Nguyễn Vĩnh Tiến - cây sắp thêm cành thêm bông

ANTD.VN - Buổi tối đầu tiên của tháng 3, đám cưới Nguyễn Vĩnh Tiến - Lê Vi thành điểm hẹn hội vui của nhiều nghệ sĩ và những người yêu mến Tiến lẫn ca khúc của anh. Bẵng đi mấy năm du học Pháp, cái cớ đẹp của dịp trở về và hội ngộ này là dấu mốc chuyển quan trọng của con người tài hoa, không khi nào “bất động”, thỏa mãn và đơn điệu. 

“Người của công chúng” đa tài đủ để gắn nhiều chức danh trước tên Nguyễn Vĩnh Tiến: kiến trúc sư - nhà thơ - nhạc sĩ. Điều không lạ, đời tư của các ngôi sao, người nổi tiếng thường là phần được công chúng quan tâm. Bởi thế, chuyện hôn nhân của Tiến cũng gây sự chú ý của đám đông, tràn lan trên các trang mạng. 

Là người bạn chân thành, tôi không bao giờ quan tâm, không hỏi các bạn mình bằng sự tò mò, hiếu kỳ, mà chỉ thấy vui khi bạn được vui, sống trong cảm hứng, bình yên, điều rất cần cho sự phát tiết sáng tạo. Bẵng mấy năm không gặp, Tiến đi nghiên cứu sinh ở Pháp đã về Hà Nội gần 1 năm trước. Cho nên tôi đã quyết định lấy cớ khai mạc triển lãm của nhóm hoạ sĩ G8 Art, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chiều 24-2 thành điểm hẹn để Tiến đến đưa thiếp cưới.

Nguyễn Vĩnh Tiến đã đến đúng giờ, cùng với cha - ông Nguyễn Vĩnh Tuyền (SN 1945), làm thơ từ hồi thanh niên (1967), vốn là một quân nhân, xuất ngũ, làm giám sát các công trình xây dựng, đặc biệt ông có hàng trăm bài thơ tình, mấy tập bản thảo dày cộp. Trên thảm cỏ giữa sân bảo tàng, Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ với tôi về kế hoạch ngay sau đám cưới. Hiếm chú rể nào vào thời điểm “cam go” trước đại sự hôn lễ, vẫn ngờm ngợp cảm xúc, tinh thần làm việc.

Đúng là thì giờ luôn thiếu với người say lao động và thực tài. Năm nay là một năm bùng nổ của Tiến. Anh sẽ xuất bản liền 3 cuốn sách theo hợp đồng với NXB Phụ nữ, 3 album nhạc và là Chủ tịch HĐQT một công ty. Đặc biệt, một sự kết hợp chắc chắn gây chấn động, đó là ca sĩ Tuấn Hưng sẽ làm album cá nhân với toàn bộ ca khúc Nguyễn Vĩnh Tiến viết dành riêng. 

Đám cưới… lạ

Đã thiết kế nhiều công trình khắp ba miền, tư duy của một kiến trúc sư đòi hỏi những tính toán kỹ thuật, chính xác, không át được phẩm chất nghệ sĩ ở Tiến. Khi sắp hết tuổi 42, anh gặp Lê Vi - một vũ công đã có 10 năm trong nghề. Anh chưa từng tiết lộ nhưng chắc chắn là mối tình sét đánh, bởi đám cưới diễn ra sau 3 tháng. Ở Tiến, sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại trong lối sống, ý tưởng sáng tạo đồng nhất thành một bản thể sinh động. Anh yêu con, quý tình họ hàng ruột thịt, cởi mở trong sáng với bạn bè, quảng giao xã hội, nhưng không lớt phớt, qua loa trong các quan hệ mà quên đi những nền tảng căn bản.

