Nghệ sỹ piano Cao Thanh Lan: Một lòng hướng về âm nhạc dân tộc

ANTĐ - Dù thành danh ở châu Âu nhưng nghệ sỹ dương cầm Cao Thanh Lan vẫn một lòng hướng về đất mẹ, hướng về gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc đã đưa một tài năng như chị đến với nhiều dự án âm nhạc thể nghiệm có sự kết hợp giữa nhạc châu Âu và tuồng, chèo, cải lương.

Nghệ sỹ piano Cao Thanh Lan: Một lòng hướng về  âm nhạc dân tộc ảnh 1

Trân trọng văn hóa nước mình

- PV: Học về âm nhạc hàn lâm và thành danh ở trời Tây, lý do nào khiến chị luôn hướng về âm nhạc dân tộc?

- Nghệ sỹ piano Cao Thanh Lan: Càng được học về âm nhạc hàn lâm, tôi càng thấy được cái hay, cái riêng của âm nhạc dân tộc. Đặc biệt, tôi yêu thích những làn điệu xẩm, ca trù và chầu văn. Có lẽ cũng vì ở xứ người, tôi nghĩ về quê hương nhiều hơn, biết trân trọng cái đẹp của văn hóa nước mình hơn. Tôi muốn bạn bè quốc tế có cơ hội được biết đến và cảm nhận âm nhạc Việt Nam, để họ thấy văn hóa Việt Nam cũng độc đáo và có bề sâu không kém gì văn hóa của nước họ. 

- Đấy chắc hẳn cũng là lý do khiến chị từng có hai chương trình kết hợp giữa âm nhạc châu Âu và âm nhạc dân tộc tại Đức? 

- Khán giả ở thành phố Cologne nơi mà dự án “Thẩm thấu” được biểu diễn đã lắng nghe hết sức chăm chú từ đầu đến cuối, họ đã rất thích thú và đặt nhiều câu hỏi ở cuối chương trình. Tôi thực sự rất vui mừng khi việc kết hợp những yếu tố của âm nhạc đương đại nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Còn bản thân âm nhạc dân tộc vốn đã được chọn lọc, hun đúc từ bao đời, là âm nhạc xuất phát từ trái tim nên cũng sẽ dễ dàng đến được với trái tim của bạn bè quốc tế, dù họ không hiểu ngôn ngữ Việt Nam. Tất nhiên, việc kết hợp những yếu tố mới vào âm nhạc dân tộc sao cho có ý nghĩa, hợp lý và có thẩm mỹ là điều không hề dễ dàng. Tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu và rút kinh nghiệm để lần sau làm sẽ tốt hơn. 

- Sự tận tân của chị với âm nhạc thể nghiệm trong đó yếu tố dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu đã khiến một số người gọi chị bằng cái tên “Sứ giả của âm nhạc”, chị thấy thế nào?

- Tôi cảm thấy vinh dự và cũng thấy mình cần cố gắng hơn nữa để không phụ lòng mong mỏi của những người đặt niềm tin vào tôi. 

Nhạc thể nghiệm như “thế giới ngầm”

- Sau 5 năm trở lại Hà Nội với chương trình độc tấu dương cầm, chị đã chọn âm nhạc Pháp chứ không phải một chương trình thể nghiệm?

- Tôi muốn khán giả yêu nhạc Hà Nội có cơ hội được tiếp xúc với âm nhạc Pháp của đầu thế kỷ 20, vốn ít được biểu diễn tại Việt Nam. Thêm nữa, tôi cũng muốn chia sẻ trong âm nhạc những trải nghiệm cuộc sống, những cảm nhận về văn hóa châu Âu, cũng như chia sẻ những phần tinh túy mà tôi đã học được từ thầy tôi, Giáo sư Pierre-Laurent Aimard, bậc thầy về âm nhạc hàn lâm đương đại và chuyên gia về âm nhạc Pháp nói riêng.  

- Theo chị, vì sao khán giả chưa thật sự “mặn nồng” với âm nhạc cổ điển Việt Nam và nhạc thể nghiệm? 

- Về âm nhạc cổ điển thì nói một cách khách quan, vốn không bắt nguồn từ nền văn hóa Việt Nam, thêm nữa lại không hoạt động theo cơ chế thị trường, ít có sự quảng bá nên khán giả chưa biết nhiều. Tôi nghĩ khán giả phải tiếp xúc nhiều với âm nhạc hàn lâm mới có thể cảm nhận và yêu thích được. Thêm nữa, hệ thống đào tạo âm nhạc trong các trường phổ thông không chú trọng giới thiệu về nhạc cổ điển, và càng không có những lớp học nhạc cụ để cảm thụ âm nhạc. Khi nền kinh tế vững mạnh hơn, âm nhạc và nghệ thuật sẽ dần có chỗ đứng hơn. Với nhạc thể nghiệm, như một “thế giới ngầm”, với cùng những lý do như trên, lại càng được ít người biết đến. 

- Xa quê, chị có câu chuyện nào có thể chia sẻ về những kỷ niệm gắn bó những ngày còn ở trong nước? 

- Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng tôi vẫn luôn nhớ hình ảnh bố tôi ngồi trên xe máy chờ tôi ở đầu Ô Quan Chưởng, nơi hàng tuần tôi đi học đàn organ điện tử. Lúc đó tôi mới 6 tuổi nhưng vẫn nhớ được là bố mẹ phải chờ lâu như thế nào, lặn lội đường sá xa xôi như thế nào để đưa tôi đi học. Tôi mãi mãi ghi nhớ công ơn của bố mẹ tôi!

- Chị có nghĩ mình sẽ trở lại Việt Nam để sống và làm việc? 

- Tôi rất muốn được làm việc ở Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển nền âm nhạc cổ điển và âm nhạc đương đại ở Việt Nam. Tôi cũng mong muốn kết nối các cơ sở và cá nhân ở nước ngoài với phía Việt Nam để thực hiện các dự án âm nhạc.

- Xin cảm ơn nghệ sỹ!

Cao Thanh Lan sinh năm 1987, tốt nghiệp Nhạc viện Bruxelles (Bỉ) và Cologne (Đức). Chị đã đoạt nhiều giải thưởng qua các cuộc thi quốc gia và quốc tế ở châu Âu và châu Á trong đó có giải Vàng cuộc thi Piano quốc tế ASIA tại Hàn Quốc năm 2011, giải Nhì cuộc thi Concours Mùa thu năm 2007, giải Đặc biệt cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội năm 2010 và đã trình diễn ở nhiều sân khấu châu Âu cũng như châu Á.