- "Ăn Tết": Cổ truyền hay hiện đại?
- Nhiều nét mới hấp dẫn trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI
- "Chất lượng" – vấn đề "sống còn" của Hội Nhà văn Việt Nam

Có điều ít ai biết nguyên mẫu trong bài thơ trên không phải là chú chó có bộ lông vàng bởi thật ra “người bạn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa có bộ lông đen tuyền, còn gọi là con Mực. Mực rất khôn, lúc nào cũng quấn quýt bên cậu chủ nhỏ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thường nói vui, có Mực đi bên cạnh nên ông đi đêm không bao giờ… sợ ma.
Không những vậy, chú Mực còn trở thành ân nhân của cả gia đình nhà thơ Trần Đăng Khoa sau một lần phát hiện ra con rắn cạp nong to tướng từ đâu chui vào nấp dưới gầm giường. Lần đó, nghe kể Mực sủa ầm lên và lao vào ngoạm cổ con rắn, quật văng xuống đất cho đến khi rắn lả đi. Từ hôm đó Mực lại càng được mọi người trong nhà yêu quý, chiều chuộng. Vậy mà một hôm, chẳng hiểu vì sao Mực bỏ nhà đi mất...
Nguồn gốc một cái tên
Vào buổi chiều 3-4-1967, giặc Mỹ ném bom cầu Phú Lương rất dữ dội, cả một vùng rộng lớn mù mịt khói bom, nhà cửa chao đảo như trong động đất. Dứt trận bom, cậu bé Khoa không thấy chú Mực của mình đâu, chạy đi tìm khắp nơi, ra cả cánh đồng gọi khản giọng cũng không thấy tăm hơi. Cả nhà buồn bã nghĩ rằng Mực đã bị trúng bom Mỹ mất rồi. Mấy hôm liền, cậu bé Khoa không làm nổi việc gì, đi học mà không vào đầu được chữ nào, suốt ngày chỉ thương nhớ người bạn nhỏ.
Tròn 60 tuổi, Trần Đăng Khoa vẫn luôn được nhiều thế hệ trẻ em yêu mến không chỉ vì đã quá quen thuộc với những bài thơ viết từ mấy chục năm trước, mà khi được gặp gỡ, tiếp xúc với ông, các bạn nhỏ luôn cảm nhận được sự trong trẻo, hồn hậu của một tâm hồn trẻ mãi không già.
Đúng dịp ấy có đoàn khách của Ty Giáo dục Hải Dương về thăm nhà, trong đó có bác Lê Hào là Trưởng ty, khi biết chuyện về chú Mực thì gợi ý Trần Đăng Khoa làm thơ về chú chó bị mất. Khoa lập tức ngồi vào bàn viết liền một mạch bài thơ “Mất chó” và chép lại vào sổ tay của bác Lê Hào.
Bài thơ này sau đó được gửi lên Hà Nội và đăng trên báo Văn Nghệ, bên dưới còn ghi rõ dòng chú thích “Kỷ niệm ngày mất chó 3-4-1967” đúng như nguyên tác. Nhưng khi đăng báo, biên tập viên đã đặt lại tên thành “Sao không về Vàng ơi” và sửa câu cuối: “Chó ơi là chó ơi” thành “Vàng ơi là Vàng ơi” nghe như một lời khóc bạn đầy day dứt chứ không chỉ là nỗi buồn mất mát nữa. Bài thơ được rất nhiều người thích và nhiều thế hệ đã thuộc lòng từng chữ.
Nhưng, oái ăm thay, tác phẩm vừa in hôm trước thì ngay hôm sau chú Mực đột ngột trở về. Suốt cả tuần trước đó, tối nào trước khi đi ngủ, mẹ của nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng dặn cả nhà đừng chốt cửa, cứ khép hờ thôi để Mực về thì còn vào được trong nhà. Đúng vào hôm tưởng chừng hết hy vọng, cửa đóng then cài chắc chắn thì bất ngờ Mực trở về. Không vào được nhà, chú dùng chân cào cào cánh cửa và sủa lên vài tiếng để gọi.
Khoa nghe tiếng sủa, nhận ra đúng Mực, vội lập cập mở cửa, hai người bạn mừng rỡ nhào vào nhau ngã dúi dụi. Đêm ấy, Khoa chong đèn ngồi viết ngay bài thơ “Chó về”, bài thơ mà ông tự nhận là mặc dù cảm xúc rất dạt dào nhưng đọc lại thì... dở không thể chịu được. Vì thế mà bài thơ mừng chú chó trở về vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện ở bất cứ chỗ nào.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngày nhỏ - Ảnh: Quang Huy
Kiên quyết không ăn thịt chó
Gần 50 năm sau, “Sao không về Vàng ơi” lại trở thành cảm hứng cho chiến dịch “Về đi Vàng ơi” - một chiến dịch kêu gọi không ăn thịt chó của Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA). Bài thơ được sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt, cảm xúc chân thực thấm vào từng câu chữ, hình ảnh khiến người đọc xúc động. Nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự, ông rất vui khi đến nửa thế kỷ sau, hình ảnh trong bài thơ lại gợi cảm hứng cho chiến dịch… chống ăn thịt chó. Khi được hỏi về chiến dịch đầy tính nhân văn này, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ. Chúng ta nên kiên quyết không ăn thịt chó!”.
Thay vào đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa bảo, mọi người có thể ăn giả cầy, ăn các món ăn ngon khác. Ông cho biết thêm, gia đình ông từ trước đến nay không ai ăn thịt chó, nếu những chú chó nuôi trong nhà qua đời đều được lấy chăn quấn lại chôn ở góc vườn. Việc chôn chó ở góc vườn thiêng liêng như nghi lễ tiễn biệt một thành viên đặc biệt. Nhà thơ còn bày tỏ một cách mộc mạc: “Khi tôi chết, tôi cũng chỉ muốn được chôn ở gốc khế như con Vàng thôi” và ông đọc mấy câu thơ viết về cái chết rất hóm hỉnh: “Bao năm ròng mệt mỏi/ Xuống xứ này rong chơi/ Giờ ta làm ngọn khói/ Õng ẹo bay về trời”...