Ngôi chùa cổ kính bậc nhất miền Kinh Bắc bỗng "mọc" thêm tam quan

ANTD.VN - Một số du khách trở lại vãn cảnh chùa Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang) đã rất ngạc nhiên khi một trong những ngôi chùa cổ kính bậc nhất miền Kinh Bắc bỗng "mọc" thêm tam quan mới, được xây rất hoành tráng.

Chùa Bổ Đà được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016, là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền Kinh Bắc. Đây cũng là trung tâm phật giáo lớn của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bổ Đà có vườn tháp đẹp và lớn nhất nước. Hệ thống tượng Phật thời Lê bằng gỗ được lưu giữ khá đầy đủ ở đây, cùng với kho di sản Hán-Nôm phong phú như bia đá, hàng trăm cuốn kinh sách trong đó có bộ mộc bản kinh Phật thiền phái Lâm Tế cổ nhất Việt Nam, được khắc vào khoảng năm 1741. 

Điểm độc đáo của chùa Bổ Đà là chùa không có tam quan, dù có tới hai lớp cổng nối nhau bằng các trình tường bằng đất. Do vậy, việc chùa Bổ Đà có thêm tam quan mới làm dấy lên những lo lắng và ý kiến trái chiều trong giới nghiên cứu. Điều các nhà sử học lo lắng là sự xuất hiện của tam quan mới sẽ phá vỡ kiến trúc ban đầu của ngôi chùa cổ kính. Hơn thế, đây là di tích quốc gia đặc biệt, nên việc xây mới tam quan càng cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thấu đáo. 

Thế nhưng, theo thông tin từ UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, tam quan sẽ dự kiến được khánh thành vào giữa tháng 2 âm lịch năm Mậu Tuất (2018) trong dịp lễ hội của chùa Bổ Đà. Điều đó có nghĩa, tam quan được xây mới đã nằm trong lộ trình, chứ không thể là chuyện bỗng dưng.  

Theo ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) cho biết, việc xây dựng tam quan tại chùa Bổ Đà đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp phép từ năm 2016, khi đó chùa Bổ Đà còn là di tích lịch sử cấp quốc gia (chưa phải là Di sản lịch sử quốc gia đặc biệt). Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có kinh phí nên công trình phải tạm hoãn.

Cũng theo ông Lượng, việc xây tam quan chùa Bổ Đà đã có trong thiết kế từ khi khởi công xây  dựng chùa. Việc xây tam quan là khát vọng của tăng ni, Phật tử và nhân dân nơi đây nhằm hiện thực hóa ý tưởng xây dựng một công trình chùa Bổ Đà trọn vẹn.

Ông Nguyễn Đại Lượng còn cho biết, theo lịch sử, tam quan chùa Bổ Đà đã từng được tiến hành xây dựng, tuy nhiên, quá trình vận chuyển gỗ đã bị lũ cuốn khiến cho việc xây dựng tam quan không thực hiện được. Gỗ để dựng tam quan khi đó đã được người dân trục vớt để xây dựng ở hai chùa khác là chùa Đáp Cầu và chùa Yên Ninh cùng thuộc phái Lâm Tế thuộc hạ nguồn sông Cầu. Hiện nay, ở hai ngôi chùa này vẫn còn lưu giữ những cây gỗ được khắc hai chữ “Bổ Đà”.

Dù đã nhận được lời giải thích của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, tuy nhiên, không ít du khách và giới nghiên cứu vẫn tỏ ra tiếc nuối về khung cảnh cổ kính của ngôi chùa Bổ Đà đã ít nhiều thay đổi với sự xuất hiện của tam quan mới. 

Chùa Bổ Đà là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán-Nôm phong phú.

Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc. Chùa thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam tổ gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.

Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm: chùa cổ có tên là Bổ Đà Sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ; còn gọi là chùa Quán Âm), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê). Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương - có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).