Người đi xuyên những bức tường thơ

ANTD.VN - Nhà thơ Mai Văn Phấn là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ Việt Nam đương đại. Bằng những tập thơ dịch ra tiếng nước ngoài, anh đã trở thành người đi xuyên qua những bức tường ngôn ngữ...

Người đi xuyên những bức tường thơ ảnh 1Để thơ mình đến được với thế giới theo nhà thơ Mai Văn Phấn thì điều đó tùy thuộc vào “chữ duyên”

Kiệt sức sau mỗi bài thơ

Mai Văn Phấn không ngần ngại thổ lộ điều này với bạn thơ. Cũng như có lần ngồi uống hết 4 chai vang với 2 người bạn ngay giữa lòng đất Cảng, suốt từ tối đến nửa đêm, anh say sưa nói về trạng thái thăng hoa trong sáng tác bằng những từ ngữ và sự so sánh trực tiếp với bản năng của con người một cách cực kỳ tự nhiên, hóm hỉnh. 

Đọc thơ anh những tập gần đây, người đọc có cảm giác được thả mình vào một bầu khí quyển thanh khiết, ở đó, vạn vật đều bình đẳng với nhau trong từng hơi thở. Đạt tới sự tự nhiên như thế, Mai Văn Phấn đã phải đi qua một chặng đường đủ dài, đủ sâu để có được sự trải nghiệm và kinh nghiệm thanh lọc, thẩm thấu những dưỡng khí tốt nhất cho thơ mình.

Thử giở một trang thơ bất chợt, đọc một bài trong đó: Lưỡi dao sắc lia ngang/ Sát gốc cỏ/ Những vong hồn còn mắc kẹt/ Cùng ngọn cỏ/ Vươn tay/ Lá cỏ vun thành đống/ Làm thức ăn gia súc/ Hoặc phơi khô/ Vong hồn nào chưa được bay lên/ Còn trong vòng nghiệt ngã/ Cơn đau đớn sát sinh/ Hoang hoải mùi hăng sữa cỏ (Ra vườn chùa xem cắt cỏ). Để đổi được từng lát cắt ngọt ngào đó, người viết đã từng phải “thế chấp” trái tim mình cho những ấm - lạnh thất thường của hạnh phúc và cô độc, những được - mất hư vô của cõi đời này.

Viết như “vượt cạn”, vì thế nhà thơ thường bị kiệt sức sau khi sinh được một đứa con tinh thần. Bị rút cạn sinh lực đến mức không thể gọi tên ngay được bài thơ ấy là gì, anh phải cất nó vào đâu đó để tạm quên đi. Có thể một tuần, hai tuần sau đó thấy mình hồi sức mới mở ra đọc lại và bài thơ chính thức được khai sinh.

Nhiều người đọc thơ Mai Văn Phấn, nhưng rất ít người để ý đến nhan đề. Khi tôi phát hiện ra rằng, mỗi tên gọi của một bài thơ chính là chiếc chìa khóa mở ra một không gian, một con đường, một dòng chảy... mà tác giả kín đáo trao cho người đọc. 

Năm 2015, Mai Văn Phấn bất ngờ dành tặng bạn đọc một tập thơ rất “khủng” gồm 1.017 bài với một nhan đề ngắn gọn: “Thả”. Tập thơ chọn từ 1.500 bài được anh sáng tác trong khoảng 1 năm. Nếu ngày nào cũng đặt mình vào trang viết, nhà thơ sẽ phải sáng tác trung bình 4 bài, nhưng thực tế có những ngày anh viết tới 30 bài để bù vào những hôm bị kiệt sức.

Tập thơ ra đời đúng vào năm Mai Văn Phấn tròn một vòng hoa giáp - anh sinh năm Ất Mùi 1955. Có lẽ khi bước qua quãng tuổi “tri thiên mệnh” được mười năm, thấu hiểu gần đủ lẽ trời và lòng người, nhà thơ đã tìm ra cách sống hòa hợp, thuận theo tự nhiên ở mức độ cao nhất, cho nên không còn muốn ràng níu bất cứ điều gì ngoài tầm tay.

