Nhà biên kịch Phan Huyền Thư: “Nghề của tôi không cần nổi tiếng”

ANTĐ - Nhắc tới Phan Huyền Thư, người ta nhắc đến một người phụ nữ thông minh, sắc sảo và một nhà biên kịch tài năng. Người ta cũng không quên gắn tuổi thơ nhọc nhằn của Phan Huyền Thư với mẹ chị, một người đàn bà với số phận truân chuyên - NSND Thanh Hoa. Nhưng khi hỏi về điều này, Thư bảo, chị luôn cảm ơn bà đã để chị phải sống một tuổi thơ thiếu thốn, bởi lẽ, cũng chính điều đó đã làm nên Phan Huyền Thư của ngày hôm nay.

Nhà biên kịch Phan Huyền Thư: “Nghề của tôi không cần nổi tiếng” ảnh 1
Phan Huyền Thư trên sân khấu Sao Mai điểm hẹn

Người “nổi tiếng bất đắc dĩ”

- PV: Là một nhà thơ, một đạo diễn với nhiều bộ phim tài liệu đầy tính nhân văn, chân thực nhưng gần đây thấy chị ít xuất hiện trên truyền thông?

- Phan Huyền Thư: Tôi nghĩ, nghề của tôi không cần thiết phải nổi tiếng theo kiểu bề nổi. Nếu không biết tôn trọng mình, sự xuất hiện nhiều trên truyền thông có thể sẽ trở nên lố bịch. Việc tôi làm giám khảo của SV 2012 hay “Sao mai điểm hẹn” là vì tôi nghĩ, đó cũng là một sự đóng góp cho nghệ thuật một cách nghiêm túc. Nhưng sau đó tôi hơi ân hận vì sự xuất hiện đó, bỗng nhiên tôi lại thành người nổi tiếng bất đắc dĩ. Tôi cũng chưa bao giờ nhận mình là một ngôi sao bởi làm con của một ngôi sao đã quá khổ rồi. Bây giờ tôi mà là ngôi sao lại để các con tôi khổ thì tôi càng không muốn. 

- Một người phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt như chị mà cuối cùng vẫn phải đứng giữa sự lựa chọn: một là chồng, hai là nghề?

- Thật may là, trong rất nhiều bất hạnh mà từ bé tới giờ tôi phải chịu, điều may mắn nhất là tôi có một bến đỗ bình yên. Tôi không bao giờ thần thánh hóa tình yêu nhưng vợ chồng tôi đến với nhau khi cả hai đã trưởng thành, quá khứ cũng đã là của nhau vì chúng tôi học cùng nhau từ bé. Chồng tôi là cán bộ thuộc Tổng cục Hải quan, anh ấy không làm nghệ thuật nhưng rất tôn trọng nghề của tôi. Khi mới lấy nhau, ông xã cũng không hài lòng vì tôi cứ đi liên miên khắp nơi, rồi xuất hiện nhiều trên báo chí. Có lần, anh ấy nói: “Không hiểu sao người ta ra mắt bao nhiêu tập thơ thì không sao mà em cứ ra tập thơ nào, làm bộ phim nào là mọi thứ xáo trộn lên!” nhưng dần dần, anh ấy lại vui khi thấy  mọi người biết đến vợ mình. Thấy tôi cứ lao đi làm phim tài liệu, lên rừng, trèo đèo, lội suối, đến tận hang cùng, ngõ hẻm làm từ thiện, anh ấy đã thông cảm hơn. Bản thân anh ấy cũng đã nhiều lần giúp vợ cầm tiền vào trao tận tay bệnh nhân mổ tim ở bệnh viện Từ Dũ. Có lẽ, cũng từ những chuyến đi như thế, anh ấy hiểu và chia sẻ với tôi hơn. 

- Là bạn thân của nhau suốt thời trẻ, giờ thành chồng vợ, liệu có khi nào chị có cảm giác nhàm chán?