Tình cảm ruột thịt gắn bó truyền vào lời hát, lay động hàng triệu người nghe trong và ngoài nước. Từ “Bà tôi; Ông tôi; Vợ tôi” đến “Họ hàng tôi” - đấy là những thông điệp đẹp đẽ mà người nghệ sĩ bằng trách nhiệm đã truyền tỏa để bảo tồn mỹ tục và nền nếp cổ truyền trong một xã hội kinh tế thị trường, mà nhiều giá trị tuyền thống đang bị mất dần, phá vỡ.  “Họ hàng tôi” và “Bếp lửa Xuân” là hai ca khúc mới, viết đón Xuân Đinh Dậu.

Tiến chia sẻ: “Bếp lửa Xuân” là bài hát tưởng niệm người anh họ mất khi còn trẻ. Những kỷ niệm về mùa xuân với anh ấy và các em gái của tôi thực sự sống động. Chúng tôi đã tung tăng trên phố thị để tìm mua cành đào phai tuyệt đẹp vùng Tây Bắc. Sau đó, lại ra sông Thao xem cảnh thuyền bè xuôi ngược. Buổi tối, chúng tôi gom củi rừng, củi đồi về nấu nồi bánh chưng, bên ông bà và cha mẹ.

Nồi bánh chưng ngày ấy còn sâu đậm, dường như vẫn còn âm ỉ cháy trong trái tim mỗi độ xuân về. “Họ hàng tôi” viết về những người họ hàng, quanh năm đầu tắt mặt tối, chỉ có hai dịp hiếu và hỷ là gặp mặt đông đủ. Sau 5 năm du học ở Pháp thì tôi thấm thía vô cùng cái sự ấm cúng của gia đình và họ hàng. Giá trị của họ hàng lại càng được tô đậm trong lúc gian khó của cuộc đời. Ngày Tết họ hàng gặp mặt đông đủ, đó là niềm hạnh phúc lớn”.  

Vợ Tiến là một cô gái xinh xắn với vẻ đẹp hiện đại. Đọc thiếp cưới, tôi đã thầm nghĩ: “Đúng là Tiến, không thể không tưng bừng, náo nhiệt”. Bước qua những bậc thang trải thảm đỏ, sảnh đón khách đầy hoa của trung tâm tiệc cưới thấy nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Ngô Tự Lập, Giáng Son ngồi đó. Lên tầng 2, hoa rợp lối đi.

Chú rể tươi cười. Hơn 5 năm kể từ ngày gặp và diễn cùng nhau đêm “LiTi thi ca” ở Toulouse, Tiến vẫn giữ được nụ cười hồn hậu dù mặt thêm những nếp nhăn bởi tuổi tác, thăng trầm. Các phù dâu mặc váy trắng, cài vành hoa trên tóc tháp tùng, phía trước là hai cô cậu bé. Phòng cưới chính chật, hình như chỉ đủ chỗ cho họ hàng… 

Tất cả dồn về sân khấu, quây quanh lại để xem biểu diễn. Cô dâu nhảy, chú rể ôm guitar hát ca khúc tặng vợ, anh giới thiệu trước nhất là bài được viết ngay sáng 1-3, lại thêm sự hiếm nữa. Chưa từng có cô dâu nào mặc và nhảy như thế trong tất cả các đám cưới mà tôi dự.

Chưa có chú rể nào mà trưa 13h làm lễ thành hôn tại nhà, sáng ngủ dậy, đủ tĩnh tâm và bay bổng để viết ca khúc đầy đủ tình sử và cảm động như thế. NSƯT Xuân Bắc trong vai trò MC, cũng không phải hoạt ngôn như sở trường. Đám cưới có nhiều ca sĩ, nhưng dường như để phát huy thế mạnh của chú rể, nên chỉ có ca sĩ Tuấn Hưng giao lưu và hát “Nắm lấy tay anh”. Cô dâu đáp lại chú rể bằng tranh vẽ lại từ ảnh nàng ôm chàng, ảnh mà Tiến thích nhất. 

