Nhà đông con

(ANTĐ) - Tuy hai vợ chồng cùng là công nhân, phải nuôi 4 miệng ăn nhưng cuộc sống nhà ông Nam, bà Hòa không đến nỗi khó khăn. Tất cả đều nhờ vào căn nhà hai tầng mặt phố bố mẹ ông Nam để lại. Cả nhà phải dọn lên tầng hai ở, còn căn nhà mặt phố tầng một cho thuê. Khi các con còn nhỏ, sống chen chúc trong một phòng còn được, nhưng đến khi chúng nó lớn, căn phòng trở nên chật chội. Nhất là khi Bằng, cậu cả lấy vợ, sinh con.

Nhà đông con

(ANTĐ) - Tuy hai vợ chồng cùng là công nhân, phải nuôi 4 miệng ăn nhưng cuộc sống nhà ông Nam, bà Hòa không đến nỗi khó khăn. Tất cả đều nhờ vào căn nhà hai tầng mặt phố bố mẹ ông Nam để lại. Cả nhà phải dọn lên tầng hai ở, còn căn nhà mặt phố tầng một cho thuê. Khi các con còn nhỏ, sống chen chúc trong một phòng còn được, nhưng đến khi chúng nó lớn, căn phòng trở nên chật chội. Nhất là khi Bằng, cậu cả lấy vợ, sinh con.

Vài năm sau đến cậu Quang cưới vợ rồi tiếp đến là cậu Bắc... Chỉ có cô út là Lan kết hôn xong dọn về nhà chồng, còn 3 cậu con trai, mỗi người một góc nhà. Cũng may căn phòng rộng 60 mét vuông nên được chia làm tư bằng khung nhôm cửa kính, mỗi phòng rộng khoảng chục mét vuông sau khi trừ đi phần lối đi và công trình phụ.

Còn nhỏ, bố mẹ chỉ cần nói một câu, các con đều nghe răm rắp, đến khi trưởng thành, đứa nào cũng bo bo lo cho cái tổ ấm của mình nên dù cơ quan có bán nhà, chẳng đứa nào chịu bỏ tiền ra mua. Chấp nhận sống chui rúc trong các tổ ấm nhôm kính đó.

Rồi những đứa trẻ lần lượt ra đời. Ban ngày chúng đi học thì thôi chứ cứ chiều về là khu chung cư tầng hai của nhà ông bà cứ như cái chợ. Chúng hò hét, nô đùa, đánh cãi nhau ầm ĩ. Rồi chuyện các nàng dâu nữa. Dâu cả thì ăn diện, dâu hai thì nhiều lời và dâu ba thì hay đưa chuyện.

Ngoài mặt thì chào hỏi nhau nhưng trong bụng không biết các cô nghĩ gì. Hơn một lần, cậu cả bàn với ông bà nên bán nhà, chia mỗi đứa một ít mua nhà riêng chứ sống mãi như thế này rồi sẽ đến ngày không thể chịu nổi.

Ông bà chỉ thở dài, không trả lời. Bởi ông bà chưa quen với suy nghĩ sẽ phải sống xa các con cháu. Mặt khác, như người ta vẫn nói, bán đi là hết. Ông bà không muốn bán ngôi nhà hương hỏa các cụ để lại.

Nó đã tồn tại gần một thế kỷ rồi, chẳng lẽ đến đời ông bà không giữ được. Nhưng rồi, chính ông bà bắt đầu cảm thấy mệt mỏi bởi tiếng ồn hàng ngày, ra đụng vào chạm, kiểu nói cạnh khóe của các nàng dâu và ánh mắt không thiện cảm của mấy thằng con trai.

Vẫn biết chúng nó đã khôn lớn, có cuộc sống riêng nhưng ông bà luôn cảm thấy giữa mình với các con là những khoảng cách. Chúng nó chăm sóc bố mẹ như một nghĩa vụ. May ông bà còn khỏe, không hiểu sau này già cả, đi đứng quờ quạng thì chúng sẽ đối xử như thế nào.

Cái ngày ấy rốt cục cũng phải đến khi sự chịu đựng của ông bà lên tới đỉnh điểm. Toàn bộ ngôi nhà hai tầng được bán với một số tiền rất lớn. Để mọi việc được phân minh, công bằng, ông bà còn thuê hẳn một luật sư đến “tư vấn” cho việc chia tiền cho các con theo luật.

Theo cách đó thì con gái cũng có phần và con cả được phần hơn vì sau này ông bà quy tiên con cả còn phải lập bàn thờ hương khói mỗi ngày. Không ai có ý kiến gì và sau đó, mọi người đều mua một ngôi nhà riêng để ở.

Không như tính toán ban đầu, ông bà chưa sống chung với Bằng, cậu con cả mà mua một ngôi nhà chung cư để ở. Cho thoải mái, ông bà còn phục vụ được nhau thì chưa cần đến sự giúp đỡ của các con, cháu.

Chính điều này mà Bằng thấy tự ái, nhiều lần thuyết phục ông bà về sống chung nhưng ông bà không đồng ý. Lúc đầu, mấy đứa con còn đều đặn đến thăm bố mẹ vào cuối tuần, đi chợ mua thức ăn rồi ngồi nói chuyện đến chiều tối mới về.

Sau, ai cũng bận nên những lần đến thăm cũng thưa dần. Ngoài số tiền mua nhà, ông bà còn dư một khoản tiền để gửi tiết kiệm, cộng với lương hưu hàng tháng, vậy là ổn, chưa cần đến sự trợ cấp của các con.

ở chỗ rộng rãi, thoáng mát, ông Nam, bà Hòa như khỏe hẳn ra. Nhưng ông bà cũng phải thừa nhận một điều, lâu lâu không được nhìn thấy các con cháu là thấy nhớ. Chúng nó đến thăm ông bà thì dễ mà ông bà đi thì khó quá. Mọi việc trong nhà đều được giải quyết trên điện thoại.

Nhà đứa nào có việc gì, ông bà cũng chỉ bảo cặn kẽ để chúng luôn cảm thấy yên tâm vì có bố mẹ bên cạnh. Vào dịp nghỉ hè, ông bà đến từng nhà, mỗi nhà chơi vài ba ngày với đàn cháu. Chúng rất quấn ông bà.

Đến lúc này, ông bà mới hiểu một điều, người có tuổi cũng rất cần tự do, thoải mái. Đành rằng sống quây quần bên con cháu là tốt, nhưng nhiều khi chúng nó bận rộn công việc, không giúp được gì cho chúng nó, lại để chúng phải lo nghĩ cho mình từng bữa ăn, giấc ngủ thì quả không tiện.

Điều quý giá nhất của con người đối với nhau là tình cảm. Một khi có tình cảm, yêu thương, quý trọng nhau thì luôn nghĩ và đối xử tốt với nhau, dù mọi người đâu cần sống chung dưới một mái nhà.

Mạnh Hà