Nguyễn Tuân - Văn chương và tính cách

(ANTĐ) - Văn chương và tính cách ông khác người, và chính điều ấy làm ông bất tử sau khi ông qua đời. Và văn chương ông đâu chỉ có Vang bóng một thời như tên cuốn sách đầu tiên, một tập hợp những thiên tuyệt bút của ông in tại Hà Nội năm 1940…

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân  (10-7-1910/10-7-2010)

Nguyễn Tuân - Văn chương và tính cách

(ANTĐ) - Văn chương và tính cách ông khác người, và chính điều ấy làm ông bất tử sau khi ông qua đời. Và văn chương ông đâu chỉ có Vang bóng một thời như tên cuốn sách đầu tiên, một tập hợp những thiên tuyệt bút của ông in tại Hà Nội năm 1940…

Lâu nay ngoại trừ hồi ký bạn bè ông, ít người viết về Nguyễn Tuân. Hẳn là rất khó mỗi lần đặt bút viết về Nguyễn, khi văn chương và cuộc đời ông quá nổi tiếng chăng? Không phải vậy. Khó viết không phải ông quá lớn mà vì tính cách ông, văn chương ông độc đáo hấp dẫn, nhưng bàn thì khó. Khó nhiều nhẽ.

Văn chương một kiểu

Ông chuyên đi vào thể ký và tùy bút như một lựa chọn khó ai lặp lại. Vâng! Đó là một loại thể không cần cốt truyện, không cần bố cục và không cần mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn khi viết. Nhưng viết ký và tùy bút được như ông không có ai… Tùy bút là tùy vào ngọn bút hay là tùy tấm lòng, tâm trạng tác giả để gây rung động nơi người đọc và sẻ chia cảm xúc thật của người viết với bạn đọc. Cống hiến của Nguyễn Tuân cho văn học Việt đặc sắc nhất vẫn là thể loại tùy bút. Ông sống chết với thể loại này. Giọng điệu tùy bút của Nguyễn Tuân có phong cách không trộn lẫn với ai. Nó in dấu cuộc đời và tính cách ông.

Ký sự hay truyện ngắn Nguyễn Tuân đều mang hơi hướng tùy bút. Cả cái gọi là tiểu thuyết của Nguyễn Tuân, thực chất cũng là những tùy bút kéo dài... Tùy bút, ký sự gắn với con người tài tử Nguyễn Tuân. Nếu nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà, Nguyễn Tuân đã khai phá một phong cách văn chương qua thể tài mà trước đó chưa có. Nguyễn Tuân đã xác lập được một thể tài mà từ đó, nói tồn tại như một hiển nhiên lịch sử. Cái tính chất tự do của tùy bút đã thể hiện nơi sự tùy tiện tùy hứng của tác giả. Chỉ có cốt cách ấy Nguyễn Tuân mới viết nồi tùy bút để rồi nói đến Nguyễn Tuân là người đời nhắc đến tùy bút.

Nhưng tùy bút Nguyễn Tuân đã làm cho chữ nghĩa ngôn ngữ Việt đạt đến một tầm vóc một vinh quang cao cả. Tùy bút Nguyễn Tuân tự do tung hứng đấy mà vẫn cốt cách văn hóa tâm hồn thuần Việt. Tự do chữ nghĩa và cả tự do tính cách Nguyễn Tuân là thứ tự do chân chính. Sự phá cách tùy hứng của Nguyễn Tuân là sự làm mới văn chương chứ không hề tự do nông nổi, hay tầm thường văn hóa. Người muốn vươn ra thoát khỏi cái bình thường thói quen cũ mà vẫn trọng cốt cách Việt, tâm hồn Việt... Tính cách ấy, văn chương của con người ấy may ra có tùy bút là chấp nhận được... Tùy bút cần sự dũng cảm dám là mình trong từng chân tơ kẽ tóc. Chỉ có tự tin, độc đáo lắm mới làm cho tùy bút bay bổng, lung linh...

