Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam:

Nghệ sĩ mong muốn Bộ VHTT&DL làm rõ việc bao giờ Vivasco thoái vốn

ANTD.VN - Gần 4 tháng kể từ khi Thanh tra Chính Phủ công bố kết luận thanh tra “công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam”, kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định để nhà đầu tư chiến lược – Tổng Công ty Vận tải Thủy (Vivasco) xin rút vốn trước thời hạn, các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam bày tỏ sự sốt ruột khi không biết bao giờ thì việc thoái vốn của Vivasco mới hoàn tất.

Ồn ào về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) tưởng chừng đã có hồi kết khi Vivasco – nhà đầu tư chiến lược, đơn vị đã mua lại 65% cổ phần (tương đương 32,5 tỷ đồng của VFS) chấp nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ, đồng ý thoái vốn khỏi VFS trước thời hạn.

Tuy nhiên, mới đây theo chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thì ngày 15-1 vừa qua, nhiều nghệ sĩ đang công tác tại VFS nhận được thông báo bị cắt toàn bộ chế độ bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động…) từ tháng 10-2018. Cũng theo đạo diễn Thanh Vân, trước đó Vivasco cũng đã tiến hành cắt lương đối với những người này. Cụ thể, trong danh sách 30 người bị cắt lương, cắt bảo hiểm có 8 đạo diễn gồm: Nguyễn Thanh Vân, Bùi Tuấn Dũng, Quốc Tuấn, Nguyễn Đức Việt, Trần Chí Thành, Đinh Tuấn Vũ, Nguyễn Anh Tuấn và Đặng Thu Trang. Các nghệ sĩ đã tìm cách liên hệ với đại diện của Vivasco nhưng không được.

Vivasco công bố danh sách các nghệ sĩ không được hưởng lương và đóng bảo hiểm xã hội trong tháng 11-2018

Phản ứng lại trước quyết định trên của Vivasco, rất đông nghệ sĩ đã tập trung tại trụ sở chính của VFS (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) vào sáng nay 17-11 yêu cầu làm rõ việc VFS cắt lương, cắt bảo hiểm của 30 nghệ sĩ, đồng thời yêu cầu Vivasco sớm thoái vốn khỏi VFS.

Liên quan đến sự việc này, chiều nay 17-11 đại diện Bộ VHTT&DL đã có cuộc làm việc với các nghệ sĩ tại Hãng. Tại đây, ông Nguyễn Danh Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam cho biết, các trường hợp bị cắt lương và cắt bảo hiểm là do không đi làm theo quy định của công ty, chấm công bằng vân tay. Trước đó, việc chấm công bằng vân tay đã được Công ty CP đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam áp dụng thực hiện từ tháng 10-2017 song vấp phải sự phản đối của nhiều nghệ sĩ trong Hãng vì cho rằng đó là cách quản lý cứng nhắc và không phù hợp với công việc sáng tạo của người nghệ sĩ.

Trước lời giải thích của vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam, ông Trần Hoàng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ VHTT&DL đề nghị phía Vivasco nghiêm túc rút kinh nghiệm và có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

“Kể cả Vivasco đang trong quá trình thoái vốn thì vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo tình hình ổn định sản xuất của doanh nghiệp, chế độ chính sách của người lao động. Đây là cam kết của nhà đầu tư, cam kết rồi thì phải làm.” – ông Trần Hoàng khẳng định.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ VHTT&DL thì Vivasco đã cam kết sẽ thoái vốn theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của Thanh tra Chính phủ. Vì thế Bộ mong muốn anh em nghệ sĩ trong Hãng giữ bình tĩnh và không phản ứng tiêu cực.

Có mặt tại cuộc làm việc, ông Phạm Cao Thái - Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL nói thêm,  Bộ đã giao cho Đảng ủy, Công đoàn làm việc với Bộ Lao động, xem xét 30 trường hợp bị cắt bảo hiểm, nếu như sau khi xem xét mà kết quả cho thấy Vivaso sai thì đơn vị này sẽ phải chịu trách nhiệm.

Các nghệ sĩ căng khẩu hiệu đòi Vivasco sớm thoái vốn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam

Bên cạnh việc bức xúc vì nhiều anh em trong Hãng bị cắt lương, cắt bảo hiểm thì các nghệ sĩ cũng bày tỏ băn khoăn trước việc đã gần 4 tháng kể từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ song đến thời điểm này, họ vẫn chưa biết việc thoái vốn của Vivasco được thực hiện thế nào, đến đâu và bao giờ mới xong.

Trả lời thắc mắc này, ông Phạm Cao Thái cho biết, Vivasco hoàn toàn đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính Phủ, đồng ý sẽ thoái vốn khỏi VFS song việc thoái vốn phải thực hiện theo đúng quy trình, lộ trình đã được pháp luật quy định chứ không thể ngày một ngày hai là xong.

“Bên này thoái vốn thì phải có bên tiếp nhận, quá trình tiếp nhận thì phải làm rõ tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước cụ thể thế nào, đó là cả quá trình, cái này chúng tôi đang xin ý kiến từ Bộ Tài chính cũng như các cơ quan lãnh đạo cấp trên” – ông Phạm Cao Thái chia sẻ.

Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL khẳng định, quá trình thoái vốn diễn ra chậm là điều không ai mong muốn. Bản thân phía Vivasco cũng đồng tình với việc này và chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi VFS để nhà đầu tư chiến lược mới vào tiếp quản hoạt động của Hãng. Đến thời điểm này, quá trình thoái vốn đã thực hiện được một số bước. Cách đây 2 tuần, lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng đã có cuộc làm việc với bên lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam để bàn bạc xung quanh việc VOV đứng ra tiếp quản VFS.