Nghìn năm lắng hồn…
(ANTĐ) - Thăng Long - Hà Nội, giữa hai tên Kinh đô và Thủ đô chỉ là một gạch nối nhỏ, ngắn ngủi vô cùng. Nhưng gạch nối thời gian thì kéo dài tới cả nghìn năm, tròn mười thế kỷ.
Một năm là 365 ngày. Một thế kỷ là 36.500 ngày. Mười thế kỷ tức là 365.000 ngày. Ai đếm được đã trải qua bao lần bể dâu, bao cuộc binh đao máu lửa nơi “Thăng Long phi chiến địa”? Có sử gia nào phục dựng được không gian ba chiều Thăng Long từ thuở Lý Thái Tổ đọc Chiếu dời đô. Hoa Lư chọn thế đất rồng cuốn, hổ chầu tạo dựng Kinh đô Đại Việt nghìn năm vững âu vàng với ước vọng và khát vọng Thăng Long - Rồng bay? Từ năm 1010 đến năm 2010, trải qua bao triều đại Lý, Trần, Lê; từ Đại La đến Thăng Long, rồi kẻ chợ qua thời thuộc Pháp tới Hà Nội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Một nghìn năm ấy, một bộ sử đồ sộ hàng nghìn trang cũng không đủ.
Có thể trong dịp Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội nghìn năm, thế hệ hôm nay sẽ được dịp xem “diễn sử” hoành tráng, từ thuở Lý Thái Tổ kiến tạo Thăng Long. Nhưng lịch sử không thể tái hiện chỉ trong vài giờ trên sân khấu. Lịch sử là mưa phùn thấm lâu ngấm vào mỗi con người từ khi cắp sách tới trường đến khi bạc tóc. Chợt nhớ, khi phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long, có một nhà sử học lặn lội từ nước ngoài về cứ tha thẩn, mê mẩn không muốn dứt ra khỏi khu di tích cho dù trời đã sập tối.
Ông bảo, ở bên Nhật, các chuyên gia và các sử gia đã dựng được không gian ba chiều cố đô Kyoto. Họ nói, nếu tái hiện không gian ba chiều Hoàng thành Thăng Long thì Kyoto chưa chắc đã sánh nổi. Hoàng thành - Thăng Long đâu có thua kém gì Tử Cấm Thành bên Trung Hoa! Lịch sử thăng trầm, vật đổi sao dời, sông bên lở bên bồi, trăng tròn rồi trăng khuyết, làm sao có thể tái hiện được những điện Kính Thiên, tháp Bảo Thiên, những lầu son gác tía, thành quách nguy nga tráng lệ mà trong một cuộc hỏa chiến kinh thành cháy rụi hàng tháng trời. Làm sao dựng được không gian ba chiều, những đoàn chiến thuyền san san cờ xí uy nghi trên hồ Lạc Thủy, những thương cảng, thương điếm dập dìu trên bến dưới thuyền nơi Chương Dương, Hàm Tử Quan.
Một nghìn năm Thăng Long giờ còn lại gì cho hậu thế hôm nay? “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long…” càng thêm xót xa ứa lệ tiếc thương những di sản quý báu, vô giá, những công trình kiến trúc của một thời Thăng Long huy hoàng, rực rỡ của tổ tiên hầu như không còn tồn tại để cho con cháu hôm nay được chiêm ngưỡng, được hãnh diện, tự hào. Ngay cả trong tâm tưởng thế hệ nghìn năm sau cũng không có sách sử nào, bộ phim lịch sử nào để có thể hình dung, tưởng tượng tầm vóc Thăng Long nghìn năm trước như thế nào. Ai có dịp được đặt chân đến Bắc Kinh, Mátxcơva, Kyoto, Saint Peterburg… những kinh thành mà tuổi đời còn kém xa Thăng Long, mà không khỏi chạnh lòng nghĩ về Kinh đô Thăng Long khuất “bóng tịch dương”.
Lẽ thường, một triều đại thường để lại cho đời sau những công trình kiến trúc bề thế, những cung điện, lâu đài, lăng mộ… có thể trường tồn cùng thời gian. Một nghìn năm đã trôi qua, thời gian khắc nghiệt và chiến tranh dường như đã tàn phá không còn để lại trên mặt đất dấu ấn của nghìn năm. Song, có lẽ điều thiêng liêng nhất và vô giá còn lại mãi cho hậu thế, cho nghìn năm sau là mảnh đất thiêng này ngàn năm lắng hồn núi sông. Có thể mai này chúng ta sẽ dựng lại một góc điện Kính Thiên hay một góc Cấm thành, nhưng điều mà tổ tiên để lại cho hôm nay nằm sâu trong những thứ “phi vật thể” không thể nhìn thấy. Đó là những giá trị tinh thần trường tồn, bất biến. Là khí phách niềm tự hào sáng chói hội tụ, kết tinh của cả dân tộc Việt. Nhớ mãi buổi chiều xẩm tối đứng cùng nhà sử học nọ bên đôi rồng đá trong khu vực Hoàng thành.