Hội nhập vào biển thơ quốc tế

Trong số các nhà thơ Việt Nam đương đại, có lẽ Mai Văn Phấn đang giữ kỷ lục về việc đăng thơ trên các báo, tạp chí ở nước ngoài và đặc biệt thơ anh đã được chuyển ngữ sang 23 thứ tiếng trên thế giới. Ngoài những ngôn ngữ phổ biến như: tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Nhật, Ả-Rập..., thơ anh còn được dịch sang những ngôn ngữ ít người biết như: Anbani, Kazakh, Rumani...

Để thơ mình đến được với thế giới, theo nhà thơ Mai Văn Phấn thì điều đó tùy thuộc rất nhiều ở “chữ duyên”. Cách đây gần 20 năm, thơ anh “bén duyên” với tạp chí nước ngoài bắt đầu từ lời mời gửi bài của hai vợ chồng nhà thơ Katia Kapovich và Philip Nokolayev (người Mỹ gốc Nga), hai người phụ trách tạp chí Fulcrum (Hoa Kỳ) dành cho anh.

10 bài thơ đầu tiên được cố dịch giả, nhạc sĩ Xuân Oanh dịch giúp, tạp chí Fulcrum đăng lên và sau đó Mai Văn Phấn liên tiếp nhận được lời mời cộng tác từ một số tờ báo, tạp chí ở các quốc gia khác.

Đến đầu năm 2010, cũng nhờ một cơ duyên đặc biệt, nhà thơ Mai Văn Phấn gặp dịch giả - nhà thơ Trần Nghi Hoàng, người đã sống và viết ở Mỹ hơn 30 năm. Hai người đã có những cuộc trò chuyện, chia sẻ rất sâu sắc về các quan điểm thẩm mỹ thi ca, hứng thú với những bài thơ của Mai Văn Phấn, dịch giả Trần Nghi Hoàng đã dành thời gian chuyển ngữ bài thơ dài “Cửa mẫu” sang tiếng Anh và đưa cho nhà thơ Frederick Turner - một người bạn thân của ông hiệu đính.

Tiếp đó, dịch giả đã dịch toàn bộ tập thơ “Bầu trời không mái che” (tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010) và được xuất bản song ngữ Việt - Anh với nhan đề: “Bầu trời không mái che - Firmament without roof cover”. Tháng 7-2012, Mai Văn Phấn được Nhà xuất bản Page Addie Press của Anh ký hợp đồng xuất bản phần Anh ngữ tập thơ này. Cuối tháng 12-2012, “Firmament Without Roof Cover” lọt vào top 100 tập thơ bán chạy nhất của Amazon.

Mới đây, Nhà xuất bản Mundus Artium Press (Mỹ) vừa ấn hành tập thơ “3 câu” (gồm 648 bài rút từ tập “Thả”) của Mai Văn phấn với cái tên “Echoes from the Spiral Galaxy” (Âm vọng từ thiên hà hình xoắn), do dịch giả Hồ Liễu và nhà thơ Susan Blanshard dịch sang tiếng Anh. Nhà xuất bản Mundus Artium Press độc quyền phát hành tập thơ này tại Mỹ, đồng thời trên mạng phát hành sách của Amazon với giá gần 20USD.

Khi trò chuyện với Mai Văn Phấn, một người bạn văn chương đã thốt lên đầy ngưỡng mộ: “Thơ anh đã bay khắp địa cầu bằng 24 ngoại ngữ trên thế giới này!” Nhà thơ cười hóm hỉnh: “Thơ của mình mới được dịch ra 23 thứ tiếng thôi, ngôn ngữ thứ 24 chính là tiếng nói của trái tim mà bạn dành cho thơ tôi đó...”.