Nhà đấu giá Sotheby's bị tố tuồn tranh giả của Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân lên sàn quốc tế

ANTD.VN - Mới đây, nhà đấu giá Sotheby's (Hong Kong) đã đăng tải công khai tác phẩm của các danh họa Việt Nam là Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn trên trang web, để các nhà sưu tầm và người yêu tranh tham khảo trước khi đưa "lên sàn". Thế nhưng, với con mắt của những người làm nghề, giới họa sỹ Việt đã tố Sotheby's đưa tranh giả, tranh chép của các họa sỹ Đông Dương ra thị trường mỹ thuật quốc tế... 

Tại phiên đấu giá "Modern and comtemporary southeast Asian art" sắp diễn ra vào ngày 6-10 tại Hong Kong, Sotheby's sẽ đưa lên sàn 4 tác phẩm của 4 họa sỹ nổi tiếng Việt Nam là tranh lụa Hai cô gái của Trần Văn Cẩn, tranh sơn mài Dân quê Việt của Nguyễn Sáng, tranh sơn mài Phong cảnh của Nguyễn Gia Trí và tranh lụa Lá thư của Tô Ngọc Vân. 

Tác phẩm được Sotheby's đề là tranh lụa "Hai cô gái" của Trần Văn Cẩn

Ở cả 4 tác phẩm này, giới họa sỹ và nghiên cứu mỹ thuật đều cho rằng, đây không phải là các tác phẩm bản gốc với những nét vẽ thiếu chuyên nghiệp và ngây ngô. Trong đó, bức Hai cô gái của Trần Văn Cẩn và Lá thư của Tô Ngọc Vân được cho là tranh chép. Còn bức Dân quê Việt của Nguyễn Sáng và Phong cảnh của Nguyễn Gia Trí được cho là tranh giả, nhái phong cách của 2 họa sỹ nổi danh của làng sơn mài Việt. 

Trong khi đó, phong cách của Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân hay Nguyễn Gia trí, Nguyễn Sáng đều rất rõ ràng, đạt đến trình độ bậc thầy thì 4 tác phẩm này đã hạ thấp tên tuổi và giá trị tác phẩm của 4 danh họa. 

Tác phẩm được Sotheby's đề là tranh sơn mài "Phong cảnh" của Nguyễn Gia Trí

Họa sỹ Nguyễn Đình Đăng nhận xét về bức Dân quê Việt của Nguyễn Sáng, chỉ cần nhìn cái tay trái cầm đòn gánh của người đàn ông ở gần lại cắm vào sau lưng người phụ nữ ở xa là đủ thấy hiểu biết về luật viễn cận của người vẽ bức tranh này là gần như không có. Những thứ ngớ ngẩn như thế sao cứ nhan nhản trong tranh của "các cụ Đông Dương", trong khi cả người bán, cố vấn chuyên gia lẫn người mua sao vẫn như không có mắt vậy?

Họa sỹ Phạm An Hải thì cho rằng, Sotheby’s biết đấy nhưng vì lợi nhuận nên lờ đi. Chỉ có người Việt là bị thiệt hại, tên tuổi của các họa sỹ bị ảnh hưởng đã đành, mà người mua tranh của kẻ làm giả rồi bán lại cho người thưởng tranh thật, đã đưa một mớ tranh đáng lý vứt đi, bỗng có giá trị tiền tỷ. 

Còn một họa sỹ giấu tên khác lại nhìn 4 bức tranh này ở góc độ khác rằng, vóc đẹp màu tươi quá, không có màu thời gian. Vậy nên, đây rõ ràng là các tác phẩm tranh giả, tranh chép. Và tác phẩm mỹ thuật cũng là một mặt hàng trên thị trường quốc tế. Do vậy, để tránh mua phải tranh giả, mỗi nhà sưu tập hãy là một người tiêu dùng thông thái. 

Tác phẩm được Sotheby's đề là tranh sơn mài "Dân quê Việt" của Nguyễn Sáng

Đây không phải là lần đầu tiên, Sotheby's bị các họa sỹ Việt Nam tố tuồn tranh giả lên sàn đấu giá quốc tế. Cách đây 2 năm, năm 2017, nhà đấu giá này đã đưa lên sàn bức tranh "Gia đình" của danh họa Lê Phổ vẽ một thiếu phụ có 2 bàn tay trái. Nói vui thì như thế nhưng cụ thể, đó là việc người vẽ bức tranh đó không hiểu về giải phẫu nên đã vẽ cổ tay phải của người phụ nữ và lắp trên đó là một bàn tay trái. Vì sai như thế, nên các họa sỹ Việt đã khẳng định, 100% bức tranh này không phải của Lê Phổ thể hiện. 

Bức tranh lụa này có kích thước 63x46cm được ghi là của danh hoạ Lê Phổ (vẽ khoảng 1938-1940) và được nhà Sotheby's giới thiệu sẽ bán với giá ước tính từ 1.500.000 — 2.500.000 đôla HK (khoảng 191,730 - 319,550 USD), trong phiên đấu giá “Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại” vào chiều tối ngày 30/9/2017 tại Hong Kong. 

Nhà đấu giá Sotheby's bị tố tuồn tranh giả của Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân lên sàn quốc tế ảnh 4

Tác phẩm được Sotheby's đề là tranh lụa "Lá thư" của Tô Ngọc Vân

Việc tranh giả, tranh chép của các danh họa Việt Nam xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế đang diễn ra ngày một nhiều hơn, không chỉ tại các sàn quốc tế châu Á mà còn tại châu Âu. Điều đó chứng tỏ, sức hấp dẫn và giá trị của các tác phẩm độc bản do các họa sỹ Đông Dương thực hiện. Và vì cầu vượt quá cung, mà giá trị tác phẩm lại quá cao đã khiến nạn tranh giả, tranh nhái được dịp lộng hành. 

Trước hiện tượng này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho rằng, các bảo tàng của Việt Nam không hề lên tiếng để bảo vệ uy tín cho các họa sỹ Đông Dương. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng không có động thái nào. Trong khi đáng lý, hội không chỉ bảo vệ uy tín, quyền lợi của những hội viên đang sống mà còn phải có trách nhiệm với các hội viên đã khuất. Nếu Việt Nam không lên tiếng, họ sẽ tiếp tục bán, làm thật giả lẫn lộn. 

Nhà đấu giá Sotheby's bị tố tuồn tranh giả của Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân lên sàn quốc tế ảnh 5

Bức tranh sai về giải phẫu, vẽ người phụ nữ có hai bàn tay trái được Sotheby's đề của danh họa Lê Phổ 

Luật sư Tám Trần (luật sư bản quyền của công ty IPCom Việt Nam) cho biết, quyền sở hữu trí tuệ mang tính lãnh thổ nên việc bức tranh được giao dịch ở quốc gia nào phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó, tuân thủ quy định của nơi bức tranh được mang ra giao dịch.