Bức tranh do Lê Vi - vợ nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến vẽ trước đám cưới

Kỷ niệm cuộc đời và quà tặng vô giá 

Năm 2017 bận rộn, Tiến đã có công ty từ lâu với nhiều giải thưởng, đông con. Đứa con thứ tư của anh sẽ ra đời cuối năm nay. Nguyễn Vĩnh Tiến đang ở trong mùa xuân của tâm hồn, sinh lực sáng tạo. Cây bút Tiểu Tuyền Thư nổi tiếng trên Báo Hoa học trò ngày nào, sở hữu 1 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, 10 giải thưởng văn học và âm nhạc, 5 giải kiến trúc, 2 album nhạc cá nhân là “Giọt sương bay lên” với 7 bài dân gian đương đại và “Ngồi trên vách nắng” với 8 bài dân gian thính phòng. Chàng trai sinh ra và lớn lên ở thị xã trung du Phú Thọ dù đã là cha của 3 con Bống (lớp 10), Nhím (lớp 7), Cua (lớp 4), sẽ đón con thứ tư, vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo. 

Sự hồn nhiên ấy tôi đã thấy và mãi nhớ, khi Tiến đưa tôi đi trên những con đường cổ gạch đá đen ở Toulouse, thành phố miền Nam nước Pháp. Nước Pháp luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho người yêu và sáng tạo nghệ thuật. Với iPad bên mình, Tiến đã chụp vạn bức ảnh ở khắp nơi anh đặt chân. Chúng tôi đã có bữa trưa bên nhà thờ Đức Bà Paris, dạo qua những cây cầu đẹp nhất bắc qua Seine và buổi sáng thiên đường trên đại lộ Saint Germai ở quận 6, uống café vỉa hè của quán trứ danh Café de flolre, chốn nhiều danh nhân của Pháp và thế giới đã đến và sáng tác.

Chúng tôi đã cùng song ca “Giấc mơ trưa” của Giáng Son, lời thơ Tiến, trong tiếng đàn guitar của anh, trước đông đảo sinh viên, kiều bào và khán giả Toulouse. Chúng tôi đã có những bài thơ, bài hát đẹp nhất ghi lại quãng thanh xuân của đời mình ở nước Pháp và Ba Lan, quốc gia mà chúng tôi có những đêm diễn solo thành công - kỷ niệm khó lặp của chính mình và ai đó sau này.

Buổi tối tháng 11-2011 ấy ở Toulouse (mã số bưu điện 31100), tôi ấn tượng nhất bài hát Tiến viết, nhớ đến bây giờ. Ca từ xuất thần lạ lùng bởi anh là một nhà thơ riêng biệt. Thơ Tiến không quá hiện đại nhưng có dấu ấn, bởi anh luôn biết nhìn mọi sự trong hình ảnh động của đời sống sinh sôi, của niềm ham sống, hòa giữa ký ức quê làng trung du và cảm thức mới mẻ. Chắc hẳn Tiến vẫn nhớ nước Pháp, chứ không vì quá bận mà quên xoá địa chỉ ghi dưới tên anh trong các email: 214, đường Saint-Simon, Toulouse.

Tôi muốn anh giữ mãi địa chỉ này, như giữ một gạch đầu dòng thuộc hàng đẹp nhất trong ký ức. Chúng tôi chung chuỗi kỷ niệm tuyệt vời và vẫn được nuôi dưỡng bởi tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật và khát vọng cộng hưởng. “Trong mưa gió, tôi hay là chiếc bóng lung lay/Trong mưa gió, tôi hay là lam lũ hoa tay/Trong mưa gió, tôi hay là con suối trên cây/Trong mưa gió, tôi hay là cơn lũ đang say”.

Dù bản lĩnh đối mặt, tôi vẫn mong Tiến từ nay ít gặp mưa, gió, lũ, bàn tay tài hoa không lam lũ. Tiến tự trào trong ca khúc viết chỉ trong 26 phút tặng vợ (đúng bằng số tuổi của Lê Vi) rằng: “Lúc buồn buồn anh thấy/Anh như cành củi khô...”. Chúc hôn nhân của anh bền như lời anh cảm ơn vợ, lá non trên cành đến với anh vào ngày tuổi rất xanh: “Cảm ơn em, đã đến với anh/Bây giờ cây đã thêm cành thêm bông/Bây giờ tình nghĩa vợ chồng/Sống sao cho mãi vôi nồng trầu cay...”.