- Nhàm chán hay không là do cách hâm nóng của vợ chồng. Thi thoảng cả gia đình tôi tổ chức đi du lịch, dã ngoại. Thậm chí, cách chồng vào bếp cùng vợ cũng là một sự hâm nóng tình yêu. Chúng tôi vẫn thường nhắc lại những kỷ niệm cũ để không bao giờ quên được thời gian khó ấy. Hồi ấy, hai chúng tôi vẫn chở nhau đi học bằng chiếc  xe đạp cọc cạch. Buổi trưa hôm ấy, nắng chang chang, khi anh chở tôi đến Nhạc viện Hà Nội, đang đi thì bỗng xe bị xịt lốp. Cả hai vét túi cũng chỉ còn tổng cộng 1.500 đồng. Tính ra, số tiền ấy không đủ để vá săm nhưng khi đó bác sửa xe thông cảm cho, chỉ lấy của chúng tôi có 500 đồng. Còn 1.000 đồng, anh ghé bên đường mua một chiếc bánh mỳ, chia mỗi người một nửa, cả hai ăn ngon lành. Chúng tôi sinh vào thời điểm bao cấp nên rất hiểu những khó khăn thời ấy và cũng rất biết cách sử dụng đồng tiền.

- Vợ là nghệ sỹ còn chồng là một công chức, sự khác biệt về nghề nghiệp có khi nào là trở ngại trong chuyện tình cảm của vợ chồng chị?

- Cũng có đấy, ban đầu, khi mới lấy nhau, chúng tôi muốn quan tâm tới công việc của nhau cũng không được. Anh ấy chuyên về nghiên cứu, thích một môi trường tĩnh lặng còn tôi, dấn thân vào nghề báo là biết rằng mình không thể sáng đi, chiều về như mọi người phụ nữ khác. Cũng nhiều đêm tôi trằn trọc và quyết định cuối cùng là bỏ nghề phóng viên để chọn gia đình. Tôi cũng chủ động tìm hiểu công việc của chồng và nhận ra, hóa ra chúng tôi cũng có nhiều điểm tương đồng. Tôi làm phim về đề tài buôn lậu, chồng tôi đóng góp ý kiến rất hào hứng; ngược lại, mỗi khi anh nghiên cứu lĩnh vực nào, anh cũng nhờ vợ tham mưu. Nói chung, gia đình nào cũng vậy, để hòa hợp, hai người phải có thời gian và quan trọng nhất là cùng hướng về một phía, cùng bàn bạc, chia sẻ về những vấn đề con cái, cách giáo dục, ứng xử hai bên nội ngoại… 

Cho đi là nhận lại

- Những thước phim của chị, thường là những số phận bất hạnh, tại sao chị lại thích theo đuổi chủ đề này?

- Thực ra, tôi là người sống nhiều cảm xúc. Nhưng về sau khi đi làm phim, gặp nhiều số phận bất hạnh, tự dưng tôi muốn chia sẻ. Tôi ít mua sắm hơn, cũng chả bao giờ nghĩ tới hàng hiệu.  Thế nên, phương châm sống của tôi là bao dung, chia sẻ. Khi làm phim, gắn bó với các thân phận, tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn nếu làm 10 thì dành 3 cho họ; 3 để tích lũy, 4 chi tiêu cho gia đình. Mình chia sẻ càng nhiều càng thấy cuộc sống đơn giản hơn. Chương trình “Người tôi cưu mang” ở trên Ba Vì do tôi khởi xướng, bản thân đỡ đầu 3 trẻ em ở Khánh Hòa sau khi làm xong phim. Vừa rồi làm phim “Cuộc đời sau trang sách”, tôi lại có thêm người thân. Nói chung, đôi khi tôi có sự so sánh ngầm và nghiệm ra: Mình cho đi là mình được.

- Sắp tới, chị dự định làm  phim về đề tài gì?

- Tôi đang theo đuổi đề tài về người nông dân. Họ trở nên nhỏ bé, yếu ớt khi mà có thông tin người Trung Quốc thu mua đỉa hàng loạt, rồi tình trạng sinh vật ngoại lai… Tôi muốn tìm hiểu nguyên nhân từ đâu và cung cách làm ăn theo kiểu phong trào để rồi đến khi người nông dân tay trắng lại hoàn tay trắng. Tôi cũng rất mừng là ông xã đã ủng hộ tôi đề tài này.

- Cảm ơn chị, chúc chị thành công!