Nghệ thuật hay "thảm họa"

ANTD.VN - Trong thời gian vừa qua, các công trình nghệ thuật công cộng tiêu tốn nhiều tiền của liên tiếp ra đời nhưng người dân chưa thấy hài lòng cũng bởi thiếu bàn tay của giới chuyên môn…

Bỏ qua ý kiến chuyên môn hoặc không cần sự tham vấn của giới làm nghề trong việc xây dựng các công trình công cộng chẳng khác nào việc thiết kế một ngôi nhà mà không có kiến trúc sư. Chính vì thế, hết công trình này đến công trình khác, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi “thảm họa” về những dự án nghệ thuật công cộng. 

Đôi rồng Pikachu của Hải Phòng

Gần Tết, nhà nhà đang tất bật với công việc chuẩn bị đón Tết, nghinh xuân. Ấy thế mà mấy ngày vừa qua, dư luận lại có dịp dậy sóng với hình ảnh đôi rồng tại đường Lê Hồng Phong, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Người ta cắm lên hai con rồng được tạo hình bằng cây xanh thứ hoa giả màu mè để tạo kiểu cách, nhưng lại vô tình đẩy đôi rồng vào tâm điểm của những chỉ trích. Ngay với những người dân thành phố cảng cũng giật mình với hình ảnh kỳ dị của đôi rồng. 

Và trên mạng xã hội, có người đã đặt tên cho đôi rồng này là “Rồng Pikachu”. Còn giới họa sỹ thì cho đó là thảm họa về thẩm mỹ. Xét cho cùng, những nhận xét, chỉ trích này đều có căn cứ. Tuy vậy, khi bàn về thẩm mỹ lại là chuyện rất tế nhị, cần nhìn nhận ở nhiều chiều, nhiều góc cạnh. Bởi theo ông Nguyễn Hà Khắc, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty công viên cây xanh Hải Phòng - đơn vị tạo ra con rồng lạ màu vàng đã vặn lại khi dư luận chê dự án xấu: “Thế nào là không đẹp, các anh căn cứ vào đâu mà bảo không đẹp?”. Gạt bỏ chuyện đẹp hay xấu sang một bên, câu chuyện ở đây là cặp rồng được tạo tác để cho người dân thụ hưởng nhưng lại bị chính chủ thể từ chối mới thật là điều đáng nói. 

Thiếu tham vấn chuyên môn

Điều này được giải thích bằng một lý do rất hiển nhiên rằng, công trình này đã được làm đẹp một cách ngẫu hứng và có thể không có sự tham vấn của giới chuyên môn. Hoặc những người thực hiện đã quá tự tin vào trình độ thẩm mỹ của cá nhân nên quyết định cho thi công một dự án gây nhiều tranh cãi như vậy. 

Nhân chuyện đôi rồng Pikachu Hải Phòng, người dân sẽ nhớ ra đây không phải là trường hợp hy hữu ở Việt Nam bị chỉ trích, lên án bởi trình độ thẩm mỹ yếu kém và thiên lệch. Những công trình tượng đài hoành tráng và tranh công cộng ở Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua vẫn là nỗi nhức nhối về mỹ thuật bởi sự trùng lặp về mô típ, ít chịu đổi mới và coi thường công chúng. Nguyên nhân là sự tham gia của người làm nghề trong hội đồng nghệ thuật duyệt tác phẩm quá ít ỏi. Còn những người không có chuyên môn nhưng có tiếng nói quyết định lại quá đông đảo.

Do vậy, những công trình xấu xí, chiều theo thị hiếu của một số ít người lại được phóng tác trong thực tế, điều đó làm nản lòng những người yêu nghệ thuật và số đông công chúng. Một công thức chung trong xây dựng tượng đài ở Việt Nam là nhóm tượng giơ tay lên hoặc hạ tay xuống hoặc tay cầm khẩu súng… xuất hiện tại hầu hết các địa phương trên cả nước. 

