Người họa sỹ thuộc làu từng cây cột điện

ANTĐ - Bạn bè, đồng nghiệp quen gọi Nguyễn Ngọc Dân là “Dân dây điện”, bởi lẽ, suốt hơn chục năm nay anh chỉ mải mê theo đuổi đề tài chẳng giống ai: Vẽ dây điện. 

Người họa sỹ thuộc làu từng cây cột điện ảnh 1Họa sỹ Nguyễn Ngọc Dân bên cạnh bức tranh dây điện ở ngõ Thịnh Hào 1, nơi anh từng sinh sống

Đề tài chẳng giống ai

Dây diện chằng chịt, rối tung, giăng khắp các con phố. Dây điện mắc vào cột điện, đèn tín hiệu giao thông, bùi nhùi trong đống loa phường, biển tên đường, tên phố… Cái hiện thực tức mắt ấy lại được đưa vào hội họa. Và người mải miết làm điều ấy là Nguyễn Ngọc Dân. Đề tài chẳng giống ai được anh theo đuổi từ năm 2002, mới đầu chỉ là những bức ký họa. Nguyên cớ nghe qua có vẻ đơn giản, với Nguyễn Ngọc Dân khi đi trên đường phố, lúc đi chơi, đi làm,  dừng chân trước đèn xanh đèn đỏ, hay cả khi đi… đón vợ, lúc nào anh ngước nhìn lên cũng thấy toàn là dây điện.

Đã là dân thành thị ai chẳng biết dây điện là “đặc sản” của thành phố, nhưng với anh những bó dây điện ấy ấn tượng mạnh đến nỗi anh thấy nó sẽ là chất liệu để sáng tác nên ký họa mang về. Những bức vẽ đầu tiên cũng chỉ ở dạng sơ khai, cất vào tủ, không có ý định ra mắt công chúng. Bạn bè thân lắm cũng chỉ vài người hay biết.

Người họa sỹ thuộc làu từng cây cột điện ảnh 2Dây điện như một nét đời sống đô thị Hà Nội

Mãi đến năm 2006, Nguyễn Ngọc Dân mới “nâng cấp” nghệ thuật dây điện bằng cách vẽ sơn dầu. Khi cho ra mắt cuốn sách tranh của riêng mình vào năm đó, anh cũng chỉ “rón rén” đưa vào khoảng 3 bức vẽ dây điện. Còn lại vẫn là những chủ đề quen thuộc về biển, về hoa và cả chân dung... Nhưng cũng từ đó, mọi người mới phát hiện ra có một ông họa sỹ chuyên vẽ… dây điện. 

Xem triển lãm của anh, có nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên, tại sao lại vẽ dây điện, vẽ ra thì bán cho ai, mà vẽ dây điện có gì hay ho mà xem. Nhưng với Nguyễn Ngọc Dân, đã vẽ thì “đừng bao giờ ngại chuyện công chúng không chấp nhận”. Kể cả khi dây điện là cái gì đó là rất tĩnh, toàn là tác động về thị giác… thì với Nguyễn Ngọc Dân, anh vẫn bằng ngôn ngữ tạo hình nào đó, “phù phép” để chúng cất lên được tiếng nói của mình. Sau nhiều triển lãm cá nhân toàn là dây điện như “Vắt qua phố”, “Phố”, “Ngõ”… anh tiếp tục khai thác mảng đề tài này với  7 bức cỡ lớn trong “Tâm truyền” - một cuộc chung vui với người thầy đầu tiên mà anh rất kính trọng là họa sỹ Trần Văn Trù.  

Người họa sỹ thuộc làu từng cây cột điện ảnh 3

Nhắm mắt cũng tưởng tượng ra

Đơn giản chỉ là dây điện nhưng để vẽ, để thể hiện thành công cũng phải lang thang nhiều nơi, ngắm nghía nhiều con phố, ngõ ngách từ đó chọn ra chi tiết đưa vào tác phẩm của mình. Quê đất Cảng, nhưng Ngọc Dân sống và học tập ở Hà Nội hàng chục năm nay. Trong con mắt của anh, Hà Nội và TP.HCM là 2 đô thị lớn nên mật độ dây điện dày hơn những nơi khác.

Riêng Hà Nội anh nói vui, dây điện ở Hà Nội có tạo hình “phức tạp” hơn những nơi khác. Vì nó có thể vắt qua phố, vắt qua ngõ, qua ngách, tóm lại là… bất cứ đâu. Và lại có rất nhiều loa phường, tồn tại như một bản sắc riêng. “Ở Hà Nội có những cột điện, những mớ dây điện “rắc rối” nhất  tôi đều thuộc. Cột điện nào chữ H, chữ A, cột sắt hay bê tông, cột nào mới hạ… tôi đều nhắm mắt cũng tưởng tượng ra” - Nguyễn Ngọc Dân cho biết. 

Trong triển lãm dây diện lần này, anh dành riêng một bức để vẽ  ngõ Thịnh Hào 1, phố Tôn Đức Thắng, nơi đầu tiên gia đình anh định cư ở Hà Nội. Cũng chẳng biết do có mối liên hệ mật thiết không mà đây lại là bức được nhiều người thích nhất. Một khung cảnh điển hình trong một con ngõ của Thủ đô, với nền là bức tường màu sơn đã phai, đủ “dấu ấn” nào là của những mẩu quảng cáo khoan cắt bê tông, rao vặt, ô cửa sổ cũ kỹ, cây cột điện hình như cũng đang xiêu vẹo bởi sức nặng của đủ loại dây rợ đan xoắn vào nhau.

Ở một tác phẩm khác, anh lấy cảm hứng từ một cột đèn giao thông sừng sững trong một búi dây điện với đèn vàng bật sáng, bên cạnh là tấm biển “Phố Art”. Cần đi chậm lại, hay tăng tốc, hiểu theo cách nào cũng thật thú vị. Dây điện là biểu hiện của một xã hội bộn bề phức tạp, xô bồ, con người ta dường như sống vội, sống gấp, sống bon chen hơn … Chỉ một giây nhìn vào những búi dây điện đó, chúng ta chắc hẳn ai cũng thấy cần một sự tháo gỡ cho cuộc sống của chính mình. 

Nguyễn Ngọc Dân cho biết, anh là một người lạc quan nhưng không vì thế anh cho phép mình bàng quan trước hiện thực. Đó là khi anh nhìn thấy những cây cột điện đổ rạp sau bão, những người thợ điện đầm đìa mồ hôi trèo lên cột điện…, chỉ mong sao thành phố sẽ cho hạ ngầm những dây điện để người dân đi lại an toàn hơn, diện mạo đô thị cũng trở nên thoáng đãng, dễ chịu. Khi đó, tranh của anh sẽ thành một tư liệu lịch sử thì sao…

 Triển lãm “Tâm truyền” của họa sỹ Nguyễn Ngọc Dân và họa sỹ Trần Văn Trù được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) từ ngày 1 đến 7-11.