Có thể nói Thiếu quê hương là một cuốn sách mà dù yêu tác giả đến đâu cũng không thể coi đó là tiểu thuyết. Nó chỉ là một tùy bút viết với bút pháp nghệ thuật đưa nhân vật này nọ vào để đỡ nhàm chán... Hay như “Sông Đà” ngỡ là ký hay như có người gọi là tiểu thuyết, nhưng không, đó là tùy bút... Nguyễn Tuân sinh ra là để viết tùy bút... Văn tài Việt Nam thế kỷ XX rất nhiều, nhưng mấy ai chọn một con đường riêng như Nguyễn Tuân? Tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Tuân, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã ví: Nguyễn Tuân như một nhà địa chất đi tìm cái quý giá của quặng chữ, đặng làm giàu có thêm cho chữ nghĩa Việt, làm phong phú thêm văn chương Việt.

Và một tính cách Hà Nội... 

Sinh thời Nguyễn Tuân được xem là người có tính cách khác người. Ông ngang tàng, khí phách và một chút lập dị. Cái hào hoa lịch lãm, cái chất kiêu bạc bắt đầu từ nếp sống từ danh gia đã ăn vào ông làm nên tính cách ông. Nói đến Nguyễn Tuân, người ta nhắc đến cái bệnh đi, hay máu xê dịch của ông. Chính cái bệnh thích xê dịch ấy mà hai lần ông bị chế độ thuộc địa bắt bỏ tù. Lần thứ nhất vì muốn ra nước ngoài xem kinh nghiệm người ta để về làm cách mạng mà bị bắt đưa từ Thái Lan về giam cầm trong nước. Lần thứ  hai thì bị bắt vì giao du với các nhà hoạt động chính trị...

Đi và đi, như là một căn bệnh của con người lãng tử Nguyễn Tuân. Năm 1937, khi Tết đến rồi mà ông vẫn theo đoàn phim sang Hương Cảng đóng phim Cánh đồng ma. Cụ Tú Hải Vân, thân sinh Nguyễn Tuân rất buồn vì Tết Mậu Dần ấy vắng người con trai lớn ở nhà. Ai biết được nơi phồn hoa đô hội ấy Nguyễn Tuân đã sống những ngày thực tế ra sao, chỉ biết rằng sau đó chúng ta đã có tuỳ bút Một chuyến đi nổi tiếng. Cái chất hào hoa, tài hoa của Nguyễn Tuân rất Hà Nội mà lại rất... Nguyễn Tuân. Hãy xem Tô Hoài viết trong Cát bụi chân ai: "Triết lý và câu văn Nguyễn Tuân không giống vị hoài sơn trong thuốc Bắc, ghé bổ một tý lại vô thưởng vô phạt. Cái chơi của Nguyễn Tuân cũng thế. Với người này không thể thiếu Nguyễn Tuân, người kia thì không thể chịu đựng được..."

Vâng! Cái tính cách khác người ấy có thể khó chịu với ai đó nhưng là của riêng ông, và làm nên chân dung ông với góc cạnh và lấp lánh những gì Hà Nội kết tinh từ cách ứng xử lịch sự cho đến lối sống phong thái và cả ẩm thực... Người yêu mến Nguyễn Tuân thì nói rằng ngoài cái vỏ phong cách ấy, có một Nguyễn Tuân khác, của một trái tim yêu thương hết mực. Không yêu tha thiết cuộc đời này đất nước này và không mang trái tim nhân hậu, làm sao Nguyễn Tuân có thể viết những thiên tùy bút thấm đẫm tình người? Hãy đọc văn Nguyễn Tuân để thấy tâm hồn tình cảm ông dành cho đất nước và nhân dân.

Viết đến đây tôi lại nhớ GS.TS Phùng Hữu Phú đã nói tại buổi Lễ kỷ niệm 100 năm Nguyễn Tuân: Với những đóng góp cho văn học Việt Nam, đặc biệt là những trang viết về Hà Nội tài hoa, ông xứng đáng là danh nhân văn hóa...

Nhà văn hóa Nguyễn Tuân đã cách xa chúng ta hôm nay 23 năm, nhưng văn chương ông tên tuổi ông không chỉ Vang bóng một thời như tên một cuốn sách của Nguyễn Tuân. Ông đã sống và sẽ mãi sống cùng Hà Nội lịch sử và hào hoa...  

Tân Linh