Nghệ sĩ trẻ "lép vế" ở các hội nghề nghiệp

ANTD.VN - Dù buổi tọa đàm "Văn nghệ sỹ trẻ Thủ đô hướng tới 1010 năm Thăng Long-Hà Nội" được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của lực lượng văn nghệ sỹ trẻ Thủ đô, nhưng số lượng văn nghệ sỹ cao niên góp mặt lại áp đảo người trẻ...

PGS.TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội khi giới thiệu về các thành viên tham dự tọa đàm cho biết, Hội Văn nghệ sỹ dân gian Hà Nội 100% đều là người già. Bởi nghề nghiên cứu cần tới hàm lượng kiến thức nhất định. Người trẻ của hội thường đã ở... tuổi 60. 

Và ông Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận, người trẻ đứng trong hàng ngũ của các hội chuyên ngành và Hội LHVHNT Hà Nội còn chiếm tỉ lệ khiêm tốn. Sân chơi cho hàng ngũ văn nghệ sỹ trẻ còn rất hạn chế. Có rất ít các buổi nói chuyện, giao lưu giữa những văn nghệ sỹ trẻ.

Hà Nội là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của các nghệ sỹ 

Do vậy, tọa đàm lần này được tổ chức nhằm thu hút đông đảo hội viên trẻ về tuổi đời và tuổi nghề vào các hoạt động phục vụ việc nâng cao dân trí và phổ cập trình độ thưởng thức nghệ thuật, tăng cường mức hưởng thụ các giá trị VHNT trong đông đảo các tầng lớp công chúng, tạo ra phong trào tác động tích cực đến nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô, đến đạo đức và phong cách ứng xử của người dân. 

Dù mục tiêu đặt ra là vậy, nhưng trong các ý kiến phát biểu của buổi tọa đàm "Văn nghệ sỹ Thủ đô hướng tới 1010 năm Thăng Long-Hà Nội", ý kiến của các nhà hoạt động văn hóa có tuổi chiếm tới hơn một nửa thời lượng của chương trình. 

Chính vì thế, nhà văn trẻ Nhật Phi khi phát biểu đã cho biết, anh cảm thấy hụt hẫng khi buổi tọa đàm dành cho người trẻ nhưng lại vắng đi những gương mặt trẻ. Những ý kiến đóng góp của lớp cha chú đi trước với lớp thế hệ đi sau như nhà thơ Bằng Việt, NSND Hà Bắc, nhà biên kịch Giang Phong sẽ không thể tới được địa chỉ mong muốn. Đồng thời, Nhật Phi cũng nhận định, chất lượng các trại sáng tác VHNT hiện nay khá thấp. Trại mở ra để mà mở, chất lượng tới đâu còn đang bỏ ngỏ. 

Nhà thơ Vi Thùy Linh đóng góp ý kiến với mong muốn các nhà thơ, nhà văn trẻ cần phá bỏ định kiến, người trẻ tương đương với người đang tập viết. Thay vào đó là những văn nghệ sỹ trẻ nhưng lão luyện về nghề. 

Nhà thơ Vi Thùy Linh cũng đồng tình với nhận định của nhà văn Nhật Phi về chất lượng của các trại sáng tác hiện nay. Theo Vi Thùy Linh, trại sáng tác dường như đang dành cho những người về hưu, là cuộc chơi của những cây bút "già". Còn những ngày ở trại là những ngày đi nghỉ dưỡng không mất tiền. Nhà nước nên thay đổi hình thức khuyến khích sáng tác từ trại sáng tác sang đặt hàng tác phẩm hoặc phát động các cuộc thi. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bước cuối cùng. Còn để viết hay về Hà Nội, tình yêu với mảnh đất ấy mới mang tính quyết định. 

Các trại sáng tác VHNT có rất ít sự góp mặt của người trẻ

Để sáng tác hay về Hà Nội, nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh cho rằng, hiện nay nhạc Bolero đang tràn ngập trong đời sống của người dân Việt Nam. Không lẽ âm nhạc Việt Nam chỉ có như thế. Vẫn còn đó các ca khúc mới về Hà Nội như Hà Nội 12 mùa hoa, Đêm nằm mơ phố... Mảnh đất nghìn năm văn hiến luôn là đề tài bất tận cho những người sáng tác. Điều cần ở đây là việc định hướng sáng tác để các văn nghệ sỹ trẻ đi đúng hướng. 

Đặc biệt, để tăng số lượng người trẻ trong các hội nghề nghiệp, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, các hội cần phải có những hoạt động riêng cho các nghệ sỹ trẻ như: Sáng tác, trau dồi lý luận VHNT và là nơi bảo vệ quyền lợi cho những người làm sáng tác. 

Buổi tọa đàm vừa diễn ra sáng ngày 23-8 tại Hà Nội