Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Thơ bán "chạy" không phải "cú ăn may"

ANTĐ - Được xem là “hiện tượng” trong làng xuất bản Việt khi tập thơ nào cũng bán được hàng chục nghìn cuốn, Nguyễn Phong Việt từ một người viết thơ trên blog trở thành nhà thơ ngoài đời thực. Anh đã có những chia sẻ chân thành cùng phóng viên Báo An ninh Thủ đô trong dịp đầu Xuân mới 2016.

Viết để giải tỏa cảm xúc

- PV: 4 năm đều đặn cho ra đời 4 tập thơ, tập nào cũng được xếp vào hàng 
“best-seller”, đến giờ anh còn tự thấy mình là người viết nghiệp dư nữa không?

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Thơ bán "chạy" không phải "cú ăn may" ảnh 2

- Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Thật sự mà nói, tôi không mong muốn trở thành nhà văn hay nhà thơ chuyên nghiệp nhưng đến giờ tôi đã ý thức được rằng khi ra một cuốn sách tức là trao cuốn sách đó cho độc giả của mình. Tôi muốn “đứa con tinh thần” của mình có chất lượng để người đọc không bị cảm giác rằng: “À, Nguyễn Phong Việt ham ra sách vì cần tiền, vì mưu cầu một cái gì đó”. 

- Bán thơ cũng cần may mắn, anh có nghĩ thế không?

- Tôi nhận ra điều thú vị là mọi người không còn so sánh tôi với thời mới ra tập thơ đầu tiên nữa. Có thể mọi người nghĩ rằng “Đi qua thương nhớ” bán chạy là một sự may mắn, nhưng đến tập thơ thứ tư “Sống một cuộc đời bình thường” mọi người sẽ thấy dẫu có thế nào, đi qua những may mắn thuận lợi thì tôi vẫn có tố chất của một người viết lách chứ không phải cú ăn may. 

- Từ thời điểm ra tập thơ đầu tiên đến giờ, ngoài việc thơ bán vẫn “đắt như tôm tươi” ra, anh thấy mình có gì giống và khác xưa không?

- Tôi viết những bài thơ đầu tiên khi những cảm xúc bị dồn nén trong lòng mình và tôi chọn trang viết để giải tỏa. Đến giờ tôi vẫn viết bằng cảm xúc dựa trên những câu chuyện của chính mình và những người xung quanh mình. Cuốn sách thứ tư này giống như sự trưởng thành của bản thân tôi, từ những cảm xúc của một người trẻ nhiều đau đớn, dằn vặt đến khi tìm được yêu thương, rồi có được yêu thương đủ đầy lại cảm thấy dù hạnh phúc đến mấy vẫn có lúc cô đơn đến cùng cực, cho tới chỗ chấp nhận cô đơn là một phần cuộc sống thì mong muốn lớn nhất là “Sống một cuộc đời bình thường”.

- Vậy theo anh, thế nào mới là “sống một cuộc đời bình thường”?

- Đơn giản là có thể làm được những điều giản dị nhất với người mình yêu thương, có thể ăn một bữa cơm cùng nhau, trò chuyện cùng nhau, có sức khỏe để mỗi sáng thức dậy được nhìn thấy người mình yêu thương. Tiền bạc rồi sẽ mất đi, vị trí rồi sẽ có người khác thay thế, còn nếu hạnh phúc là của mình thì sẽ mãi là của mình, biết cách trân trọng giữ gìn nó thì người ta có thể đi cạnh nhau rất lâu thay vì một đoạn đường ngắn ngủi. 

Làm thơ không giàu được

- Đọc thơ anh thấy đủ mọi cung bậc xúc cảm, hạnh phúc lẫn bi kịch, ngọt ngào lẫn cay đắng, hy vọng lẫn ảo vọng khi yêu. Vậy anh đã “nếm” từng ấy thứ “gia vị” cảm xúc chưa?

- Tôi đã từng trải qua những điều ấy trong những năm tháng tuổi trẻ. Tôi từng có suy nghĩ tại sao tất cả những đau đớn, tuyệt vọng đó lại đổ ập vào mình cùng lúc. Nhưng sau đó đi qua lại thấy thực ra đó là điều may mắn, vì những biến cố đó giúp mình trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn và biết cách ứng xử hơn.

- Anh thấy độc giả đọc thơ của mình nhiều nhất ở lứa tuổi nào?

- Có một bác năm nay ngoài 70 tuổi rất chăm chỉ đọc thơ của tôi, bác ấy kể mỗi ngày đều vào trang Fanpage của tôi để đọc. Tôi vẫn nghĩ không hẳn người lớn tuổi thì trưởng thành, cũng không hẳn người trẻ tuổi thì non nớt “bồng bột” ngây ngô. Vấn đề là họ lớn lên trong hoàn cảnh nào. Tại một buổi ký tặng sách, tôi từng hỏi một bạn học sinh cấp 3 rằng tại sao lại mua sách của tôi và nhận được câu trả lời rằng: “Có thể em không hiểu hết những gì anh viết ra nhưng một phần trong đó em hiểu được, quan trọng là phần đó giống em”. Điều đó có nghĩa là những gì tôi viết ra ít nhiều đến được với độc giả mọi lứa tuổi. 

- Ngoài làm thơ ra, anh còn viết báo, làm truyền thông. Anh làm nhiều thế có phải vì làm thơ không… giàu được?

- Tôi nghĩ đúng là như vậy. Ở Việt Nam nếu nói có ai đó sống được bằng nghề viết văn thì hiếm lắm, hình như chỉ có mỗi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cuộc sống là thế, không phải cái gì mình làm cũng vì tiền và làm ra tiền. Tôi nghĩ viết sách là niềm vui của mình và từ niềm vui đó có thể giúp mình làm nhiều việc khác tốt hơn.

-  Vậy “chàng thơ” Nguyễn Phong Việt ở ngoài đời là chàng trai thế nào?

- Có lẽ tôi là người thực tế trước rồi mới đến lãng mạn. Tôi biết cách phân tách con người trong và ngoài trang viết chứ không bị lẫn lộn kiểu lửng lơ. Tôi không bị mơ mộng bay bổng quá. Có lẽ vì thế mà trên trang viết, mọi người sẽ thấy những cảm xúc rất đời thường, những câu chuyện gần gũi với mình chứ không quá bị xa lạ.

-  Cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh!