Nghìn năm rực rỡ trên 2 bức khảm trai

(ANTĐ) - Cách đây 3 tháng, nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh đã thực hiện xong tác phẩm thứ nhất mang tên “Thiên đô chiếu” trong bộ hai bức khảm trai chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tới đây, người nghệ nhân trẻ sẽ nhanh chóng hoàn thành tác phẩm thứ 2 mang tên “Hiền tài nguyên khí chi quốc gia”. Cả 2 tác phẩm đều được nghệ nhân thực hiện khảm trai trên chất liệu gỗ gụ.

Nghìn năm rực rỡ trên 2 bức khảm trai

(ANTĐ) - Cách đây 3 tháng, nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh đã thực hiện xong tác phẩm thứ nhất mang tên “Thiên đô chiếu” trong bộ hai bức khảm trai chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tới đây, người nghệ nhân trẻ sẽ nhanh chóng hoàn thành tác phẩm thứ 2 mang tên “Hiền tài nguyên khí chi quốc gia”. Cả 2 tác phẩm đều được nghệ nhân thực hiện khảm trai trên chất liệu gỗ gụ.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Đình Vinh sinh năm 1976 tại thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Anh là một nghệ nhân trẻ nhưng đã có nhiều cống hiến, anh đoạt giải Nhất cuộc thi “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 1998 với tác phẩm “Chân dung Bác Hồ” trên nền đồng. Đây là hai tác phẩm nghệ thuật độc đáo được nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh dành thời gian hai năm thực hiện như một món quà ý nghĩa chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Mỗi tác phẩm đều đòi hỏi cần sự tinh tế, cẩn thận, kỳ công bằng đôi bàn tay khéo léo của một nghệ nhân lành nghề. Anh Vinh cho biết, xuất phát từ lòng yêu nghề và cũng để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh muốn thực hiện một vài tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa bởi đây là  thời điểm “nghìn năm có một.”

214 chữ Hán trong “Thiên đô chiếu” của Vua Lý Thái Tổ được nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh chạm khảm công phu bằng những mảnh trai, ốc vô cùng rực rỡ. Tấm chấn phong có từng đường nét chạm khảm thật tinh xảo hoàn mỹ, với chiều cao 205cm và bề ngang 195cm được đúc nong hai lượt khung. Bên trong là nền chính sau đó đến khung và được bao quanh bởi một vòng chiện hóa rồng rất cầu kỳ, cách điệu và kỹ thuật. Phía trên tấm chấn phong là cặp rồng chầu mặt nguyệt. Thời nhà Lý tượng trưng niên đại, phần dưới chân được tạc 5 con dơi tượng trưng ngũ phúc.

Toàn tấm chấn phong được trụ trên thế chân kiềng, mỗi đầu 3 chân rất bệ vệ và vững chắc. Phần chữ của Thiên đô chiếu được khảm bằng chất liệu ốc sà cừ biển màu hồng của Singapore được nghệ nhân chọn lựa kỹ lưỡng, công phu với nhiều thời gian. Đặc trưng nhất của loại ốc này là khi quan sát chúng ở 3 góc khác nhau thì ta sẽ thấy 3 màu sắc rất khác nhau. Phần gỗ đã được sấy khô, chọn lọc kỹ lưỡng nên sẽ rất đảm bảo khi thời tiết hanh khô, được những người thợ đục chạm lành nghề và nhiều kinh nghiệm nhất thực hiện.

Còn phần khảm chữ do chính tay nghệ nhân đảm nhiệm, với đường cưa khéo léo, linh hoạt và tinh xảo cho từng chữ (chữ Hán của nước Đại Việt khi ấy). Chúng được gắn bằng chất liệu sơn ta rất đảm bảo độ bền chắc về thời gian. Toàn bộ chữ của “Thiên đô chiếu” được Học đường phương Nam ông Trần Đức Cảnh - thành viên Hội thư pháp Việt Nam phụng sao lưu bút. Toàn bộ kết cấu tấm chấn phong, khung kép được trang trí, chạm khắc nhiều hoa văn với đường nét tinh xảo mang bản sắc văn hóa thời Lý. Chi phí để hoàn thiện tác phẩm là 150 triệu đồng.

Sau khi hoàn thành “Thiên đô chiếu” anh Vinh tiếp tục dồn công sức cho tác phẩm “Hiền tài nguyên khí chi quốc gia” trên chất liệu gỗ gụ - một bức khảm trai dài 2,76m, cao 1,4m. Bức tranh tái hiện lại quang cảnh một xã hội thu nhỏ của người xưa, miêu tả các sinh hoạt cày cấy, họp chợ, thuyền chài đánh bắt cá, trạng nguyên về làng. Người nghệ sỹ đã dồn hết tất cả tâm huyết để thực hiện 2 bức khảm trai cũng là 2 món quà đầy ý nghĩa chào mừng Đại lễ nghìn năm của dân tộc.

Anh chia sẻ, “Thiên đô chiếu” sẽ được trưng bày trong Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trong tháng 10-2010 tới. Và được truyền hình trực tiếp tại chương trình Trí tuệ Thăng Long Hà Nội. Sản phẩm này sẽ đem đến cho người chiêm ngưỡng sự bất ngờ lớn về mặt mỹ thuật cũng như kỹ thuật. Đây là một sản phẩm mà anh đã thực hiện hết sức tâm huyết, cẩn trọng về tất cả mọi mặt, về từng công đoạn, từng chi tiết nhỏ. Cũng có thể nói đây là một công trình to lớn trong sự nghiệp của người nghệ nhân trẻ Nguyễn Đình Vinh.

Dự kiến sau khi hoàn thành, hai tác phẩm độc đáo này sẽ được đưa đi dự thi Chương trình phố nghề, làng nghề Thăng Long - Hà Nội để mọi người chiêm ngưỡng, đánh giá, đồng thời cũng quảng bá nghề khảm trai của địa phương.

Bằng Minh