Người Hà Nội sẽ không còn phải hỏi quanh "đi đâu" mỗi khi được nghỉ

ANTD.VN -Theo kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 10 tới 20 mô hình “Làng văn hóa du lịch, làng nghề du lịch” tại các huyện, thị xã trực thuộc trong thời gian tới.

Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa đề nghị các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố; tham mưu ban hành và hướng dẫn áp dụng chính sách thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn. Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho cán bộ quản lý nhà nước thực hiện Chương trình OCOP; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố tham gia Chương trình OCOP. 

Đây sẽ là cơ hội để du lịch làng nghề ở Hà Nội phát triển

Theo Văn bản số 3335/UBND-KT ngày 23-7-2018 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các đơn vị liên quan, Sở Du lịch Hà Nội là đơn vị hỗ trợ các tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu, phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của địa phương.

Theo đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển các trang trại giáo dục – du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm đặc sản và sản phẩm làng nghề nông thôn. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thị xã triển khai thực hiện từ 10 – 20 mô hình “Làng văn hóa du lịch, làng nghề du lịch”.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Chương trình xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

OCOP là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản”, được triển khai đầu tiên ở Nhật bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Đến nay đã có hơn 40 nước học theo và đã triển khai rất thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn.

Trong Chương trình này Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm…, còn người dân đóng vai trò chính, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Mặc dù hiện nay chương trình mới triển khai trên phạm vi toàn quốc, nhưng thực tế nhiều địa phương đã thực hiện từ nhiều năm trước đây. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và dẫn đầu cả nước triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm từ năm 2013. Từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia chương trình, đến nay Quảng Ninh đã phát triển thành gần 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị tích cực tham gia.