Người lính già và ký ức chiến tranh

ANTĐ - Ngôi nhà của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương nằm khuất trong một ngõ nhỏ trên phố Hồ Đắc Di. Ngôi nhà xinh xắn với những chậu hoa tím nở buông trong tiết trời xuân Hà Nội mưa lây phây. Thấy có khách đến, cô cháu gái của nhà văn ngừng chơi đàn và quay ra chào, rồi lại mải miết với chiếc dương cầm. Cuộc trò chuyện giữa ông và chúng tôi cứ thế diễn ra trong tiếng nhạc, lúc dìu dặt, lúc vội vã, khi khoan thai…

Dặm dài kháng chiến

Vừa nhanh tay pha trà, ông vừa kể về chuyến đi Điện Biên thăm lại chiến trường, nơi 60 năm về trước, ông và những người đồng đội của mình đã chiến đấu, đã nằm gai nếm mật, đã đổ máu, đã hy sinh để rồi Tổ quốc được tái sinh và hát khúc khải hoàn. Giọng ông kể nửa như nhung nhớ, nửa vui mừng vì sự thay da đổi thịt trên cánh đồng Mường Thanh. 60 năm trở lại chiến trường, cảnh vật thay đổi, khác hẳn với ký ức của người lính già. Phố xá giờ rộng thênh thang, dấu vết chiến tranh nhỏ lại. Ông bảo, cũng có chút hụt hẫng vì mọi thứ đã khác xa so với ký ức của mình. Xưa kia, đồi A1 là cứ điểm vô cùng ác liệt, nơi ấy, bao người lính đã chiến đấu anh dũng, giành giật từng tấc đất. Hụt hẫng, nhưng cũng vui mừng vì sự sống đã hồi sinh, đâm chồi nảy lộc trên mảnh đất xưa chỉ toàn bom đạn và những họng súng đen ngòm.

Nhà văn Hồ Phương kể, trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông là chính trị viên đại đội súng máy phòng không 12 ly 8- loại súng hiện đại lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Việt Nam khi đó. Súng cồng kềnh, nặng nên không thể vác bộ mà được vận chuyển bằng ô tô từ Thái Nguyên lên Điện Biên. Ngày nghỉ, đêm đi, bộ binh đến đâu, phòng không đi đến đó, cách nhau khoảng vài trăm mét để có thể yểm trợ kịp thời, khoảng bốn đêm thì tới. Đại đoàn chủ lực 308 phụ trách bảo vệ mặt phía Đông cứ điểm, tiến công đồi Độc Lập, đồi Bản Kéo. Đồi Độc Lập tập trung tiểu đoàn lính Âu Phi rất mạnh, nhiệm vụ của tiểu đoàn phòng không-không quân là bắn “dạt” máy bay địch để chúng không thể đánh vào khu vực đóng quân của ta, bảo vệ bộ binh, bảo vệ vùng trời. Suốt gần hai tháng chiến dịch, anh em không tắm giặt, quần áo nhiều cũng chỉ hai bộ đổi nhau. Lúc nào có thể chợp mắt thì ngủ ngay trên hòm đạn phủ vải bạt nơi chiến hào. Nhưng sức đề kháng của con người thật ghê gớm. Cũng vài ba lần bị sức ép của pháo nhưng ông gần như chẳng ốm đau gì. Tinh thần chiến đấu của bộ đội ta khi đó lên rất cao, càng đánh càng tin tưởng sẽ chắc thắng. 

“Tôi là người may mắn!”, ông hay nói về mình như vậy. May mắn là bởi ông đã có mặt và chứng kiến cả hai cuộc chiến thần thánh của dân tộc, chiến thắng Điện Biên Phủ và Giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước 30-4-1975. Hỏi ông, nếu không có chiến tranh có lẽ không có một nhà văn Hồ Phương hôm nay? Ông lắc đầu, nếu không có chiến tranh thì ông vẫn cứ là nhà văn nhưng có thể sẽ viết theo phong cách khác chứ không chỉ là những tác phẩm mang tính anh hùng ca. Song chính chiến tranh và hiện thực của cuộc chiến đã thổi bùng lên ngọn lửa văn chương trong ông. Và đặc biệt hơn cả, chính đời sống quân ngũ, môi trường văn chương quân đội đã giúp ông níu giữ được sự minh mẫn, dù năm nay ông đã ngoài 80 tuổi.

