Nhà thơ thích ăn cơm chay

(ANTĐ) - Thơ anh Chính Hữu không nên ngâm, khó ngâm, chỉ có thể đọc và đọc thầm càng hay. Anh viết không nhiều nhưng bài nào ra bài ấy, câu chữ nào ra câu chữ ấy, như những hạt ngô hạt thóc mẩy trên sàng.

Nhà thơ thích ăn cơm chay

(ANTĐ) - Thơ anh Chính Hữu không nên ngâm, khó ngâm, chỉ có thể đọc và đọc thầm càng hay. Anh viết không nhiều nhưng bài nào ra bài ấy, câu chữ nào ra câu chữ ấy, như những hạt ngô hạt thóc mẩy trên sàng.

>>> Nhà thơ thích ăn cơm chay (Kỳ 1)

Hình ảnh “đầu súng trăng treo” - thơ Chính Hữu in trong sách giáo khoa
Hình ảnh “đầu súng trăng treo” - thơ Chính Hữu
in trong sách giáo khoa

Thơ anh nói nhiều đến đồng chí, đồng đội và đất nước, nhưng cũng thật dễ hiểu, anh đã dành một góc đẹp cho những người gần gụi nhất đời mình. Đấy là mẹ anh, là vợ anh, là các con và thằng cháu nội Trần Vinh Huân của anh. Anh nói, có một người yêu quý nhất thì khi qua đời mình lại không về kịp. Và sau một lần về quê viếng mộ anh đã viết bài “Gửi mẹ”: Con mang tấm lòng thương mẹ, Đi qua nghìn dặm quê hương, Này đây núi này đây sông, Này đây buổi chiều khói thổi cơm lặng lẽ, Nơi nào cũng hiền như đời của mẹ.

Thơ anh mang một khả năng gợi mở, giản dị mà sâu lắng. Gợi mở thời gian, gợi mở không gian, gợi mở tình cảm và tư tưởng. Khi bàn đến “Truy kích”, rất dễ nghĩ đến những cuộc đuổi giặc vài cây số, dài nữa là vài chục vài trăm cây số, ở đây, Chính Hữu bàn xa đến tư tưởng của thời đại ta đang sống.

Đi thật chậm

Đi thật dềnh dàng

Đi suốt chiều ngang

Lại sang

Chiều dọc

Đi xuống mép nước

Rồi ngược

Lên ngàn

Việt Nam

Vạn dặm

Mênh mang.

Những đòi hỏi tới mức khó tính, sự chật vật sáng tạo tìm chữ tìm lời, cùng những ý tứ vừa mang tính khái quát lại vừa có chiều sâu đã đẩy cái tình nhà thơ lên một cung bậc cao. Mộc đấy mà sang đấy, đó là thơ Chính Hữu. Bằng thơ mình anh đã đóng góp một cách có hiệu quả vào việc làm cho văn chương kháng chiến bớt dần đi những gì xuềnh xoàng dễ dãi, lắm lúc có thể hiểu là lam lũ. Cái mộc mà anh chủ trương phải hiểu là cái mộc trí tuệ. Và đó là đổi mới.

Thơ văn quả là chuyện vô cùng, ngàn trang cũng hay mà chỉ một trang cũng hay. Cái khó là làm thế nào để đời nhớ cho mình, nhớ một câu đã quý mà nhớ cả bài càng quý. Bên cạnh ngàn bài thơ Đỗ Phủ, ngàn bài thơ Lý Bạch, một bài thơ của Trần Tử Ngang vẫn cứ sống cùng năm tháng: Nhìn trước chẳng thấy ai, nhìn sau đà chẳng rõ, ngẫm trời đất thật vô cùng, riêng lòng đau mà lệ nhỏ. Hiểu theo cách đó ta thấy thơ Chính Hữu không hề ít. Anh đã để lại cho ta một bài học có ý nghĩa minh triết về mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng trong sáng tác.

