về cuộc đời của những văn nghệ sĩ...
Tôi bất ngờ vì những chân dung mới, mà ông phát hiện từ những chuyến đi về những miền quê phương Nam, hoặc còn thú vị bởi những chân dung, ở nhiều nẻo đường phía Bắc. Đó là những chuyến đi mải miết với niềm say mê bất tận như một thời tuổi trẻ, bất kể những nắng mưa, khó khăn ở mọi phương trời.
Ông kể, khi về Phan Thiết lần thứ hai ông mới có dịp gặp nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, một nhân vật nổi tiếng làm thơ phản chiến trước năm 1975, ở phía bên kia chiến tuyến. Thế là ông lặn lội đi tìm gặp cho được người có câu thơ nổi tiếng con lưu truyền cho đến nay:

                      “Mai ta đụng trận ta còn sống
                       Về ghé sông Mao phá phách chơi
                       Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
                      Vung tiền mua vội một ngày vui” (Mật khu Lê Hồng Phong)

Nhà thơ Vương Tâm: Đã nghe thấy khúc tình yêu trong gió hát ảnh 1
Nhà thơ Vương Tâm và cuốn sách "Gió thổi khúc tình yêu"


Có thể nói những chân dung như: nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Cấy, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, họa sĩ Bửu Chỉ, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Bính và Trịnh Công Sơn... đều được ông dành khá nhiều tâm sức để khám phá cuộc sống và sự nghiệp của họ. Khi nói chuyện những kỷ niệm trong những chuyến đi ông kể, có lần đi xe máy lên tận xã Văn Luông, nơi nhà văn Sao Mai đã giành cả cuộc đời mình sống và viết nơi quê hương kinh tế mới để lấy tài liệu, ông đã bị tai nạn, gẫy xương đòn gánh, vì đụng ô tô. Sau hai tháng khi xương vừa dính kết, vẫn còn đau, nhưng ông lại lên đường, vượt chặng đường hơn 100 cây số, bằng xe máy, để tiếp tục công việc.

Chưa hết, khi cần lấy thêm tài liệu về người vợ ba của nhà Sao Mai, ông còn đi tiếp về Việt Trì, để hoàn thành tại liệu. Ông viết bài “Một đời văn lận đận đường tình”, qua những chuyến đi như thế. Định viết chân dung văn nghệ sĩ nào ông cũng đi đến tận nơi gặp gỡ. Xa mấy cũng đi. Bằng mọi phương tiện có thể. Có đận, vì yêu mến nhạc sĩ, nhà thơ A Khuê, ông đã đi máy bay vào TP Hồ Chí Minh, rồi mượn xe máy đi lên thị xã Đồng Xoài, tình Bình Phước để tìm gặp. Chuyến đi đó ông viết bài “Về đây nghe A Khuê”. Ông quan niệm việc viết chân dung văn nghệ sĩ, cũng cần phải sáng tạo, phát hiện tính cách, với góc nhìn riêng của mình. 

Cuốn sách đề cập tới 37 chân dung văn nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, với những câu chuyện độc đáo của mỗi người, và luôn luôn có những thông tin mới. Người đọc dễ có ấn tượng với những bài viết như “Nắng thơm trên đồi thi nhân”, chân dung nhà thơ Hàn Mặc Tử; “Inrasara và những chuyện kỳ quặc”, hay như “Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn-Những hệ lụy bất thường”, hoặc “Phiêu cùng Mai Hương”“Bảy nốt nhạc trên đồi Châu Ê”, viết về nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, ở Huế.

Nhà thơ Vương Tâm: Đã nghe thấy khúc tình yêu trong gió hát ảnh 2
"Gió thổi khúc tình yêu" là khúc ca tình yêu cuộc sống
và vẻ đẹp qua từng bức chân dung của giới văn nghệ sĩ


Nhà thơ Vương Tâm còn viết văn và làm báo, nên khi viết chân dung văn nghệ sĩ, ông có thuận lợi phát huy sở trường của mình. Chân dung nào của ông cũng đầy ắp chi tiết, với những phát hiện và tổng hợp khá thú vị. Ông có cách bố cục bài với những chi tiết chọn lọc, nên có sức thu hút người đọc. Mỗi bài ông viết như kể một câu chuyện với giọng điệu khác nhau và để lại một cảm xúc giàu chất thơ. Chính vì lẽ đó mà ông lấy cảm xúc qua những hình ảnh khi viết bài “Bảy nốt nhạc trên đồi Châu Ê” để lấy làm tiêu đề cho cuốn sách. Ông kể, khi bước chân lên đồi Châu Ê, nơi đặt mộ vợ chồng nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, ông đã gặp những học trò một thuở của bà ở Huế.

Lúc đó, trên đồi Châu Ê lộng gió làm cho những cây phi lao ngả nghiêng và ngân lên những âm thanh như chim hót vậy. Ở cuối bài ông đã viết:”Các chàng trai cô gái vẫn thường đến với bà và đợi ngọn gió vô thường ngân lên những giai điệu ngọt ngào. Họ vẽ bên cạnh bà. Họ tạc tượng với bà trong những cơn say từng đêm, từng đêm...”. Có lẽ vì thế chăng mà ông nói rằng mình đã nghe khúc tình yêu trong gió hát. Đó là khúc ca tình yêu cuộc sống và vẻ đẹp qua từng chân dung văn nghệ sĩ mà ông đã tiếp xúc, chiêm nghiệm và yêu quý mà có được. Phải chăng cuốn sách sẽ thuyết phục người đọc bởi tình yêu ấy.