Nhà thơ Inrasara: “Không có thời gian để kiêu ngạo”!

(ANTĐ) - Xuất hiện trên văn đàn khá muộn, nhưng tài năng của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara được công nhận bằng nhiều giải thưởng lớn của Hội Nhà văn Việt Nam. Chưa một lần gặp Inrasara, nên khi biết tôi tìm hiểu về anh, một đồng nghiệp đã thốt lên rằng, đó là một “gã kiêu ngạo”. Rồi tôi cũng đã gặp “gã kiêu ngạo” này trong một quán cà phê phố cổ nhân chuyến anh ra Hà Nội công tác.

Nhà thơ Inrasara: “Không có thời gian để kiêu ngạo”!

(ANTĐ) - Xuất hiện trên văn đàn khá muộn, nhưng tài năng của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara được công nhận bằng nhiều giải thưởng lớn của Hội Nhà văn Việt Nam. Chưa một lần gặp Inrasara, nên khi biết tôi tìm hiểu về anh, một đồng nghiệp đã thốt lên rằng, đó là một “gã kiêu ngạo”. Rồi tôi cũng đã gặp “gã kiêu ngạo” này trong một quán cà phê phố cổ nhân chuyến anh ra Hà Nội công tác.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara

- PV: Làm thơ từ khi còn ngồi trên ghế trường trung học, nhưng phải đến năm 40 tuổi, anh mới cho xuất bản tập thơ đầu tay “Tháp nắng”. Đây có phải là một sự chậm chạp có chủ ý?

- Nhà thơ Inrasara: Tôi vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh từ năm 1992, khi đó tôi đã có đủ mọi điều kiện để ra sách, nhưng tôi đã không làm ngay mà đợi đến tận năm 1996 mới in; trước đó tôi cũng không gửi thơ đăng báo nào. Khởi động từ năm 15 tuổi rồi mãi đến cận tứ thập, tôi mới cho ra đời tác phẩm nghiên cứu đầu tay. Tôi nghĩ, chẳng có gì mà vội cả, cứ đợi chúng chín đầy. Dẫu vậy, lúc này đọc lại “Tháp nắng” tôi vẫn thấy có nhiều chỗ còn non. Nếu in lại, chắc chắn tôi sẽ bỏ đi non nửa, ở đó khá nhiều bài nhảm! Nói vậy để thấy rằng, tôi luôn sáng tác đầy ý thức và luôn nhìn tác phẩm mình bằng con mắt mở lớn.

- PV: Trong một tập phê bình văn học đã được xuất bản mấy năm trước, anh có lấy tiêu đề là “Chưa đủ cô đơn để sáng tạo” - như thế có thể hiểu, quá trình sáng tạo là một quá trình mà tác giả hoàn toàn cô đơn?

- Nhà thơ Inrasara: Đúng, cô đơn chứ không phải cô độc hay cô lập. Cô đơn đầu tiên và cuối cùng. Người sáng tạo cần lặn sâu xuống 3 tầng cô đơn, cô đơn trước khi viết, cô đơn trước trang giấy và cô đơn sau khi tác phẩm ra đời. Cô đơn trước khi viết là rất cần thiết, điều đó ai cũng biết rồi. Cô đơn trước trang giấy là cô đơn tuyệt đối. Nhà văn thoát khỏi mọi ám ảnh, ám ảnh bởi dao kéo kiểm duyệt để phải tự kiểm duyệt, bởi truyền thống văn hóa, bởi dư luận, bởi con mắt nhòm ngó của người thân hay bằng hữu, bởi sinh viên của mình sẽ nghĩ thế nào, hay viết kiểu này có thỏa mãn nhà phê bình khó tính kia không...

Còn cô đơn cuối cùng là sự cô đơn sau khi tác phẩm ra đời. Cái bệnh của đa số nhà văn Việt Nam là ưa cãi lại nhà phê bình khi tác phẩm mình bị chê. Một tác phẩm ra đời có nghĩa là nó đã có cuộc đời khác rồi. Nếu nó hay, nó sẽ tự sống, còn nếu dở thì dẫu mình có tìm mọi cách để biện minh, nó vẫn cứ... dở!  

