Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11:

Người thầy của các thế hệ nghệ sĩ chèo đi lên từ nhân vật phụ, vai hề

ANTD.VN - Bén duyên với nghệ thuật chèo bằng những vai kép chính vốn dễ được khán giả nhớ, nhưng một ngày, NSND Mạnh Phóng nhận ra rằng, nên chọn một lối đi riêng khó lẫn. Với ông, đó không phải là nhân vật chính với đất diễn luôn rộng mở mà là những nhân vật phụ xuất hiện trên sân khấu trong thời gian ngắn, song nếu không có vai diễn này thì vở diễn mất đi sự thú vị. 

Trong chèo, nhân vật phụ này có thể là vai hề - một dạng nhân vật tưởng dễ mà hóa ra cực khó để nhập vai, đặc biệt để được khán giả yêu quý thì cần phải có tài năng hơn người.

Người thầy của các thế hệ nghệ sĩ chèo đi lên từ nhân vật phụ, vai hề ảnh 1Nghệ sĩ nhân dân Mạnh Phóng bây giờ và trong một trích đoạn chèo

Không tin trúng tuyển diễn viên chèo 

NSND Mạnh Phóng quê Hưng Yên. Ngày thơ ấu, ông thường tham gia văn nghệ nghiệp dư, và hay hát cải lương vì những năm 1955-1957, phong trào cải lương phát triển mạnh, khắp miền Bắc chỗ nào cũng xuất hiện bộ môn này. Cuối năm 1957, trong một lần tình cờ đi xem vở chèo “Ai mua hành tôi”, ông thấy làn điệu lạ lạ nên thích nhưng cũng không nghĩ sẽ trở thành diễn viên chèo. 

Chỉ đến khi Đoàn chèo Tổng cục chính trị về tận quê tuyển diễn viên, ông mới hăng hái đăng ký tham gia khi vừa tròn 18 tuổi. Lúc đó, thấy thông báo thì đến thi chứ thực chất, ông cũng chưa có khái niệm gì về việc tuyển diễn viên. Yêu cầu ông nhận được đầu tiên là ra ngoài nghĩ tiểu phẩm trong vòng 2-3 phút. Trước đó, ông không biết tiểu phẩm là gì nhưng tác phẩm được yêu cầu sáng tác nhanh chóng đó, đến giờ ông vẫn nhớ. Trong tiểu phẩm ấy, ông đóng vai người lái xe xích lô đang chở khách. Đến quãng đường vắng giả vờ đi vệ sinh, lái xe đánh ông khách, lục ví lấy tiền, rồi đạp xích lô chạy thẳng. Rồi, mọi người yêu cầu Mạnh Phóng hát một bài chèo. Lúc này, Mạnh Phóng mới thật thà: “Báo cáo các anh, thực tình em không biết hát một câu chèo nào cả. Em chỉ được nghe chèo một lần, thấy lạ, thấy hay thì thích thôi. Các anh cho em hát bài mới được không ạ!”. 

Những người tuyển sinh đồng ý cho thí sinh đặc biệt này hát bài mới. Đến khi mọi người bảo ông trúng tuyển, Mạnh Phóng vẫn không tin.

Cuộc gặp gỡ kỷ niệm với cha con Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ

Hôm sau, Mạnh Phóng thu xếp đồ đạc khăn gói đi theo Đoàn chèo Tổng cục chính trị. Từ đấy, ông sống ở Hà Nội, không về quê nữa. Lúc đó, chàng thanh niên này đã có ý nghĩ bước chân đi cấm kỳ trở lại, không quay lại làm ruộng nữa, quyết phấn đấu “trụ” ở nghệ thuật. Lúc còn trẻ, ông được giao đóng những vai kép nam ổn định. Về cuối, khi đã có kinh nghiệm ông có xu hướng thiên về những vai hài, nhạy cảm. Vai đầu tiên của Mạnh Phóng là anh bộ đội dò mìn trong vở “Mối tình Điện Biên” của Lưu Quang Thuận. Năm 1958, khi viết vở kịch này, tác giả Lưu Quang Thuận xuống ở đoàn chèo cùng với các diễn viên nửa tháng, mang theo cả con trai Lưu Quang Vũ lúc này còn là đứa bé. Nhà viết kịch họ Lưu có nhờ ông chăm sóc Lưu Quang Vũ. 