Bây giờ thì anh đã đi rồi, ra đi ôm một khối u trong lòng mà mấy ai đã biết, ra đi trong nỗi đau chỉ mình anh chịu không một lời than thở, không một tiếng rên, cứ nuốt vào lòng như thế, cứ bình thản như thế mà đi. Từ buổi cùng đoàn vệ quốc quân ngược lên Việt Bắc nhớ về Hà Nội người ấy đã từng viết Mái buồn nghe sấu rụng. Những mái ngói xô nghiêng rêu phong của ba mươi sáu phố phường nghe hay chính lòng người ấy nghe.

Những trái sấu thảng thốt rơi trên mái làm lòng ta bâng khuâng vì hiểu rằng mùa thu đang về. Mùa thu đó là một mùa thu nặng nề đối với mỗi người cầm bút trước sự rơi xuống của một trong những trái cây cuối cùng một mùa văn học kháng chiến. Sự ra đi của anh Chính Hữu, một đại biểu xuất sắc của văn học đương đại Việt Nam là sự ra đi mang ý nghĩa đó.

Nhớ một chiều đông Hà Nội trong chiến tranh, tôi và anh Chính Hữu bước đi dọc đường Lý Nam Đế. Hàng cây cổ thụ đua nhau trút lá rào rào, gió bấc về tê buốt mười ngón tay. Thành phố đã có lệnh sơ tán, vắng bóng thiếu nữ, vắng bóng trẻ thơ những góc phố, những nếp nhà nhìn mà thật buồn. Anh Chính Hữu chầm chậm rút từ trong túi áo bành tô ra tập Đầu súng trăng treo vừa in còn thơm mùi giấy mực. Tập thơ mỏng với những bài thơ ngắn, bài nào cũng ngắn, lần đầu tiên cho in thành sách sau hai mươi năm cầm bút. Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái làm bìa và minh hoạ. Cái bìa màu xám pha nâu vẽ bức tường loang lổ, những mái nhà, những ô cửa xộc xệch, một vành trăng khuyết trên cao. Màu Phái buồn.

Tôi nhận từ tay anh tập thơ ấy với mấy lời đề tặng vắn tắt mà anh biết bằng cách đặt nó lên một gốc sấu già. Gửi Đỗ Chu thân - anh đã viết như vậy, chỉ có vậy. Nhưng những câu thơ của anh thì đã nói rất nhiều.

Có người lính hiền như đất, Mùa hạ tưng bừng thương núi sông...

Năm mươi sáu ngày đêm, Bom gầm pháo dội, Ta mới hiểu thế nào là đồng đội, Đồng đội ta là hớp nước uống chung, Nắm cơm bẻ nửa, Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa, Chia khắp anh em một mẩu thư nhà, Chia nhau chỗ đứng trong chiến hào chật hẹp, Chia nhau cuộc đời, Chia nhau cái chết, Bạn ta đó ngã trên dây thép gai ba tầng, Bàn tay chưa rời báng súng, Chân lưng chừng nửa bước xung phong, Ôi những con người khi nằm xuống, Vẫn nằm trong tư thế tiến công, Bên trái Lò Văn Sự, Bên phải Nguyễn Đình Ba, Những đêm tiến công, Những ngày phòng ngự, Có phải các anh vẫn nằm đủ cả, Trong đội hình đại đội chúng ta....

Áo anh rách vai, Quần tôi có vài mảnh vá, Miệng cười buốt giá, Chân không giày, Thương nhau tay nắm lấy bàn tay, Đêm nay rừng hoang sương muối, Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới, Đầu súng trăng treo....

Với rất nhiều nhà thơ khác chắc sẽ là khó nói mỗi khi gặp phải những đề tài như thế này và một khi bí họ sẽ đổ tại đề tài khô khan. Nhưng với những người như Chính Hữu thì khác, họ có đầy đủ bản lĩnh để đạp lên mọi thách thức.

Ở đây, vấn đề là nói thế nào chứ không phải là nói cái gì. Nói gì chả được, đề tài chưa phải là cái quyết định, cái đáng lo là không tìm nổi một cách nói cho thật hay. Đây chính là công việc của các tài năng.

Tùy bút của Đỗ Chu