Người gìn giữ những điệu múa sư tử

(ANTĐ) - Con phố nhỏ Hàng Chai hàng ngày vẫn diễn ra các hoạt động nhộn nhịp trong vòng quay buôn bán của 36 phố phường Hà Nội, và ít ai nghĩ được rằng, chính nơi đây vẫn còn lưu giữ được một trò chơi dân gian độc đáo: Múa sư tử.

Người gìn giữ những điệu múa sư tử

(ANTĐ) - Con phố nhỏ Hàng Chai hàng ngày vẫn diễn ra các hoạt động nhộn nhịp trong vòng quay buôn bán của 36 phố phường Hà Nội, và ít ai nghĩ được rằng, chính nơi đây vẫn còn lưu giữ được một trò chơi dân gian độc đáo: Múa sư tử.

Một người đàn ông đã ở tuổi “xưa nay hiếm” ngày ngày vẫn đam mê, theo đuổi môn nghệ thuật này.

Tết Trung thu nhớ trò chơi cổ

Một buổi biểu diễn múa sư tử trong ngày Tết Trung thu
Một buổi biểu diễn múa sư tử trong ngày Tết Trung thu

Tôi đến nhà ông vào một buổi sáng chủ nhật. Người đàn ông đang mải miết làm việc. Ông đang đục đục hàn hàn cái gì đó, trông chẳng ra dáng gì là một người làm nghệ thuật. ấy vậy mà ông là một nghệ sĩ múa sư tử, đội trưởng đội múa sư tử phường Hàng Mã -  Lê Kim Giao.

Theo lời ông Giao kể, đội múa sư tử phố Hàng Chai ra đời đã hàng trăm năm nay, hoạt động liên tục, đời này nối tiếp đời khác giữ gìn và phát triển trò chơi múa sư tử dân gian. Ông Giao theo môn nghệ thuật này từ nhỏ và hiện ông là đội trưởng đội múa sư tử. Ông đã dẫn dắt đội múa hơn 30 người trong đó, ông Giao là người già nhất đội, còn nhỏ nhất có cháu bé năm nay mới 3 tuổi.

Vào những ngày lễ lớn hoặc Rằm Trung thu, đội múa sư tử của ông thường được mời đi biểu diễn ở khắp các quận huyện, tỉnh thành từ Hà Nội cho đến Hải Phòng, Bắc Ninh…

“Khi nhập cuộc, người nghệ sĩ phải diễn với tâm hồn như một con sư tử thực thụ. Mỗi đoạn diễn đều thể hiện những tâm trạng khác nhau của sư tử, lúc hung dữ, lúc nhảy múa, lúc ru con, lúc vồ mồi… Ngoài ra múa sư tử không chỉ đòi hỏi lòng đam mê, kỹ thuật diễn mà cần phải có một thể lực tốt và am hiểu võ thuật. Như thế các động tác và tư thế của sư tử mới đạt đến độ cương nhu, hài hòa” - ông Giao say sưa cho biết.

Giữ gìn một trò chơi truyền thống

Ông Giao nói với chúng tôi, bà con ở phố Hàng Chai đều đam mê múa sư tử. Có thể nói phố Hàng Chai là phố Sư tử và hầu như các thành viên trong đội múa sư tử phường Hàng Mã đều đang sống ở phố Hàng Chai. Nhiều cháu tuy mới 3 tuổi nhưng đã đam mê múa sư tử. Ông Giao nói: “Chắc niềm đam mê múa sư tử đã ngấm vào máu rồi, vì từ lúc mới sinh ra, bố mẹ chúng đều là những người múa sư tử chuyên nghiệp. Vả lại, có thể nói, mọi người ở đây có niềm tự hào riêng vì nhắc đến phố Hàng Chai, người ta nghĩ ngay đến phố sư tử”.

Dẫu đã nhiều tuổi, nhưng ngày ngày ông Giao vẫn làm việc đều đặn, hiếm có lúc nghỉ ngơi kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Căn nhà của ông Giao chỉ rộng chừng 8m2 nhưng có tới 3 người ở. Vất vả là thế nhưng ông vẫn ý thức giữ gìn trò chơi này và nhiệt tình dẫn dắt đội múa và có một niềm đam mê tột đỉnh với môn nghệ thuật này.

Ông tâm sự, những khi đi biểu diễn, mặc dù tiền công chẳng đáng là bao, nhưng đã làm nghề rồi thì có quản ngại gì, nhiều khi còn bỏ cả tiền túi ra vì chi phí cho một chuyến đi xa rất tốn kém. Kinh phí đoàn phải đứng ra lo liệu, phường cho thêm một chút, rồi còn mua sắm quần áo, đồ nghề… nhưng ông không thể bỏ nghề được, nó đã ngấm vào máu rồi…

Ngày lễ Trung thu sắp đến và chúng ta sẽ lại được tiếp tục đắm mình trong điệu múa sư tử dân gian… Năm sau, năm sau nữa… những điệu múa dân gian này sẽ mãi là một nét văn hóa đẹp trong lòng người dân Hà Nội. 

Thu Hà