Ngọt ngào câu dân ca quan họ

(ANTĐ) - Ngay cả những người con bản địa, sinh ra và lớn lên ở nơi đây, được ông bà, cha mẹ truyền lại những lời ca quan họ quý giá, họ vẫn không biết dân ca quan họ Bắc Ninh có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, lời ca, tiếng hát ấy là niềm tự hào, say mê của người dân địa phương và khiến những người con xa quê phải nức nở khóc vì nhớ quê, nhớ những gì dung dị, thấm đượm tình người.

Ngọt ngào câu dân ca quan họ

(ANTĐ) - Ngay cả những người con bản địa, sinh ra và lớn lên ở nơi đây, được ông bà, cha mẹ truyền lại những lời ca quan họ quý giá, họ vẫn không biết dân ca quan họ Bắc Ninh có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, lời ca, tiếng hát ấy là niềm tự hào, say mê của người dân địa phương và khiến những người con xa quê phải nức nở khóc vì nhớ quê, nhớ những gì dung dị, thấm đượm tình người.

“Say” quan họ bởi sự bình đẳng

“Làng quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội, những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao quanh…”. Mỗi độ xuân sang, vùng quê Kinh Bắc lại rộn ràng bởi sắc màu rực rỡ của những chiếc áo tứ thân sặc sỡ, được thắt thêm dải lụa đào mềm mại. Các chị Hai chít khăn mỏ quạ, miệng thắm như hoa, e ấp sau nón quai thao, cùng anh Hai áo the khăn xếp đi lễ hội và hát đối ở đình làng. Dân ca quan họ Bắc Ninh xưa nay vẫn đằm thắm nhưng sôi nổi như thế.

Anh Hai quan họ Trần Văn Quyến (thôn Hòa Đình - Võ Cường - thành phố Bắc Ninh) chân quê, mộc mạc giới thiệu về dân ca quan họ Bắc Ninh. Trong xã hội phong kiến, phụ nữ chưa được đối xử bình đẳng với nam giới, nhưng trong quan họ, sự bình đẳng nam - nữ đã sớm được khẳng định. Muốn mời người con gái hát cùng, người con trai phải mời trầu. Người con gái có quyền lựa chọn bạn hát và được ưu tiên ra câu đối trước để người con trai đối đáp lại. Sự bình đẳng này đã khiến những câu ca truyền miệng có sức sống bền bỉ hơn trong nhân dân.

Quan họ có câu: “Đầu xuân năm mới, năm mới đang xuân. Các anh Hai không chê quê em nghèo mà đã có lòng sang chơi. Trước là thăm thầy mẹ chúng em, sau là ca lên đôi câu để vui xóm vui làng, để chị em chúng em được học đòi đôi ba lối”. Người quan họ khiêm nhường và ý nhị. Khách đến chơi nhà không biết “làng quê em” nghèo hay giàu; không ai biết các chị Hai quan họ thuộc bao nhiêu lời hát để được “học đòi” anh Hai. Nhưng ai cũng biết, anh Hai sang thăm chị Hai quan họ chứ chẳng phải thăm thầy mẹ chị Hai. Văn hóa quan họ là thế, tôn trọng trước - sau và trên - dưới.

Người dân vùng quê Kinh Bắc ví niềm say mê quan họ như say trầu, say thuốc. Chỉ cần nghe lời ca là những người thưởng thức có thể tưởng tượng ra khung cảnh bình dị của làng quê; hình dung ra cảnh những anh Hai, chị Hai lúng liếng đôi mắt hát giao duyên. Người quan họ say nhau ở giọng hát, ở lời đối đáp khôn ngoan nhưng tế nhị, ở những điệu giã bạn chẳng muốn rời xa.

Nếu hát quan họ mà anh Hai, chị Hai không liếc mắt đưa tình thì biểu diễn chưa đạt yêu cầu. Người biết chơi quan họ chỉ được phép say nhau trên sân khấu, say nhau ở lời ca tiếng hát mà không thể say nhau ở thực tại. Văn hóa quan họ trong hát canh, hát chiếu không cho phép hát đôi 1 nam, 1 nữ vì không muốn người quan họ quá nặng chữ tình.

Theo ông Nguyễn Đăng Túc - Giám đốc Sở VH-TT&DL Bắc Ninh, thế giới đặt dân ca quan họ Bắc Ninh ngang bằng với nghệ thuật Thư pháp của Trung Quốc và điệu Tango của Argentina.