Cuộc gặp gỡ với hai cha con tác giả nổi tiếng đã mang đến cho nam diễn viên chèo một kỷ niệm nhớ đời. Ông hồi tưởng: “Tên khai sinh của tôi là Đinh Văn Mạnh. Khi đất nước giải phóng, nghĩ lại những ngày chạy giặc khổ sở nên lúc đi học, tôi đã tự đổi tên là Phóng. Khi viết vở kịch “Mối tình Điện Biên”, tác giả Lưu Quang Thuận đặt tên nhân vật dò mìn là Mạnh Phóng. Vì vai diễn này được giao cho tôi nên tôi lấy nghệ danh Mạnh Phóng từ đó”. Tuy nhiên, đây chỉ là nhân vật phụ, 5 năm sau, Mạnh Phóng mới được giao những vai thứ, vai chính. Từ những vai tốt, ông nhận được những vai tốt hơn như Hoàng tử trong “Tấm Cám”, hề cu Bất trong “Cô Son”, vai hề trong vở “Phạm Ngũ Lão”... 

Càng già, càng miệt mài dạy học 

Vai nổi nhất của Mạnh Phóng là hề phù thủy trong vở “Kim Nham”. Vai này, ông được học từ năm 1963 nhưng đến 1983, khi Giáo sư Trần Bảng bắt tay tái dựng, nâng cao tiết mục này thì tên tuổi của Mạnh Phóng mới thực sự được thăng hoa cùng đẳng cấp của vai diễn. Trước đây, trích đoạn này chỉ hay một phần, thì dưới bàn tay “phù thủy” của đạo diễn Trần Bảng, tác phẩm được làm hay hơn gấp 3 lần. Cũng từ đó, tên tuổi và những vai hề của Mạnh Phóng được khán giả và đồng nghiệp nhìn nhận một cách khác và tăng theo cấp số nhân.

Nghỉ chế độ ở Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Mạnh Phóng tiếp tục giảng dạy tại Khoa Chèo trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ông tự nhận, càng già, dạy càng “ác liệt”, không biết mệt là gì. Tưởng ông chỉ dạy hề chèo, các vai hề phù thủy vốn đã khiến tên tuổi ông đậm nét trong nghệ thuật, nhưng hóa ra ông đảm trách khá nhiều vai trò, nào dạy “Quan âm thị Kính”, thậm chí dạy cả hóa trang. Lão nghệ sĩ bảo, ngày được tuyển vào làm diễn viên chèo, ông không được dạy dỗ bài bản tại bất cứ ngôi trường nào. Chỉ khi lên sân khấu, các đạo diễn và anh chị đồng nghiệp mới hướng dẫn một vài đường nét cơ bản, còn lại tất cả phải tự học. Vì yêu nghề hết mình nên ông cũng học hết mình. Và với tinh thần tự học hỏi, luôn luôn lắng nghe thế hệ đi trước, không ngừng quan sát cuộc sống và tự sáng tạo nên suốt mấy chục năm theo nghề, ông đã tích lũy được vốn liếng đáng kể, đủ để hướng dẫn các em sinh viên mà không cần bằng cấp, chứng chỉ hay học hàm học vị. 

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, NSND Mạnh Phóng hát vẫn hay, diễn vẫn say, cứ mỗi lần được hát, được diễn, ông lại thấy như mình được trở lại tuổi 30 sung sức, cứ lên sân khấu là tỏa sáng, thăng hoa. Ông tự thấy, mình so với hồi ấy, khác nhau nhiều lắm. Tình yêu và nhiệt huyết vẫn vậy nhưng bây giờ, sức khỏe giảm sút cũng ảnh hưởng đến chất lượng giọng ca. Bởi là nghề kịch hát nên phải hát được mới đi diễn được, hát chênh, phô là hỏng, may mà ông tuy yếu nhưng chưa mất hết khả năng ca, diễn.

6 thập niên theo nghề, giờ đây, NSND Mạnh Phóng hài lòng với cuộc sống của mình, không phải bởi đã có danh hiệu, con cái trưởng thành, cuộc sống ổn định mà bởi hàng ngày được đến trường, sống với chèo trên cương vị người thầy, vừa giảng, vừa diễn cho các sinh viên trẻ những vai diễn mà có thời vì nó, ông không quản gì khó khọc, mất mát!