Vẫn đam mê và nợ cuộc đời

17 tuổi khi còn là học sinh trường Bưởi, chàng trai Nguyễn Thế Xương đã xung phong vào tự vệ thành và trở thành một người lính của Trung đoàn Thủ đô, tham gia 60 ngày đêm Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, rồi từ “dặm dài kháng chiến” cho đến khi “bụi đường trường chinh pha mái tóc”. Cái duyên ông đến với văn chương cũng tự nhiên mà thành, thời đi học ông đã có truyện ngắn “Tiếng kèn gọi lính”. Kháng chiến bùng nổ, ông vào bộ đội, trở thành cây viết chủ lực cho các phụ san của đơn vị. Năm 1949, truyện ngắn “Thư nhà” đã trở thành dấu mốc khiến tên tuổi Hồ Phương trưởng thành và thực sự hòa mình vào đời sống văn nghệ kháng chiến. Khi đó, ông chỉ vừa tròn 18 tuổi. Cái bút danh Hồ Phương được hình thành là do ông lấy họ Bác Hồ gắn với tên một cô gái, từng là “người trong mộng” của ông mà thành.

Cho đến giờ, Hồ Phương đã trở thành một tên tuổi lớn, hỏi thêm ông về những nuối tiếc của cuộc đời, ông vẫn bảo, đời người ai chẳng có lúc gian khổ, mất mát và tiếc nuối, nhưng cái chính là mình đã vượt qua và ứng xử với nó thế nào. 60 năm cầm bút, những tưởng ở tuổi này ông đã tạm hài lòng với những gì mình đã cống hiến. Thế nhưng, ông vẫn viết, không chạy theo dòng sự kiện như báo chí, ông cũng không “ham” những câu chuyện tình ái, yêu hay không yêu, lừa hay không lừa… Với ông, chiến tranh và chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn là đề tài vô tận để ông có thể tiếp tục khai thác. Ông vẫn sẽ viết về những người anh hùng, không tô vẽ, chân thực như những gì ông chứng kiến.

“Nghi án Cỏ non”

Thuở đi học, lứa chúng tôi ai cũng biết cũng yêu truyện ngắn “Cỏ non” của nhà văn Hồ Phương. Đã có lúc, chúng tôi được dạy và đọc ở đâu đó rằng, cái nhân vật Nhẫn trong “Cỏ non” đó được nhà văn Hồ Phương lấy nguyên gốc từ Anh hùng Lao động Hồ Giáo. Rồi thời gian gần đây, nghe phong thanh hình như giữa Hồ Giáo và nhân vật Nhẫn không liên quan đến nhau. Vừa ướm hỏi nhà văn Hồ Phương về “Cỏ non”, ông bật cười. Rồi kể, hóa ra đó chỉ là một sự trùng hợp. Trong một lần đi thực tế, viết về một đơn vị bộ đội huấn luyện chiến đấu ở Hòa Bình, ông ngồi nghỉ bên vệ đường thì thấy đằng xa có tiếng mắng vọng lại: “Cái thằng kia, bố láo, vô kỷ luật vừa vừa chứ… Mày có đứng lại không, tao đánh cho bây giờ…”. Thấy lạ, nhà văn Hồ Phương tiến lại gần, hóa ra là một thanh niên đang mắng lũ bò. Mắng xơi xơi. Mà lạ, lũ bò nghe như hiểu, lầm lũi… làm theo, bỏ đám cỏ đang ăn đi ra chỗ khác. Chi tiết ấy cứ ám ảnh ông. Và rồi đã trở thành chất liệu để ông làm nên nhân vật Nhẫn mà bao người yêu mến.

Nhưng không hiểu sao, đi đến đâu người ta cũng khen Hồ Phương viết về Anh hùng Lao động Hồ Giáo hay quá, chân thực quá. Những lời khen khiến ông vừa bất ngờ, vừa sửng sốt. Không để gây thêm hiểu lầm, đã nhiều lần Hồ Phương nói thẳng là ông chưa từng gặp Hồ Giáo, nhưng chẳng ai tin lời ông nói. Họ nghĩ ông khiêm tốn mà nói thế thôi. Lại cũng có lần, ông nhận được thư mời của một tỉnh nọ. Họ mời ông với lý do, ông viết về nghề chăn bò hay quá. Tất nhiên, lời mời đi kèm nhiều lợi ích. Ông suy nghĩ nên đi hay không. Rồi bức thư đó được mang ra thảo luận rộng rãi trong gia đình. Vợ con ông đều khuyên ông không nên đi, vì sự thật có phải ông viết về anh Hồ Giáo đâu. Thế là ông từ chối, viết thư trả lời, phân trần mọi chuyện. Tưởng thế là xong, ai ngờ, mấy hôm sau lại nhận được thư hồi đáp của tỉnh kia. Họ bảo là dù ông không viết vẫn cứ muốn cảm ơn ông.

Thế cho đến giờ ông đã gặp Anh hùng Lao động Hồ Giáo chưa? Ông trả lời câu hỏi của tôi bằng một nụ cười và kể, khoảng vài năm trước, trong một cuộc họp, ông mới gặp Hồ Giáo. Lần ấy, Hồ Phương và Hồ Giáo mới thực sự bắt tay nhau. “Quen” nhau lâu, giờ mới gặp, âu cũng là duyên số!

Nhà văn Hồ Phương từng giữ chức Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1990 ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Ông từng đoạt giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2000 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm “Ngàn dâu” và “Những cánh rừng lá đỏ”.