Những nghệ nhân nhiệt thành

Chẳng cần phải đợi đến ra Giêng, khi có hội đình làng quan họ, cũng chẳng cần đợi đến khi tỉnh Bắc Ninh tổ chức thi hát quan họ giữa các làng, người yêu quan họ mới có cơ hội thưởng thức những lời ca đằm thắm, đưa đẩy và giản dị này. Bất kỳ ngày nào trong năm, người dân vùng quê Kinh Bắc cũng sẵn sàng phục vụ quý khách có nhu cầu. Bất kể anh Hai, chị Hai quan họ đang bận bịu lao động trên đồng ruộng họ cũng sẵn sàng bỏ công bỏ việc, về tiếp đãi quý khách một chầu quan họ miễn phí.

Anh Hai quan họ Nguyễn Hoàng Giang - thôn Hòa Đình kể: “Có vị khách đến chơi nhà, đề nghị được nghe quan họ, vợ chồng tôi mặc trang phục biểu diễn phục vụ ngay. Chúng tôi quý tấm lòng yêu quan họ của họ”. Sự nhiệt thành của người dân quan họ còn được thể hiện khi anh Hai (hoặc chị Hai) có khách từ làng khác đến đề nghị hát giao lưu, anh Hai (hoặc chị Hai) sẵn sàng mổ gà làm cơm, để chồng (hoặc vợ) mình vui vẻ tiếp đãi khách bằng lời ca, tiếng hát.

Người dân Kinh Bắc không biết hát quan họ thì cũng yêu quan họ, nên họ chẳng bao giờ từ chối bất kỳ lời đề nghị được nghe hát chân thành nào. Quan họ như món ăn tinh thần, như chất xúc tác khiến người dân quan họ có thêm nhựa sống. Văn hóa quan họ đã hun đúc nên tính cách những con người nơi đây: giản dị, nhiệt thành, chân quê nhưng lại ngại ngùng, e lệ.

Ở thôn Hòa Đình- phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh có Câu lạc bộ (CLB) văn hóa - quan họ Hòa Đình. Quy tụ được hơn 50 hội viên trong thôn, CLB là nơi tập luyện thường xuyên của những nghệ nhân nghiệp dư. Thứ năm và chủ nhật hàng tuần, các thành viên CLB lại có mặt đông đủ để ôn lại điệu hát cũ hay học thêm điệu hát mới. Không những thế, CLB còn tổ chức hát quan họ qua điện thoại để phục vụ đồng bào yêu quan họ ở xa quê và những kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài miễn phí.

Ông Trần Văn Quyến - Chủ nhiệm CLB không nhớ biết bao lần, những kiều bào Việt Nam ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada… gọi điện về xin được nghe hát. “Mặc dù giọng ca qua điện thoại đã bị thay đổi nhiều và người nghe khó cảm nhận hết cảm xúc của từng câu hát nhưng dường như, ai cũng rưng rưng nước mắt. Có người chưa nghe hết 2 bài hát đã nấc nghẹn chẳng nói nên lời” - ông Quyến chia sẻ. Người hát và người nghe chỉ sẻ chia với nhau bằng cách đó, nhưng họ thấy đồng cảm và hạnh phúc.

Lại có lần, CLB của ông Quyến dành riêng 30 phút cho những chiến sĩ ở quần đảo Hoàng Sa đang canh giữ vùng biển của Tổ quốc. Cả đơn vị họ nghe hát qua điện thoại rồi đồng loạt cảm ơn những nghệ nhân nghiệp dư.

Người dân Kinh Bắc vẫn kể lại cho nhau nghe câu chuyện về bến nước làng Diềm (huyện Yên Phong - Bắc Ninh), có người làm nghề trồng dâu, nuôi tằm có tiếng hát rất hay. Người này dạy hát cho bà con địa phương và được vua sắc phong. Dân ca quan họ Bắc Ninh ra đời từ đó. Và chặng đường phát triển của quan họ cũng trải qua những bước thăng trầm. Tuy nhiên, hành trình để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào ngày 30-9 vừa qua đã chứng minh sự trường tồn của loại hình nghệ thuật này. Đây là một dấu mốc lịch sử, đánh dấu sự khởi đầu mới cho chặng đường phát triển tiếp theo của dân ca quan họ Bắc Ninh.

Thanh Hoàn