Nghệ thuật rối Việt làm xiêu lòng người Mỹ

(ANTĐ) - Gần một nghìn nhân vật rối với những gương mặt biểu cảm có mặt tại tòa nhà danh tiếng bậc nhất Thủ đô Washington DC (Hoa Kỳ) đã để lại trong lòng người dân Mỹ những ấn tượng đẹp về tâm hồn Việt, con người Việt. “Những con rối nước Việt Nam đã làm xiêu lòng người Mỹ” – nghệ sĩ Chu Lượng đã nói như vậy khi anh vừa từ Mỹ trở về sau một cuộc triển lãm thành công.

Nghệ thuật rối Việt làm xiêu lòng người Mỹ

(ANTĐ) - Gần một nghìn nhân vật rối với những gương mặt biểu cảm có mặt tại tòa nhà danh tiếng bậc nhất Thủ đô Washington DC (Hoa Kỳ) đã để lại trong lòng người dân Mỹ những ấn tượng đẹp về tâm hồn Việt, con người Việt. “Những con rối nước Việt Nam đã làm xiêu lòng người Mỹ” – nghệ sĩ Chu Lượng đã nói như vậy khi anh vừa từ Mỹ trở về sau một cuộc triển lãm thành công.

- Cơ hội của cuộc triển lãm này đến với anh như thế nào?

Nghệ thuật rối độc đáo của Việt Nam đã níu kéo những người Mỹ
Nghệ thuật rối độc đáo của Việt Nam đã níu kéo những người Mỹ

- Hoàn toàn ngẫu nhiên. Đây là một sự kiện văn hóa do Tuần báo “Thế giới”, cơ quan ngôn luận của Bộ Ngoại giao tổ chức nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết. Sự có mặt của tôi cũng là một sự tình cờ. Anh Nguyễn Á Phi - người đứng ra tổ chức cuộc triển làm này đã từng nói rằng “anh ấy mừng như bắt được vàng” khi bắt gặp cuộc triển lãm của tôi ở Hà Nội mang tên “Nhân gian”. Anh ấy đã tìm đến nhà hát liên hệ với tôi.

- Rối nước Việt Nam đã nhiều lần đi Mỹ, nhưng những con rối được biểu đạt bằng nghệ thuật đương đại dưới hình thức “sắp đặt” thì có lẽ đây là lần đầu tiên?

- Cuộc triển lãm này là một không gian văn hóa đương đại thể hiện nền văn minh lúa nước. Đây là lần đầu tiên những con rối thuần khiết với những gương mặt rối đầy biểu cảm hồn nhiên trong vai những người nông dân bình dị được sắp đặt cùng những công cụ lao động, những vật dụng hàng ngày rất gần gũi với người nông dân Việt Nam. Sinh hoạt thường nhật của người nông dân Việt Nam đã được tái hiện lại qua những gương mặt rối làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn người Việt, làm toát lên nét văn hóa độc đáo của nền văn minh lúa nước của Việt Nam.

- Như vậy có nghĩa đây chính là phiên bản của triển lãm “Nhân gian” mà anh từng thể hiện ở Hà Nội?

- Về tinh thần thì như vậy, nhưng lần này những con rối ấy được thể hiện ở một không gian khác, không gian hoàn toàn mới. Và đặc biệt là được hỗ trợ bởi những bức ảnh đen trắng của hai nhà nhiếp ảnh Việt Thanh và Hoài Linh. ở trong những bức ảnh ấy có những nụ cười và những cảnh sinh hoạt đời thường của người Việt. Những bức ảnh tuyệt vời đã hòa quyện vào những con rối và tạo nên một hiệu ứng nghệ thuật đặc sắc. Nó có sức lan tỏa mạnh mẽ về văn hóa.

- Vậy những con rối của anh có níu chân những người dân Mỹ?

- Tôi rất xúc động khi thấy những người dân Mỹ đứng lặng đi để nhìn ngắm những con trâu, những cảnh đồng quê của Việt Nam. Họ chạm tay vào những con rối, họ tiếp nhận văn hóa độc đáo của Việt Nam. Tôi cảm nhận được một điều rằng, người Mỹ đến với cuộc triển lãm này bằng những nụ cười thân thiện. Bởi khi bước vào không gian của triển lãm, người xem được đón chào bằng những nụ cười, những gương mặt trong sáng và cô đọng nhất của những con rối nước Việt Nam. Trước cuộc triển lãm này, tôi cùng với nhà văn Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Lương Tử Đức đã mang hơn hai trăm con rối đi giới thiệu và nói chuyện về nghệ thuật rối nước Việt Nam ở các trường trung học tại Mỹ. Và, họ đã nói với tôi rằng: “ông hãy quay lại đây với chúng tôi và lại mang những con rối này giới thiệu cho học sinh của chúng tôi để chúng tôi biết được nét văn hóa độc đáo của đất nước Việt Nam. ông có thể chọn thời điểm thích hợp nhất mà ông muốn”.

Nghệ sĩ Chu Lượng
Nghệ sĩ Chu Lượng

- Điều gì làm anh ấn tượng với những người dân Mỹ?

- Có rất nhiều người Mỹ đến xem cuộc triển lãm này và đã hỏi tôi những câu hỏi thú vị. Có một giáo sư người Mỹ đã nói với tôi rằng ông ấy đọc rất nhiều sách để tìm hiểu về nền văn minh lúa nước Việt Nam và ông ấy có hỏi nền văn minh lúa nước có từ đâu. Tôi đã trả lời ông ấy là: Nền văn minh lúa nước xuất phát từ tâm hồn người Việt – những con người của dân tộc tôi. Ông ấy đã nói rằng thật tuyệt vời và ông sẽ tiếp tục tìm hiểu về một đất nước có nền văn hóa độc đáo này. Người Mỹ họ rất trân trọng bản sắc văn hóa và họ luôn muốn tìm hiểu về nó. Tôi đã tặng cho họ những con rối nhỏ để làm kỷ niệm.

- Chắc là trong chuyến đi này có quá nhiều kỷ niệm đối với anh?

- Đối với tôi, có lẽ đây là một chuyến đi nhiều ý nghĩa. Tôi đã vinh dự được giới thiệu với bạn bè thế giới về nền văn hóa của Việt Nam. Tôi được gặp gỡ đồng bào Việt kiều mình bên đó, xa quê lâu ngày nên khi gặp lại những hình ảnh thôn quê của Việt Nam, kiều bào ta xúc động lắm. Và một kỷ niệm rất đáng nhớ đối với tôi là hôm Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm triển lãm, Chủ tịch chúc mừng tôi và gọi tôi lại cùng chụp ảnh lưu niệm. Còn Phó Thủ tướng Nguyễn Gia Khiêm đã bắt tay tôi và nói rằng: “Cuộc triển lãm rất bản sắc và hãy cố gắng giữ gìn bản sắc”. Đối với tôi, đó chính là sự động viên rất lớn để tiếp tục sáng tạo, để giữ lấy vẻ đẹp thuần khiết của nghệ thuật rối nước Việt Nam.

- Sau cuộc triển lãm này, những con rối của anh có tiếp tục xuất ngoại?

- Có lẽ nó lại sang Mỹ một lần nữa để đến với các trường đại học theo lời mời của họ. Tôi còn muốn giới thiệu nghệ thuật rối nước đến với nhiều nước trên thế giới. Song có một điều tôi mong muốn hơn nữa là truyền lại nghệ thuật rối trên ngay chính đất nước mình, bởi không phải ai cũng tường tận về nghệ thuật rối truyền thống.

Đinh Hương Bình (Thực hiện)