Nhà thơ Trương Nam Hương: “Nâng ly bạn dốc trời xanh cạn”

ANTĐ - Nhà thơ Trương Nam Hương hiện sống và viết ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng năm nào anh cũng dăm lần về Hà Nội - về họp, về thăm gia đình, bè bạn. Thơ anh viết nhiều về Hà Nội và nhiều bài thơ, câu thơ được bạn đọc nhất là giới trẻ yêu thích.

Nhà thơ Trương Nam Hương: “Nâng ly bạn dốc trời xanh cạn” ảnh 1

Nhiều năm trước và cho đến bây giờ cũng vẫn vậy, mỗi lần ra Hà Nội, Trương Nam Hương đều gọi tôi. Lúc chỉ 2-3 người ngồi cà phê gần nhà tôi, vì Hương luôn ở khách sạn gần đó, sau dần thêm nhiều bạn bè văn nghệ nữa. Cứ vậy, người nọ thăm hỏi người kia vì thường chúng tôi chẳng mấy dịp gặp nhau. Tiếng là ở cùng Hà Nội nhưng chỉ biết nhau, quen nhau thường vậy thôi nên ai ở đâu ở đó. Trương Nam Hương ra là ới bạn bè thân thiết tụ về quán bia hơi. Chẳng thế mà trong “Thơ tặng bạn thơ” Trương Nam Hương đã viết rằng: “Nâng ly bạn dốc trời xanh cạn/ Quơ đũa, khà say… gắp tiếng chim!”.

Trương Nam Hương là vậy – nặng tình bè bạn. Vui khi gặp được nhiều bạn nhưng cũng ngại lắm vì tôi là nữ, mà những cuộc hội ngộ ấy toàn cánh đàn ông. Quý bạn, nể bạn mà đến. Cũng còn vì bên cạnh Trương Nam Hương bao giờ cũng có người vợ thân thiết của mình. Tôi biết Hương nhiều bạn, nhiều cả bạn gái nữa, vợ không ghen mới tài.

Chơi với nhau lâu, Trương Nam Hương có những chuyện không giấu, nhưng tôi cũng chẳng quan tâm. Chuyện đàn ông, lại là nhà thơ, thường bay bay chút. Tôi đi cùng vợ chồng Trương Nam Hương khi lễ Phủ Tây Hồ, khi đi chùa Tháp Bút, chùa Phật Tích… Đi xa lại thấy một Trương Nam Hương khác - thích đến những nơi chùa làng, chùa cổ, chùa trên núi và rất thành tâm.  Mỗi chuyến đi ấy, dù sớm hay muộn, Trương Nam Hương đều đến tận nhà đón, đến Ninh Bình thì đã thấy nhà thơ Lâm Xuân Vy chờ trong nắng gắt vã mồ hôi. Xuống thuyền qua các động, rồi lên bờ đi chùa Bái Đính. Lại một Trương Nam Hương khác – thích du lịch, chụp ảnh. Chúng tôi chụp cho nhau – tôi thì chụp rõ nhanh, đúng hơn là chộp nhanh, Trương Nam Hương chụp cẩn thận, luôn tìm góc ảnh lạ. Sẽ chụp cho chị một tấm thật đẹp – Hương nói vậy.

Lên bờ, các nhà thơ Ninh Bình đã chờ sẵn để chiêu đãi đặc sản dê núi. Quán đông, chúng tôi ngồi ở bên hiên. Quan trọng gì chỗ, được ăn ngon cùng các bạn thơ yêu quý là nhất rồi. 

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đi thăm Nhà thờ đá Phát Diệm trước khi trở về Hà Nội. Biết ăn sáng món gì đặc biệt của đất Cố đô xưa? Anh Lâm Xuân Vy giới thiệu quán bún mọc Tố Như trên đường đến Phát Diệm. Thế mà cứ nóng ruột vì đói hay rộn rã vì vui chẳng biết nữa mà ngóng tìm quán Tố Như. Một quán bình thường như bao quán khác, chỉ có biển hiệu, kẻ văn chương như bọn tôi mới chú ý. Nhìn một ông tầm tầm tuổi đoán là chủ quán, tôi hỏi lai lịch tên quán. Thì ra ông chủ quán xưa, thân sinh ông bây giờ tên Như. Một hôm, có ông khách đến ăn thấy ngon và gợi ý đổi tên là quán Tố Như. Khách gặng hỏi cái người gợi ý để hàng bún mọc lấy tên Đại văn hào, chủ quán nhớ lâu nhớ mới rồi choàng nhớ: “Đâu như ông ấy là nhà văn… Phạm Tuân” khiến đám thực khách cười ồ. Rồi giải thích ngược cho chủ quán, cái ông Phạm Tuân ấy là phi công,  còn nhà văn ấy có lẽ là cụ Nguyễn Tuân. Ông chủ quán gãi đầu cười - Đúng rồi, cụ Nguyễn Tuân chị ạ. Quả là bún mọc Tố Như - Ninh Bình ngon thật.

Chúng tôi “xê dịch” suốt những ngày Trương Nam Hương ra Hà Nội. Lại nhớ, mỗi khi tôi và các bạn thơ Hà Nội vào Sài Gòn, Trương Nam Hương lại tổ chức gặp anh em văn nghệ Sài Gòn thân thiết với Hương: NSND Thế Anh, nhà văn Đoàn Minh Tuấn, Lê Thị Kim, Đặng Nguyệt Anh, Thái Thăng Long, Lê Minh Quốc… Trước khi đoàn đi Cà Mau, vợ chồng Hương lại mời ăn sáng, đưa thuốc bổ cho mọi người đi đường đỡ mệt. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đùa: Trương Nam Hương đưa thuốc… hồi xuân cho chị em mình đấy. Vợ chồng Trương Nam Hương nhiệt tình với bạn  là thế, thành cầu nối của anh em văn nghệ hai miền Nam - Bắc. Nhà thơ tưởng như lãng tử vậy mà chu đáo. Tình yêu - hạnh phúc mỗi người một cảnh, gặp và thấy bạn vui, cũng thấy lòng mình ấm áp. Có được trong đời, trong chốn văn chương tình bạn thơ chân tình, thấu hiểu thật đáng quý biết bao.