Nghịch lý bản quyền (1): Mất tiền để "mua"... cục tức

ANTD.VN - Đầu tư chi phí và trí tuệ cho sản phẩm hấp dẫn, để kinh doanh bản quyền, nhưng thứ mà nhóm Truyền thông Trăng Đen nhận được lại là rất nhiều "cục tức". Bởi bên cạnh một số đối tác nghiêm túc trả tiền để được cấp quyền sử dụng, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác đã ngang nhiên đánh cắp bản quyền, và coi đó như điều... hiển nhiên của thời "lên internet, cái gì cũng có".

Hành trình tạo nên bộ tranh Tết "bị vi phạm bản quyền nhiều nhất"

Cuối năm 2015, ông Nguyễn Ngọc Long - nhà sáng lập Truyền thông Trăng Đen - tổ chức 2 lớp học truyền thông chuyên nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM.

Thời điểm gần khi tốt nghiệp cũng gần Tết Nguyên đán nên hai lớp này muốn có hoạt động thực tế trong truyền thông, nên đã quyết định làm nội dung có tác động tích cực tới xã hội, với chủ đề liên quan đến Tết.

Bức tranh bị vi phạm bản quyền nhiều nhất trong bộ tranh Tết xưa

"Sau nhiều lần bàn bạc, cả lớp chúng tôi đã quyết định sẽ thực hiện bộ tranh Tết xưa - Tết nay với nhiều ý nghĩa gửi gắm trong đó. Liên quan tới hoạt động này, bên cạnh bộ tranh, Truyền thông Trăng Đen còn thực hiện cuốn sách 'Tết xưa chưa mất' và lập Facebook Fanpage, website liên quan để quảng bá", ông Nguyễn Ngọc Long cho biết.

Để hiện thực hóa kế hoạch trên, ông Long đã đầu tư kinh phí để thuê họa sĩ vẽ tranh, dựa trên ý tưởng của các học viên và bản thân nhà sáng lập này.

Ông Long chia sẻ, mỗi bức trong bộ tranh Tết xưa - Tết nay là cả sự đầu tư trí tuệ, bàn bạc của tập thể. Chẳng hạn như khi nhắc về Tết xưa, người ta sẽ liên tưởng ngay tới sự đầm ấm sum họp và sẻ chia. Nhưng khi diễn tả Tết nay với hình ảnh mỗi cá nhân "selfie" thì lại dễ liên tưởng tiêu cực về sự cá nhân hóa quá mức. Và mọi người đã bàn bạc, hướng tới giá trị tích cực bằng cách thể hiện cả nhà selfie cùng nhau.

Một bức trong bộ tranh Tết xưa của Truyền thông Trăng Đen

Hay ở bức tranh gội đầu, ban đầu, cả nhóm định lấy hình ảnh thiếu nữ bên chậu bồ kết, mùi già, nhưng sau đó đã bổ sung ảnh người bà gội đầu cho cháu để tăng cảm xúc gia đình...

"Với những ý nghĩa đằng sau như vậy, tôi và nhóm đều nêu cao yếu tố bảo vệ bản quyền, vì đó là công sức của trí tuệ và đầu tư. Nếu ai không hiểu thì mới hỏi rằng tại sao chúng tôi lại làm chặt chẽ vấn đề bản quyền như vậy", ông Long cung cấp cho PV.

Gồm những người làm truyền thông chuyên nghiệp, Truyền thông Trăng Đen đã gắn Watermark (dấu bản quyền) một cách khéo léo vào từng bức tranh, để không ảnh hưởng tới nội dung song vẫn giúp mọi người biết nguồn gốc và thông tin của nơi nắm giữ bản quyền (Watermark ghi trang web tetxua.vn).

Sau đó, Truyền thông Trăng Đen đã tiến hành kinh doanh bản quyền và cấp quyền sử dụng bộ tranh cho hơn 10 đơn vị, doanh nghiệp.

Tranh đẹp, dễ thương nên... bị ăn cắp tràn lan

Do có kinh nghiệm kinh doanh bản quyền, đơn vị nắm giữ quyền kinh doanh bộ tranh Tết xưa đã liên tục rà soát, để phát hiện những trường hợp vi phạm, từ đó khiếu nại, yêu cầu tôn trọng bản quyền.

"Mặc dù nỗ lực nhưng chúng tôi vẫn phải ghi nhận vô số trường hợp vi phạm bản quyền, đặc biệt trong thời gian gần Tết nguyên đán. Các nơi vi phạm đã dùng hình ảnh của bộ tranh Tết xưa mà không xin phép, để đăng trang trí biển hiệu, căng panô, làm phông nền chụp ảnh, in phong bì lì xì... Khi liên hệ, có những nơi vi phạm tỏ ra hồn nhiên, khi cho rằng 'tranh đẹp, dễ thương' nên lấy về dùng. Đó là lúc chúng tôi cảm thấy thực sự bức xúc, khi đã mất công đầu tư tiền bạc và trí tuệ nhưng lại thu về 'cục tức'. Tất nhiên, chúng tôi luôn quyết làm rõ tới cùng để bảo vệ quyền lợi", đại diện Truyền thông Trăng Đen cho hay.

Hình ảnh vi phạm bản quyền được in khổ lớn, đặt tại vị trí sảnh của Trung tâm Panasonic Risupia Việt Nam cho mọi người chụp lưu niệm, trước khi có thông báo khiếu nại bản quyền

Trường hợp vi phạm bản quyền gần đây nhất là tại Trung tâm Panasonic Risupia Việt Nam (số 90 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội) của Tập đoàn Panasonic Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Long cho hay, vào ngày 20-1-2019, ông và cộng sự tình cờ nhận được hình ảnh của người bạn chụp tại trung tâm nói trên, trong đó phần backdrop (hình nền cỡ lớn để mọi người tới chụp ảnh) dùng bức tranh nổi tiếng trong bộ Tết xưa.

Sau khi rà soát, Truyền thông Trăng Đen khẳng định Panasonic Việt Nam chưa hề liên hệ để mua quyền sử dụng hình ảnh kể trên. Công ty nắm giữ bản quyền này đã lập tức tiến hành thu thập dữ liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc xâm phạm bản quyền.

Ông Nguyễn Ngọc Long - Sáng lập Truyền thông Trăng Đen - chụp ảnh cạnh backdrop vi phạm bản quyền

Tiếp theo, ông Nguyễn Ngọc Long đã trực tiếp liên hệ với phía Panasonic Việt Nam để khiếu nại, song cách phản ứng ban đầu của tập đoàn này khiến đơn vị nắm giữ bản quyền rất bức xúc.

Câu chuyện khiếu nại và giải quyết bản quyền giữa Panasonic Việt Nam và Truyền thông Trăng Đen chắc chắn sẽ mang tới những thông tin hữu ích cho độc giả, trong bối cảnh tình trạng vi phạm bản quyền đang xuất hiện tràn lan hiện nay, và nhận thức của những người trong cuộc còn tồn tại nhiều hạn chế.

Mời độc giả đón đọc kỳ sau:

Nghịch lý bản quyền (2): Nhận sai, nhưng luôn... đổ lỗi (?!)