Nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý: Gã đàn ông không màng đến sự đời

ANTĐ - Mọi người vẫn bảo, Nguyễn Như Ý là kẻ bất thường giữa những người bình thường và là người bình thường giữa những kẻ bất thường. Có nghe Ý nói, mới thấy điều này đúng…

Nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý: Gã đàn ông không màng đến sự đời ảnh 1Nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý

Sáng bán cá, chiều có lương

Có thời, cả Hà Nội chơi tượng của Ý “điên”. Nhưng phải chờ đến thời điểm này, Nguyễn Như Ý mới có một triển lãm cá nhân đầu tiên. Dù trước đó, anh cũng đã tổ chức một vài triển lãm nhưng được thực hiện theo lối cóp nhặt do các nhà sưu tập đóng góp tác phẩm. Cách Ý xuất hiện trong ngày khai mạc thật không giống ai. Anh vận bộ cánh vẫn thường ngày đi mò cua bắt ốc. Cái áo phông màu da cam đã ngả màu, chiếc quần đùi đã sờn. Ý đi chân đất, di chuyển bằng cách nhảy lò cò thay vì mang nạng. Sau lời khai mạc của họa sỹ Lê Thiết Cương, Ý ngại ngần đứng trước đám đông nói lời cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp. Trong những từ ngữ lộn xộn và có vẻ không ăn nhập nhau ấy, người nghe vẫn cảm nhận được sự chân thành của một gã khùng.

Đã ở cái tuổi tứ tuần, Ý không còn trẻ nhưng gặp ai anh cũng xưng là em, dù người nói chuyện nhỏ hơn anh đến gần chục tuổi. Đặc biệt, các bạn cũ đến với anh, Ý còn kể chuyện đi bán cá, rồi ngủ luôn ở chợ. Ý bảo, sáng anh làm việc, chiều có lương ngay. Tiền ấy, anh quay vòng mua gỗ, mua sơn để vẽ, vừa tiết kiệm chi phí lại có tiền để uống rượu, vẽ vời. 

Ngày còn học Đại học Mỹ thuật Hà Nội, cứ giờ ra chơi, Ý lại lội xuống mương để bắt cá hoặc đi đạp xích lô lấy tiền ăn học. Ý không muốn bố mẹ, anh chị phải chu cấp cho anh khi Ý là một chàng thanh niên sức dài vai rộng. Bây giờ chỉ còn một chân, Ý không thể đạp xích lô nên sẽ gắn bó với công việc bắt cá. Và anh tiết lộ, cũng may, từ hồi đi bán cá đến giờ, chưa hôm nào bị ế. 

Nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý: Gã đàn ông không màng đến sự đời ảnh 2Tượng của nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý tại triển lãm khai mạc ngày 26-6 tại Blue gallery, số 28 Tràng Tiền, Hà Nội

Khát vọng về một mái ấm gia đình

Sau tai nạn mất một chân, Ý lui về quê sống cùng anh trai. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều người tưởng anh đã đoạn tuyệt với nghệ thuật để chuyên tâm cho công việc đồng áng thì tất cả đã nhầm. Ngay cả khi gặp tai ương, Ý vẫn sáng tác. Anh lý giải, nhà trường đã cấp bằng cho Ý nên anh không thể bỏ. Anh phải làm việc bằng trách nhiệm của người nghệ sỹ.

Thế nên, dù chỉ có một khúc gỗ nhỏ, Ý cũng gọt, đẽo để trở thành một bức tượng. Ý không thích mài, giũa mà chỉ thích dùng lưỡi đục và chạm khắc. Các tác phẩm điêu khắc của anh mang dáng dấp của các tác phẩm điêu khắc đình làng, tượng nhà mồ Tây Nguyên. Tất cả đều trong trẻo, thô nhám và mộc mạc.

Ý “điên” có tiếng trong giới mỹ thuật nên khi anh đặt đề nghị bày tượng tại Blue gallery, bà chủ đồng ý ngay. Tượng của Ý có sự trong veo của việc ít toan tính, vẫn có cái hồn hậu của người tâm lành ít nghĩ ngợi sâu xa và cả cái lơ ngơ của gã đàn ông trung niên không màng đến sự đời. Đó cũng chính là cách để Ý “điên” được nhớ tới, yêu quý và mến mộ trong nghệ thuật điêu khắc. 

Không chỉ làm tượng, Ý còn vẽ tranh. Bức nào anh cũng vẽ đôi nam nữ sánh bước trong khung cảnh cổ tích. Hỏi Ý, sao anh lãng mạn thế? Ý bảo, các cụ đã dậy, âm dương phải hòa hợp nên bức tranh nào, anh cũng vẽ như vậy. Nhưng kỳ thực, mỗi bức tranh, Ý đều thể hiện khát vọng về một mái ấm gia đình mà đến nay anh vẫn chưa có được. Dù đã có 2 người phụ nữ đi qua cuộc đời anh, một cô nặng 38kg, còn cô khác nặng 83kg nhưng đến nay Ý vẫn một mình. 

Tình yêu mà Ý mường tượng trong các tác phẩm giống như thuở sơ khai của loài người với Eva và Adam trong khu vườn địa đàng. Dù mái tóc đã điểm bạc nhưng đến nay, Như Ý vẫn chưa tìm thấy người phụ nữ nguyện cùng anh bước đi trong thế giới cổ tích. Và trong hành trình đi tìm tình yêu đích thực, Ý “điên” sẽ tiếp tục cống hiến và tạo ra các tác phẩm tranh và tượng mang dấu ấn cá nhân.