Ngỡ ngàng trước hoa sưa

(ANTĐ) - Sau những trận mưa phùn dai dẳng, trời ẩm, mùa xuân dốn dắn níu những ngày cuối mùa ẩm ướt, bỗng một buổi sáng nắng xuân cuối chang chói, thứ nắng có màu sáng nhạt kiểu nắng đầu năm, gần trưa lại có chút gắt gắt kiểu nắng hạ; đi qua vườn hoa Chi Lăng, núi Nùng trong Bách Thảo, khách bộ hành vội thầm thốt lên: Đã mùa hoa sưa...

Ngỡ ngàng trước hoa sưa

(ANTĐ) - Sau những trận mưa phùn dai dẳng, trời ẩm, mùa xuân dốn dắn níu những ngày cuối mùa ẩm ướt, bỗng một buổi sáng nắng xuân cuối chang chói, thứ nắng có màu sáng nhạt kiểu nắng đầu năm, gần trưa lại có chút gắt gắt kiểu nắng hạ; đi qua vườn hoa Chi Lăng, núi Nùng trong Bách Thảo, khách bộ hành vội thầm thốt lên: Đã mùa hoa sưa...

Hoa sưa nở trắng toát trên các tán cây. Và hầu như độc chiếm một khoảng không gian, một khoảng xanh của cây cối. Rồi những cây sưa khác trong các vườn, các hè phố Phùng Hưng, Ngô Quyền..., ở gò Đống Đa, đầu đền Bà Kiệu, đối diện hồ Gươm, cũng òa nở trắng như những tán tuyết cây mùa đông như các nước xứ tuyết ở châu Âu, châu á. Tự nhiên, lòng thấy nao nao.

Người Hà Nội thường chú ý đến mùa hoa phượng đỏ phố, lúc hè sang, mùa hoa sấu ngan ngát chua chua, khi nở, những giọt hoa trắng li ti rơi trên vai áo. Gần đây là màu tím bằng lăng, hoa trĩu trịt đầy cành khiến những đường phố dài ngắn tím ngát màu hoa, làm dịu đi cái nắng oi ả mùa hè.

Song, thứ hoa sưa, dù đã có từ lâu, từ thế kỷ trước, từ lúc Hà Nội chưa rộng bát ngát như bây giờ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, những quận nội thành hiện nay, còn coi là ngoại thành; những Giảng Võ khi đêm về còn nghe tiếng ếch nhái, tiếng cuốc, thấy những mộng lúa đang vào thì con gái.

Hoa sưa phảng phất và kín đáo, nở rồi tàn. Lúc hoa gặp nắng mới òa ra đầy tán thì như tuyết phủ. Khi hoa tàn, rụng trước gió, nhất là những cơn gió nam trong buổi giao mùa, thổi lộng vào tháng ba, tháng trẻ con nhà quê có thể thả diều, hoa từ cây rụng, bay bay như một đàn bướm trắng.

Lại nhớ đến mùa nao, chiến đấu ở Trường Sơn, đang hành quân trên đường giao liên leo đèo, vượt dốc, chợt gặp một đàn bướm rừng, con đậu, con bay, trắng xóa bên lèn đá...

Mùa hoa sưa, tôi hay ngồi ở trước cổng đến Ngọc Sơn, nhìn sang đền Bà Kiệu, bên một gốc cây ven hồ. Lúc thì nhìn những du khách, áo ngắn, áo dài ra vào đến núi Ngọc; lúc lại nhìn sang phía mấy cây sưa đền Bà Kiệu đầy hoa trắng. Và, phía dưới tán hoa, những nữ sinh trường Trưng Vương, áo dài trắng, cắp cặp trong ngực, tốp đôi, tốp ba, vừa đi vừa trò chuyện tới trường.

Cái tà áo trắng của cô gái dậy thì Hà Nội gốc, đi dưới những tán lá hoa sưa ấy, đầy chất romantic. Cái chất lãng mạn ấy thấm vào mình từ thời trẻ, để đến mùa hoa sưa, nếu có mặt ở Hà Nội, thế nào cũng có một buổi lảng vảng ở đền Ngọc Sơn, để có những giây phút hoài niệm.

Hoa sưa nở trong lúc lá cũng còn đang vào độ tơ non, nên hoa át cả lá, nhìn xa khá đẹp, mà nhìn gần cũng đẹp. Hoa trên cây tụ hội chừng mươi lăm ngày rồi rụng dần. Dáng hoa rụng bay bay như bướm, cũng đầy gợi cảm, mà khi qua những đêm gió lặng hoặc gió nhẹ, hoa rụng trên vỉa hè, trên đường, trên thảm cỏ, vườn hoa, để lại một thảm hoa trắng, đón những bước chân thiếu nữ Hà Nội bước qua cũng khiến ai đó qua đường chứng kiến dễ ngẩn ngơ.

Một mùa hoa sưa ngắn ngủi qua đi, để lại những cảm nghĩ bâng khuâng về một loài cây có một loại hoa như là biểu trưng cho sự trinh trắng. Cánh hoa mỏng manh, thường chỉ muốn tụ lại bên nhau, chẳng muốn rời nhau. Hoa mong manh, kiêu sa, nhìn hoa lại có một chút lo lo thường gặp ở những vẻ đẹp, đó là những trớ trêu, trắc trở...

Có một độ, không biết từ đâu, thứ gỗ sưa, mà tên chữ Hán gọi là Hoàng (Huỳnh) Đàn, có nơi nào đó mua với giá khá cao, đến nỗi có những người đã đi đẵn trộm những cây sưa đem gỗ đi bán. Và cây sưa bỗng lên ngôi.

Người ta lo cho những mùa hoa sưa sau đấy ở Hà Nội. Nhưng may thay, ở trong nội thành, lâm tặc trở tay được cũng khó. Cho nên, những cây sưa cổ vẫn còn và mùa hoa sưa năm Sửu, người Hà Nội và du khách lại đến bên chiêm ngưỡng. Họ còn “nháy” những kiểu ảnh với những dáng sưa ban mai, lúc hoàng hôn, khi hoa đang rộ hoặc bay trong những cơn gió nam đầu mùa...

Và ở chân núi Tam Đảo, có những người trồng rừng, đã nhặt quả sưa đem về trồng được cả một vườn ươm nhỏ. Mai đây, những vạt rừng sưa mới, sẽ có mặt trên những trảng đồi trung du. Nếu như các phố thị đang mọc lên khá nhiều, cần đến một thứ cây khá đẹp này, mà gặp lúc “sốt gỗ” thì lại có tiền, khi khai thác, hẳn sẽ được đáp ứng. Và nỗi lo, mất dáng những màu hoa sưa ở Hà Nội cũng được vợi đi.

Ngô Văn Phú