Người luôn đam mê với ca trù
(ANTĐ) - Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã từng nhận xét “Ca trù là một món hương hỏa của tổ tiên để lại, là tiếng họa mi trong nền cổ nhạc Việt Nam”; Còn riêng với Viện trưởng Viện âm nhạc Pháp lại cảm nhận “Ca trù là một nền âm nhạc bác học của nhân loại”…
Tuổi Canh Tuất - 1970, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện - Phó Giám đốc Thư viện Hán Nôm nhìn bên ngoài trẻ nhiều so với độ tuổi của anh. “Ca trù” đã đến với anh như một sự chọn lựa của duyên phận. Để đến hôm nay, sau 15 năm, cuộc gặp gỡ giữa anh và nghệ thuật ca trù đã được ghi dấu bằng những khám phá và phát hiện đáng trân trọng.
TS Nguyễn Xuân Diện kể lại: “20 năm trở về trước, ngày tôi còn ôn thi đại học tại thị xã Sơn Tây, người thầy của tôi là nhà thơ Thế Mạc (Kiều Thể) trong giờ nghỉ giải lao đã kể về người cha của mình, thời trai trẻ đã nhiều lần cùng các bạn văn chương mời các cô đào xuống thuyền giữa những đêm trăng “vàng gieo ngấn nước”, không khi nào thiếu bài Tỳ Bà Hành. Rồi thầy đã khẽ ngân mấy câu của bài hát.
Khi là sinh viên (ngành Hán Nôm, khoa Ngữ văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội) trong một chiều lang thang ở bách hóa Thanh Xuân, qua một cửa hiệu bán băng đĩa đang vang lên giai điệu ca trù, để rồi tiếng trống “tom chát”, tiếng đàn tiếng phách đã làm hai đầu gối tôi như muốn khuỵu xuống, trong một cảm xúc rất lạ.
Những giai âm của ca trù đã bám riết lấy tôi từ ngày đó cho đến nay và chưa từng dứt ra được…”. Quả không ngoa, những gì gắn với sự nghiệp của TS Nguyễn Xuân Diện đều không tách khỏi hai tiếng “Ca trù”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Xuân Diện về dạy học tại trường Sỹ quan Lục quân I. Một năm sau, anh trở thành cán bộ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 5 năm sau anh bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ.
Năm 1999 trong chương trình tài trợ sáng tạo của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Nguyễn Xuân Diện đã gửi đề cương công trình của mình nhằm góp phần tìm hiểu lịch sử ca trù. Công trình của anh đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chọn lựa in thành sách.
Và năm nay anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ với đề tài “Nguồn tài liệu Hán Nôm với việc nghiên cứu ca trù” - Đây là luận án tiến sỹ đầu tiên về nghệ thuật ca trù tại Việt Nam. Luận án của anh đã được quỹ Thụy Điển - Việt Nam Phát triển văn hóa tài trợ kinh phí xuất bản nhằm phổ biến rộng rãi kết quả nghiên cứu này tới những nhà nghiên cứu và công chúng yêu ca trù.
Và cuốn sách “Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù” đã được in ấn tại nhà xuất bản Thế giới với chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao. Vinh dự hơn khi cuốn sách này của TS Nguyễn Xuân Diện đã được Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace chọn lựa để giới thiệu với bạn đọc. Ngày 7-12 vừa qua, nhà nghiên cứu TS Nguyễn Xuân Diện đã trực tiếp giới thiệu cuốn sách này tại L’Espace.
Cũng tại đây, buổi thuyết trình của anh về lịch sử và nghệ thuật ca trù đã được sự quan tâm theo dõi của đông đảo bạn bè quốc tế. Sau khi nghe thuyết trình, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Chủ tịch ủy ban toàn quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ VII, Chủ tịch danh dự Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã nói với ngài Tham tán ĐSQ Pháp tại Việt Nam: “Hôm nay, TS Nguyễn Xuân Diện đã nói hay như một nhà văn, chính xác như một sử gia và say mê như một nghệ sỹ”.
Tháng 4-1992, bài báo đầu tiên của anh về ca trù đăng trên trang nhất báo Văn hóa khi vẫn đang ngồi trên ghế giảng đường đại học được Nguyễn Xuân Diện coi như dấu mốc cho một sự khởi đầu.
15 năm đã qua vẫn nguyên vẹn một tình yêu, một niềm say mê không chút đổi thay với một lối hát cổ truyền của người Việt, đến nay TS Nguyễn Xuân Diện đã viết hàng trăm bài báo, nhiều công trình và luận văn khoa học, có nhiều buổi thuyết trình giới thiệu về ca trù trong và ngoài nước.
“Càng tìm hiểu, tôi càng khám phá ra nhiều điều thú vị ở ca trù, càng say đắm nó, và công trình chuyên khảo “Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù” là một kết quả đánh dấu cho 15 năm gắn bó với ca trù của tôi” - TS Nguyễn Xuân Diện chia sẻ - “Tiếng họa mi của nền cổ nhạc Việt đã im bặt trong quãng thời gian khá dài, cái khó nhất bây giờ là phải tìm cho ca trù một chỗ đứng trong đời sống đương đại, phải truyền bá nghệ thuật chơi và thưởng thức ca trù cho lớp trẻ”. Phải chăng đây cũng là điều trăn trở của các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa nước nhà?
Trần Quân