- PV: Sau “Tháp nắng”, anh tiếp tục được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn lần hai (Lễ Tẩy trần tháng Tư) rồi Giải thưởng Văn học ASEAN, những giải thưởng lớn và dồn dập đến như thế, liệu có làm cho Inrasara trở nên kiêu ngạo?

- Nhà thơ Inrasara: Tôi sáng tác không với ý đồ ăn cái giải này giải nọ. Bất ngờ có giải thưởng thì vui, vui lắm chứ. Nhưng chỉ vui một ngày thôi, để rồi sáng hôm sau lại lao vào cô đơn tiếp (cười). Với tôi, giải thưởng chỉ là pit-tông đẩy tôi dấn mình trên con đường khai phá vùng đất mới, cách thể hiện mới, chứ không phải dừng lại nghỉ ngơi mà vểnh râu. Vẫn còn có rất nhiều việc phải làm, nhiều tác phẩm phải hoàn thành, nên thời gian đâu mà dành cho kiêu ngạo!

- PV: Nghe nói anh từng bỏ học, về quê đi cày chỉ để lấy tiền mua sách tự đọc, tự học, vì sao lại có chuyện ngược đời vậy?

- Nhà thơ Inrasara: Sự thật là hồi đó, tôi thấy ngồi ở trường học rất chán. Không có gì để học cả, chương trình học lại lạc hậu. Nhà cha mẹ tôi nông dân nghèo, không có tiền mua sách, liên tục trong một năm ròng, tôi phải đi cày ruộng thuê để lấy tiền mua sách về đọc. Sách cũ lúc đó bán rất rẻ, trên dưới 1.000 đ một cuốn mà toàn sách quý. Giờ nhà tôi có trên vạn cuốn sách là vậy.

- PV: Rồi ngay từ thời rất trẻ, anh còn sưu tầm đủ mọi thứ liên quan đến văn hóa Chăm, nhiều người bảo anh gàn dở....

- Nhà thơ Inrasara: Đúng, tôi nghe riết quen tai. 15 tuổi tôi đã bị mọi người gọi là thằng Trạm “mát” rồi mà (Inrasara tên thật là Phú Trạm - PV). Thuở ấy tôi đá bóng cũng khá, nhưng lắm lúc xỏ giầy ra sân, nổi hứng tôi bỏ sân bãi về nhà đóng cửa làm mọt sách. Không là “mát” thì còn gọi bằng từ gì cho xứng danh?

- PV: Lâu ngày gặp lại bạn bè, người thân anh thích họ hỏi anh câu nào trong hai câu sau “Có tác phẩm nào mới không?” hay “Tình hình kinh doanh thổ cẩm có khá không”?

- Nhà thơ Inrasara: Thực ra tôi thích là người hỏi hơn là người được hỏi. Mỗi lần về quê là tôi thường đi vòng vòng khắp cả làng cả xóm để thăm nom họ hàng, để hỏi han họ về cuộc sống. Còn nếu cứ phải trả lời, tôi lựa chọn phương án thứ 3 hãy hỏi tôi là: “Thằng Klu dạo này khỏe không?”- tôi thích được gọi bằng cái tên từ thời thơ ấu của mình (cười).

- PV: Một ngày chỉ có 24 tiếng, trong khi đó anh lại làm quá nhiều việc, viết phê bình, làm thơ, viết tiểu thuyết, dịch, rồi đi nói chuyện về văn chương, kinh doanh... vậy thời gian đâu để anh dành cho nghiên cứu văn hóa Chăm?

- Nhà thơ Inrasara: Sau khi lâp Công ty TNHH Dệt may thổ cẩm Chăm Inrahani, năm 2000, tôi tuyên bố với bà xã là tôi quyết tâm không làm ra tiền nữa. Mươi năm trước, tôi đã cày hệt một con trâu để gây dựng sự nghiệp kinh doanh, nên từ nay tôi xin chào nó. Bổn phận tôi lúc này là đọc, đi và viết mà thôi.

- PV: Xin cảm ơn anh!

Quỳnh Vân

(Thực hiện)