Ông đã từng tới thăm những kinh đô nổi tiếng trên thế giới và gặp gỡ không ít sử gia của các nước. Ông nói, họ đều biết thông tin về Hoàng thành Thăng Long. Trong con mắt nhà sử học nhìn thấu suốt bề dày lịch sử hàng thế kỷ, họ đúc kết rằng, rất nhiều nền văn minh trên thế giới hiện đại để lại những công trình kiến trúc được xếp hạng di sản thế giới. Tuy nhiên, cái gạch nối từ quá khứ đến hiện tại lại là một khoảng trống, một khoảng cách đáng phải suy nghĩ. Tài sản, di sản của đời trước để lại cho đời sau, dường như chỉ được “ngắm nghía”, chiêm ngưỡng, thán phục với những kim tự tháp, cung điện, đền đài.
Đương nhiên đó là những di sản vô giá nhưng chỉ có thế thôi sao? Cái di sản, tài sản “vô hình” để lại cho đời sau là gì? Phải chăng nó nằm trong trái tim, tâm hồn, trí tuệ của hậu thế, của mỗi con người. Thoáng nét ưu tư, nhà sử học trầm ngâm: “Ví như ông bà, cha mẹ nếu có để lại cho con cháu biệt thự, nhà lầu, xe hơi hay vàng bạc, tiền của, thử hỏi con cháu có sống được mãi hay không? Cái để lại vô giá cho đời sau hình như là ở trong đầu, trong tâm và trong trí lực”…
Đi ngược dòng thời gian, tìm về quá khứ hay nuối tiếc quá khứ, e rằng nặng lòng hoài cổ. Dòng chảy lịch sử từ đầu nguồn Thăng Long suốt một nghìn năm lắng đọng bao “phù sa” tinh chất nơi đất thiêng Hà Nội. Qua bao ghềnh thác lịch sử, đến năm thứ một nghìn này, con cháu hôm nay có thể không hổ thẹn với tổ tiên đã được thừa hưởng và kế tục tài sản tinh thần vô giá: cốt cách, khí phách Thăng Long. Một Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mùa đông 1946. Một Hà Nội ngẩng cao đầu đương đầu 12 ngày đêm với pháo đài bay B-52 tháng 12-1972.
Những người con Hà Nội để lại “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” lên đường chống Mỹ cứu nước. Quá khứ là một dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ tới hiện tại. Hà Nội hôm nay đổi thay từng ngày, từng tháng, từng năm đến mức không thể nhận ra. Có thể chưa sánh được với các thủ đô hiện đại ở khu vực và thế giới và có thể Hà Nội chưa được bề thế ngay cả so với kinh thành Thăng Long cổ kính xưa, nhưng những gì được tạo dựng bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu thật đáng nâng niu, trân trọng và giữ gìn.
Bảo tồn giữ gìn không chỉ di sản vật thể như phố cổ Hà Nội, hàng trăm biệt thự, cầu Long Biên bắc qua bờ hai thế kỷ; bảo tồn giữ gìn làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân, làng cốm Vòng, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, những dòng sông Tô Lịch, Kim Ngưu… cho tới mỗi gốc cây, ngọn cỏ. Tất cả đều “lắng hồn” đều có “hồn vía” lịch sử. Nhưng bảo tồn và giữ gìn khó nhất, có lẽ là giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội.
Bởi vì văn hóa là gốc của dân tộc, mất văn hóa là mất gốc. “Gốc” văn hóa đã cắm rễ sâu trên tầng đất dày ngàn năm văn hiến. Vậy thì, nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, “gốc” văn hóa ấy phải ngày càng bền vững, tươi tốt, tỏa bóng trùm lên cả không gian và thời gian. Hà Nội giờ đã mở rộng địa giới hành chính, có nghĩa là “gốc” văn hóa có thêm “đất” màu mỡ, xứ Đoài cho cây vươn cành, vươn tán, tỏa bóng rộng hơn. “Văn hóa là sự tỉnh táo trong kinh tế”, một nhà kinh tế học phương Tây nhiều lần tới Hà Nội, có nói như thế. Ông tiếc rằng không được ở lại Hà Nội vào dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Ông tiếc hơn là: “Các bạn đừng để làn sóng đô thị hóa, kinh tế hóa cuốn đi những giá trị tinh thần, văn hóa truyền thống. Hà Nội hấp dẫn người nước ngoài chúng tôi là không khí văn hóa, là con người Hà Nội mà không nơi nào có được. “Đi nửa vòng quanh hồ Gươm, ông nhìn thẳng vào mắt tôi, nói: “Giá như Hà Nội bớt bụi khói, bớt rác thải và ý thức tham gia giao thông văn minh hơn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người, như tôi sang đây sống đến hết đời”.
Tôi chỉ biết cúi đầu im lặng. Rồi tôi chợt ngước lên tượng đài Lý Thái Tổ uy nghi một góc trời. Có vầng mây trắng như từ ngàn năm xưa vẫn còn đó “Bạch vân thiên tải không du du…”. Có phải rồng Thăng Long đã bay lên, ẩn trong mây? Hay chỉ là tôi tưởng tượng, mơ ước?
Đan Thanh