Người viết nhạc đã đi vào lịch sử!

(ANTĐ) - Hơn một tháng nay, người dân ở con ngõ nhỏ 54 Quán Sứ không còn nghe thấy tiếng đàn piano vang lên trong căn nhà cũ của nhạc sỹ già Xuân Oanh, cũng không còn thấy bóng dáng ông lão có đôi mắt sáng và nụ cười hóm hỉnh thường ngày vẫn đáo qua đáo lại thăm hỏi chuyện trò rôm rả. Cho đến khi nhận tin ông đã vĩnh viễn rời xa trần thế, nhiều người trong số họ vẫn không tin. Ai cũng tiếc vì người nhạc sỹ già vừa bước qua tuổi 88 chưa đầy 3 tháng, lại chưa kịp đón “sinh nhật” lần thứ 65 của ca khúc bất hủ “Mười chín tháng Tám” đã vội vàng ra đi…

Nhạc sỹ Xuân Oanh:

Người viết nhạc đã đi vào lịch sử!

(ANTĐ) - Hơn một tháng nay, người dân ở con ngõ nhỏ 54 Quán Sứ không còn nghe thấy tiếng đàn piano vang lên trong căn nhà cũ của nhạc sỹ già Xuân Oanh, cũng không còn thấy bóng dáng ông lão có đôi mắt sáng và nụ cười hóm hỉnh thường ngày vẫn đáo qua đáo lại thăm hỏi chuyện trò rôm rả. Cho đến khi nhận tin ông đã vĩnh viễn rời xa trần thế, nhiều người trong số họ vẫn không tin. Ai cũng tiếc vì người nhạc sỹ già vừa bước qua tuổi 88 chưa đầy 3 tháng, lại chưa kịp đón “sinh nhật” lần thứ 65 của ca khúc bất hủ “Mười chín tháng Tám” đã vội vàng ra đi…

Nhạc sỹ Xuân Oanh bên bức tranh ông ký họa tặng NSND Lê Dung - bức họa mà lúc sinh thời cố NSND Lê Dung tâm đắc nhất

Nhạc sỹ Xuân Oanh bên bức tranh ông ký họa tặng NSND Lê Dung - bức họa mà lúc sinh thời cố NSND Lê Dung tâm đắc nhất

Tìm đến nhà nhạc sỹ Xuân Oanh giữa lúc hay tin ông vừa mất vì không vượt qua được cơn bạo bệnh. Cánh cửa vẫn rộng mở đầy thân thiện và hiếu khách như thường lệ. Phía trong gian phòng nhỏ chật chội, cũ kỹ và không có cửa sổ, từng chồng dày các loại sách đĩa vẫn xếp sắp ngăn nắp, đâu đó lẫn một vài cuốn còn nếp gấp mà có lẽ ông còn đang đọc dở, xem dở. Nhìn quanh, vẫn chỉ có chiếc đàn piano, bộ salon mờ bụi thời gian và chiếc giá vẽ cũ là những đồ vật có giá trị gắn bó cùng ông suốt bao năm qua. Ngôi nhà mà người nhạc sỹ già đằng đẵng sống một mình cho đến lúc ông vĩnh viễn trút hơi thở cuối cùng dường như vẫn thế, ấm áp và gần gũi lạ thường.

“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày… 19 tháng 8, chớ quên là ngày khởi nghĩa…”, hòa vào dòng người biểu tình tham gia vào Cách mạng tháng Tám 1945  - cuộc cách mạng lớn của cả dân tộc, cả lời lẫn nhạc từ đâu bật ra một cách kỳ lạ, nhạc sỹ Xuân Oanh từng tâm sự. Những ngày lịch sử ấy, bài hát được ghi vội trên những tờ giấy xé vội, mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá... cứ thế, chuyền tay nhau mà hát. Ngay cả tác giả cũng không thể ngờ rằng bài hát của mình đã nhanh chóng vượt ra khỏi 5 cửa ô bay đi khắp nơi trong cả nước. Đặc biệt, ca khúc là nguồn cổ vũ mạnh mẽ trong phong trào kháng chiến Nam bộ chiến đấu và bảo vệ giang sơn gấm vóc của cha ông để lại.

Bên chiếc bàn trà, ba người con trai của ông đang tạm nén lại nỗi đau dứt ruột để cùng nhau lo chuyện hậu sự cho cha. Cả ba đều đã chuẩn bị cho sự ra đi của cha mình từ khi biết ông mắc bạo bệnh cách đây mấy tháng nhưng vẫn cố giấu để ông sống vui vầy nốt quãng thời gian tuổi già còn lại. Phần nữa, biết tính ông dễ gần, hòa đồng mọi người là thế nhưng lại không thích làm theo sự chỉ dẫn khoa học của bác sỹ, thường bác sỹ bảo làm gì là ông toàn làm ngược lại. Thế nên suốt mấy chục năm qua, bận mấy thì bận, cứ cuối giờ chiều là ông lại ra làm cốc bia với bạn bè thân hữu dù thừa biết thói quen đó ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mình. Hình như bởi thế mà cho tới khi phải nhập viện điều trị, ông vẫn lạc quan với niềm tin rằng mình chẳng mắc bệnh gì ngoài… bệnh già cả. Tiếc thay, cả đời ông chưa một lần nằm viện nhưng lần nằm viện đầu tiên lại cũng là lần sau cuối…

Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, vị nhạc sỹ già đáng kính vẫn luôn yêu đời và lạc quan. Trong ký ức của những người con, vẫn nhớ như in những câu chuyện tiếu lâm ngày còn nhỏ cha mình vẫn kể mỗi khi quây quần bên mâm cơm gia đình. Cả khi phải nằm viện suốt hơn một tháng ròng trước khi mất, biết mình mắc bệnh nan y và khó qua khỏi, ông vẫn luôn miệng đùa vui với bạn bè đến thăm nom rằng: “Ngày xưa oanh liệt là thế, giờ thì vẫn oanh nhưng mà… liệt”.