Theo các chuyên gia, đề tài về chiến tranh cách mạng là mảng đề tài rộng lớn, nhận được sự quan tâm của nhiều họa sỹ, nhiều nhà điêu khắc tham gia sáng tác nên sự hạn hẹp về ý tưởng hay phương pháp sáng tác là điều không thể. Vấn đề chỉ là việc sử dụng người tài đúng việc, đúng tầm sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực. Và chỉ khi nào, các hội đồng duyệt tượng đài hay các bức tranh công cộng chịu thay đổi về thành phần thì niềm hy vọng về những công trình mới mang dáng vóc thế kỷ với ngôn ngữ, tư duy hiện đại ở một đề tài đã cũ sẽ xuất hiện trong thực tế. 

Người tài đứng ngoài cuộc

Nhân nói về chuyện sử dụng người tài, nguồn nhân lực của Việt Nam cho việc làm đẹp không thiếu và cũng không yếu. Đó chính là đội ngũ kiến trúc sư, họa sỹ được học hành bài bản, tu nghiệp tại các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, họ đang phải đứng ngoài cuộc. Đây là điều khiến những công trình chỉnh trang đô thị và làm đẹp cho các công trình công cộng vẫn đang loay hoay giữa thị hiếu tầm thường và thiếu đi sự tinh tế trong yếu tố thị giác. 

Tình trạng này xảy ra ở hầu khắp các đô thị lớn nhỏ trên cả nước. Đèn được giăng qua đường một cách vô tư. Còn màu sắc trong chiếu sáng đô thị thì sự tiết chế, khiêm nhường lại chưa được như mong muốn. Đến nỗi, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương trong một cuộc họp báo đã lên tiếng cảnh báo rằng: “Việc làm đẹp cho thành phố rất tối kỵ việc giăng các vật thể qua đường bởi người tham gia giao thông sẽ có cảm giác nguy hiểm, bất an”. 

Thế nhưng, cho tới nay, điều mà giới chuyên môn lên tiếng phản đối cũng ít được các đơn vị có trách nhiệm quan tâm và chỉnh sửa. Vì vậy, nên ở nhiều nơi bộ mặt đô thị dù đã được sửa sang, thay đổi nhưng về cơ bản vẫn là cách trang trí đã cũ, chạy theo các kỳ cuộc.  

Liên quan đến việc làm đẹp cho Hà Nội, theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng  Việt, thì bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi để tìm ra mẫu thiết kế đẹp, thành phố hay các đô thị có thể đặt hàng các nghệ sỹ điêu khắc, các nghệ sỹ thị giác tham gia vào công việc này. Với các nghệ sỹ có tài, cái nhìn tổng quan về không gian sẽ giúp họ xử lý được các vướng mắc hiện nay. Ông tin rằng, bộ mặt thành phố sẽ thay đổi rất nhiều khi việc được giao đúng người. Vấn đề chỉ là sử dụng người tài hiệu quả đến đâu. 

Cần thay đổi cách làm

Để hạn chế những công trình nghệ thuật công cộng xấu xí, cách làm và thi công nên thay đổi. Nguồn kinh phí cần được sử dụng hiệu quả để tạo nên các công trình ra tấm ra món, tác động đến thẩm mỹ của người dân và đưa ra cho công chúng một hiệu ứng thị giác nhất định, làm con người trở nên yêu cuộc sống, yêu đất nước. Muốn thế, theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng: “Làm bất cứ việc gì liên quan đến yếu tố thẩm mỹ dành cho người dân, các nhà thi công cũng nên trao đổi với giới chuyên môn, không nên thích thế nào làm thế đó. Việt Nam không thiếu người tài, trước khi tiến hành nên trao đổi với giới chuyên môn để có những phương án mang tính thẩm mỹ cao nhất”. 

Kết lại, câu chuyện về các dự án nghệ thuật công cộng xấu xí tại Việt Nam bắt nguồn bằng chính thái độ xem thường bàn tay đạo diễn của giới chuyên môn. Những thảm họa về cái đẹp nơi công cộng sẽ không có chiều hướng dừng lại nếu các nhà quản lý, các đơn vị thi công không thay đổi nhận thức và thái độ. Dù là nguồn kinh phí xã hội hóa hay nguồn kinh phí Nhà nước thì đều là lãng phí.