Người ghép sử thư pháp Việt

ANTD.VN - Suốt 4 năm đằng đẵng, chàng trai sinh năm 1986 Nguyễn Sử đã đi đến các di tích như đình, chùa để thu thập bút tích của những bậc thư pháp gia xưa cho một dự án mang tên: “Lịch sử thư pháp Việt Nam”. 

Nguyễn Sử tốt nghiệp Đại học Sư phạm Phúc Kiến, Trung Quốc và ngay từ khi còn trẻ, anh đã tích lũy một vốn kiến thức sâu rộng về Hán - Nôm, đồng thời say mê nghiên cứu, thực hành thư pháp. Trước khi bắt tay vào công trình, Nguyễn Sử cũng đã dành 2 năm miệt mài tìm đọc các sử liệu cổ để tìm ra những đáp án cho công việc mà trước nay chưa từng ai làm.

“Quả thực quá trình này mất rất nhiều thời gian bởi chưa có một tài liệu nào nói một cách tổng thể và thống nhất về thư pháp đã diễn ra như thế nào và có những ai biết thể hiện nó… Ngay cả khi đọc cả “Đại Việt sử ký toàn thư”, tôi cũng chỉ nhặt được chưa đến 20 chi tiết. Còn những sử liệu khác thì chỉ gom được vài chi tiết nhỏ lẻ. Những mảnh ghép ấy tôi lại phải tự mình chắp vá lại để tạo thành một bức tranh”, Nguyễn Sử cho biết. 

Ngược - xuôi dải đất hình chữ S tìm thư pháp

 Để có cái nhìn đa chiều, anh cũng tìm đọc các nguồn sử liệu của nước ngoài. Bởi với Nguyễn Sử, nếu chỉ đặt thư pháp Việt đứng một mình mà không có bất cứ sự soi chiếu nào thì không thể biết được vị trí cũng như tầm vóc của nó. Thế là anh lại mày mò tìm đọc sử liệu của các quốc gia có bề dày thư pháp như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để có sự so sánh cũng như đánh giá xác đáng về thư pháp nước nhà.   

 Trong 4 năm, Nguyễn Sử đã tự bỏ tiền để đi đến khắp mọi miền của Tổ quốc, từ Cao Bằng, Yên Bái cho đến TP.HCM, bất cứ nơi nào có di tích liên quan đến các văn tự Hán - Nôm. Trong số đó, có những địa phương anh phải đi lại nhiều lần để xem xét hiện trạng, dập bia, mang về nghiên cứu, đánh giá. Quá trình này tương đối khó khăn bởi nhiều bút tích xưa còn giữ được nguyên trạng, nhưng cũng có không ít những văn bản đã phai mờ, bị hư hại bởi những biến cố của lịch sử. Một thách thức khác là nhiều thư tịch của các tác gia nổi tiếng đã thất truyền, những cái còn lại thì chưa chắc đã là tiêu biểu cho phong cách, hay thành tựu của thư pháp gia đó. 

Những điều ấy đã gây trở ngại lớn với Nguyễn Sử trong quá trình nghiên cứu. Mà đã “đi thu thập dã sử” thì không thể không dụng công, không hao tâm tổn trí. Tuy nhiên, với sự đam mê và thái độ nghiêm túc với công việc và sự trợ giúp của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức - tác giả cuốn “Ngàn năm áo mũ”, Nguyễn Sử đã hoàn thành được công trình sách “Lịch sử thư pháp Việt Nam”.

Táo bạo và đầy tham vọng 

Nếu đọc cuốn “Lịch sử thư pháp Việt Nam”, người đọc thấy Nguyễn Sử đã khai phá nhiều mảng trống của thư pháp Việt mà trước nay gần như chưa ai đặt chân đến. Không chỉ hệ thống lại các tác phẩm thư pháp Việt Nam đã được sưu tập, khảo sát theo phân kỳ lịch sử, cuốn sách còn thể hiện được diện mạo khá phong phú về đội ngũ các tác giả nổi bật về thư pháp, các yếu tố ảnh hưởng đến sáng tác cũng như các quan điểm thẩm mỹ, thể thức, nội dung, phong cách nghệ thuật của mỗi giai đoạn. 

Theo Nguyễn Sử, tấm văn bia Hán Nôm có niên đại sớm nhất Việt Nam hiện nay được tìm thấy đó là bia “Tấn cố sứ trì tiết quán quân Giao Châu mục Đào liệt hầu” ở Bắc Ninh, trong đó có ghi rõ niên đại dựng bia là năm 304. Tuy nhiên, những hiện vật sớm nhất về việc sử dụng chữ Hán phải kể đến là trống đồng.

Trong số đó, trống đồng Phú và trống đồng Cổ Loa là 2 trong số 4 chiếc trống đồng có minh văn chữ Hán, chứng tỏ người Việt Nam đã sử dụng chữ Hán trên những đồ vật của mình từ rất sớm. Ngoài ra đó là những dòng chữ đại triện được khắc trên các minh khí hay những chữ lệ trên gạch, vò gốm thời thuộc Hán. Chúng đã mở ra những thời đại phát triển cực thịnh của chữ Hán Nôm, suốt từ giai đoạn Lý - Trần cho đến thời Nguyễn sau này.

Điển hình, dưới thời Lý - Trần, thư pháp Việt đã đạt đến đỉnh cao với các thể chữ triện, hành, thảo, lệ… Đến thời nhà Lê, trải qua 20 năm biến loạn vẫn giữ được nền tảng cũ, đồng thời hình thành lối chữ hoa áp - một phong cách chữ đặc thù thống lĩnh thư đàn Việt. Trong khi đó, thời Nguyễn xuất hiện hàng loạt các thư gia, mỗi người một lối biểu đạt khác nhau khiến cho thư đàn vô cùng sôi động.   

Không chỉ thông qua ngôn ngữ học thuật, bằng những kiến giải tương đối rõ ràng, Nguyễn Sử cũng cung cấp một cái nhìn tổng quát về lịch sử thư pháp Việt. Trong cuốn sách, người đọc không chỉ được hiểu thêm về kiến thức Hán - Nôm mà còn thu lượm được nhiều thông tin về đời sống thư pháp xưa. 

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, việc dựng lại giai đoạn lịch sử của một chữ viết hay trong bất cứ một lĩnh vực nào như chữ viết hay kể cả mỹ thuật, hội họa cũng khiến cả những nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệp dè dặt. Bởi vậy, “Lịch sử thư pháp Việt Nam” là công trình táo bạo và đầy tham vọng, nhưng cũng cho thấy sự đáng nể phục của một người nghiên cứu tuổi đời còn rất trẻ so với các bậc tiền bối đi trước.