Những người bạn qua lại nhà ông khi thì được tặng bức tranh ông vừa vẽ, lúc thì đĩa nhạc, đĩa phim hay hay nào đó ông vừa mua được hay cuốn sách ông dịch vừa mới được in xong… Hình như cũng bởi tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ bé ấy mà ông không muốn rời xa ngôi nhà chật hẹp ở 54 Quán Sứ cho dù các con đều phương trưởng, có nhà cửa khang trang và muốn đón ông về phụng dưỡng tuổi già. Vả lại dù ông không nói ra nhưng ai cũng hiểu, từ khi người bạn đời của mình mất cách đây 15 năm, người nhạc sỹ già lại càng muốn chiêm nghiệm một mình trong không gian sống yên tĩnh và tự lập. Chả thế nên về nhà các con ở được vài bữa, ông lại đòi về ngôi nhà ở 54 Quán Sứ để tự đi chợ, nấu nướng rồi dọn dẹp tổ ấm mà  mình đã gắn bó hơn nửa cuộc đời.

Hơn tất cả, cho dù người vợ yêu quý đã mất đi song với ông, hình như bà vẫn đâu đó trong ngôi nhà nhỏ ấy. Có lẽ mối tình giữa ông với bà - cô gái gốc Hà Nội thuở nào vẫn là bản tình ca lãng mạn nhất mà vị nhạc sỹ già không bao giờ muốn rời xa. Ngày ấy, ít ai biết rằng khi cả hai cùng hoạt động cách mạng ở chiến khu Việt Bắc và đem lòng cảm mến nhau, ông đã từng lội bộ hơn 90 cây số đường rừng từ nơi đóng quân đến đơn vị của bà chỉ để gặp nhau uống chén nước chè rồi lại vội vã lội bộ ngược về. Bận bà bị quân địch bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò, ông lén làm bài thơ giấu trong ruột bánh mỳ chuyển vào để động viên người mình yêu vượt qua đòn roi tra tấn.

Trong hoài niệm của các con ông, tình yêu mà ông dành cho bà vĩ đại hơn tất cả! Với họ, ông là người cha đáng kính nhưng cũng gần gũi như một người bạn tâm giao. Còn với ông, từ nhỏ đã chịu cảnh mồ côi mẹ nên người con gái gốc Hà Nội ấy mà ông chọn gắn bó trọn đời sau này không chỉ là một người vợ tần tảo thương yêu chồng con hết mực nhưng cũng giống như một người chị, người mẹ hết lòng chăm sóc gia đình. Người vợ ấy tinh khiết và trong trắng như một đóa hoa nhài trong ca khúc “Hương nhài”, như “cô Tấm trong tình anh mang” trong bài hát “Gọi thu”… Tất cả những ca khúc ấy, ông chắt chiu cảm xúc để viết dành tặng riêng bà!

Kể từ khi người vợ yêu quý ra đi, người nhạc sỹ dành trọn thời gian và tâm huyết lao vào công việc sáng tác, không chơi đàn, sáng tác nhạc thì dịch sách, vẽ tranh… Cây đàn piano đặt ngay ngắn ở giữa gian phòng nhỏ, ông dành số tiền thưởng hơn sáu mươi triệu đồng có được từ giải thưởng Nhà nước về sáng tác văn học nghệ thuật để mua về, dù trước đó đã trong nhà có một cây đàn piano khác mà các con ông mua tặng.

Tính ông là vậy, luôn phóng khoáng, tự lập và dường như không bao giờ thích làm phiền người khác. Thế nên những ngày cuối đời ở trong viện, thấy cậu con trai cả cứ quẩn quanh bên bố, nói thế nào cũng không chịu về nhà nghỉ ngơi, ông bèn bảo: “Con mà cứ ở đây suốt thế, bố lại nghĩ bệnh bố trầm trọng lắm rồi!”. Thế nên, dù ứa nước mắt, người con trai cả đành nghe theo lời cha để ông bớt lo nghĩ muộn phiền.

Khi bước sang tuổi 88, người nhạc sỹ già vẫn thầm ao ước được đón sinh nhật lần thứ 65 của ca khúc “Mười chín tháng Tám”. Giờ đây, cho dù tâm nguyện ấy đã không thể trở thành hiện thực thì bài hát vẻn vẹn 102 chữ ấy vẫn sẽ đi vào lịch sử dân tộc như những nốt nhạc hào sảng và hùng tráng nhất. Và lịch sử cũng sẽ ghi nhận ông như một người viết nhạc - một chứng nhân vĩ đại làm nên những lời ca sống mãi với thời gian…

Dương Cầm