Nghiệp chèo khó phai

(ANTĐ) - Cả đời đổ mồ hôi trên sàn tập, đắm mình với từng vai diễn, và cũng từ sân khấu, người nghệ sĩ ấy đã đón nhận những vinh quang mà nghề đem lại. Giờ hễ có một vở chèo nào của thời bấy giờ được phục dựng, nhiều người lại nhớ đến NS Quốc Chiêm, lại so sánh và trông chờ sự trở lại của “Hoàng tử Pơ liêm” một thời…

 Nghệ sĩ Quốc Chiêm:

Nghiệp chèo khó phai

(ANTĐ) - Cả đời đổ mồ hôi trên sàn tập, đắm mình với từng vai diễn, và cũng từ sân khấu, người nghệ sĩ ấy đã đón nhận những vinh quang mà nghề đem lại. Giờ hễ có một vở chèo nào của thời bấy giờ được phục dựng, nhiều người lại nhớ đến NS Quốc Chiêm, lại so sánh và trông chờ sự trở lại của “Hoàng tử Pơ liêm” một thời…

NS Quốc Chiêm
NS Quốc Chiêm

Giờ thì NS Quốc Chiêm đang giữ cương vị Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội. Công việc anh đang làm là quản lý các hoạt động nghệ thuật trên địa bàn thành phố, lâu lâu mới được “trưng dụng” trở lại “sân khấu”. Lúc vào vai vua Lý Thái Tổ, tuyên đọc “Chiếu dời đô” nhân Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Khi lại vào vai Quang Trung Nguyễn Huệ tuyên đọc “Chiến tụng Đống Đa phú” trong lễ kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa…

Rồi trong Liên hoan nửa thế kỷ sân khấu, anh vào vai Nguyễn Nhạc trong trích đoạn vở “Ngọc Hân công chúa” của Nhà hát chèo Hà Nội, rồi đứng sau cánh gà đọc mấy câu thơ, khán giả ngồi dưới thì thầm, “tiếc quá, giá ông Chiêm vẫn theo nghiệp chèo…”. Hỏi vui NS Quốc Chiêm, giờ làm quản lý rồi, tình yêu dành cho chèo có phai nhạt không? Anh cứ cười rồi thủng thẳng đáp, sân khấu chèo đã ngấm vào từng hơi thở, cả tiếng nói và bước đi, cũng đã đến cả nửa đời người, đâu dễ phai được.

Khi còn nhỏ, ai cũng từng có một vài ước mơ về nghề nghiệp, nhưng với NS Quốc Chiêm, anh chỉ có một ước mơ duy nhất:  “theo nghiệp hát”. Mới 9-10 tuổi đầu nhưng hễ cứ ai hỏi thích làm gì, câu trả lời của anh gần như một phản xạ “cháu đi văn công cơ”. Gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng anh lại được sinh ra trên quê lúa Thái Bình- một trong những chiếu chèo có tiếng ở đất Bắc, lại thêm ông trời ưu ái cho giọng hát ngọt ngào, ước mơ thời thơ ấu rốt cuộc cũng thành hiện thực.

Tốt nghiệp Khóa C - Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh) từ năm 1979, anh về đầu quân cho Đoàn chèo Hà Nội (nay là Nhà hát Chèo Hà Nội). Nhìn lại chặng đường đã qua, NS Quốc Chiêm bảo, anh là người may mắn. Chân ướt chân ráo về Đoàn, trước mặt anh khi đó toàn cây đa cây đề trong nghề diễn, nào nghệ sĩ Quý Bôn, Xuân Quân, Mạnh Phóng, Hoàng Tân, Đức Thuận…Trẻ tuổi đời, trẻ cả tuổi nghề, anh chỉ được đảm nhận những vai kíp 3, kíp 4… Song, cũng chính nhờ tuổi trẻ, anh đã được tạo cơ hội để khẳng định tài năng của mình với vai diễn chính đầu tiên - Lân - trong vở chèo “Người con gái trở về”- tác giả kịch bản Lưu Quang Vũ, công diễn vào năm 1982.

Nghệ sĩ Quốc Chiêm trong vở “Nàng Sita”- công diễn năm 1983
Nghệ sĩ Quốc Chiêm trong vở “Nàng Sita”- công diễn năm 1983
 

Nhưng gương mặt và giọng ca của Quốc Chiêm chỉ được khán giả thực sự nhớ đến khi anh vào vai Hoàng từ Pơ liêm trong “Nàng Sita” của Lưu Quang Thuận. Đó là một vai diễn nhiều tâm trạng, mặt này yêu thương, mặt kia nghi ngờ và thù hận. Đóng cặp với anh là nghệ sĩ Lâm Bằng, thời điểm đó, “Nàng Si ta” đã lấy của khán giả nhiều nước mắt.…Cũng với vở này, một ngày Đoàn chèo Hà Nội có tới 3 suất diễn, khán giả ùn ùn kéo nhau tới rạp…

Rồi cũng từ đó, tên tuổi của NS Quốc Chiêm tiếp tục tỏa sáng với vai diễn Hoàng tử trong vở chèo “Tấm Cám”, Quốc Phong trong vở “Biển khổ”, Quang Trung Nguyễn Huệ trong vở “Ngọc Hân công chúa”… Hỏi về bí quyết thành công, Quốc Chiêm đem sân khấu ra so sánh với sân cỏ. Sự thành công của một trận đấu, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, sự cổ vũ của khán giả, phối hợp nhịp nhàng giữa tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ, thủ môn…

Người diễn viên chỉ là một mắt xích trong sự thành công của cả vở diễn, và đương nhiên nghề nào cũng thế, sân cỏ cũng như sân khấu, để chạm đến thành công, không bao giờ thiếu đi sự khổ luyện, những giọt mồ hôi và cả nước mắt. Thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam cũng là lúc cả đất nước chuyển đổi cơ chế, khó khăn chất chồng. Bữa ăn giữa những suất diễn của diễn viên khi đó chỉ là một cái bánh mỳ, phục trang phải tự sắm lấy.

Cũng có khi tối mới diễn, nhưng diễn viên bảo nhau hóa trang từ chiều, rồi cứ để mặt mũi, quần áo đầu tóc thế mà ngẫm nghĩ, định thần cho vai diễn buổi tối… NS Quốc Chiêm đúc kết kinh nghiệm rằng, đã theo nghiệp diễn, đừng ai vỗ ngực rằng mình thành công. Đó là nghề luôn cần sự học hỏi, sự góp ý từ bạn diễn, từ những người đi trước. Càng nghiêm khắc với chính bản thân mình thì càng thành công.

Bây giờ, mỗi khi ngẫm về sân khấu chèo hiện tại, NS Quốc Chiêm bảo: “thấy buồn”. Buồn vì khán giả thưa vắng, môn nghệ thuật truyền thống vốn ít được đầu tư, không thể đủ sức cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật sôi động khác. Lớp trẻ bây giờ nhiều người tài, nhưng ít được đầu tư có bài bản, hơn nữa, nghề nghiệp không đủ nuôi sống bản thân họ và gia đình, nên thành ra, nhiều người nảy sinh tâm lý “chân ngoài chân trong”.

Xưa, để học được một câu hát, diễn viên trẻ phải “xin thầy chỉ cho con một ít nghề”, giờ là trao truyền. Nhiều lúc, nhận thấy tài năng tiềm ẩn ở một vài diễn viên trẻ, thầy phải đề nghị trò học. Thế mà còn chưa xong, vẫn cứ  nhấm nhẳng, “thầy chỉ nhanh lên em còn về có việc”… Thôi thì, cái gì cũng có thời, thời hoàng kim của sân khấu chèo đã qua. Chả dám mơ ước gì, chỉ mong sao chèo vẫn được duy trì, đừng phai nhạt theo thời gian. Còn về mình, NS Quốc Chiêm tự nhận rằng, “tôi là người may mắn và gặp thời”.

Quỳnh Vân