Nghệ sĩ đương đại phải tự tìm đường

ANTĐ - Thiếu kiến thức cơ sở, không thể tự chủ về kinh phí, vấp phải những rào cản về cơ chế… là những vấn đề nghệ sỹ Trần Lương trao đổi cùng ANTĐ về những thách thức của nghệ sỹ đương đại Việt Nam trên con đường đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. 

Nghệ sĩ đương đại phải tự tìm đường  ảnh 1
Trình diễn nghệ thuật đương đại cần kỹ năng thể hiện tác phẩm

- Được biết anh đang thực hiện dự án hướng dẫn kỹ năng nhằm hỗ trợ các nghệ sỹ trẻ xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Anh có thể cho biết lý do và mục đích dự án này?

- Nghệ sỹ Trần Lương: Điều này bắt nguồn từ khi tôi thực hiện những chương trình giao lưu với nước ngoài để tạo điều kiện cho các nghệ sỹ trẻ, sinh viên tham dự các festival, các triển lãm, các chương trình nghệ sỹ lưu trú, đi nghiên cứu, đi học… Khi về, những bạn ấy đều nói với tôi là, điều lo ngại nhất là khi tiếp xúc với người cùng lứa tuổi cùng ngành nghề ở các nước, không nói xa xôi, chỉ ở Singapore, Phillippines, Thái Lan, Malaysia… thì nhận thấy tri thức cơ sở của một người làm văn hóa nghệ thuật ở ta hầu hết là… yếu. Nhiều nghệ sỹ Việt Nam có năng lượng sáng tạo, có lòng yêu nghề, luôn vượt khó khăn và có cả sự dũng cảm… nhưng kỹ năng tư duy vẫn còn nhiều hạn chế. 

- Anh nói nghệ sỹ Việt Nam có sáng tạo nhưng yếu tư duy, cụ thể là thế nào?

- Tôi nhận được nhiều phản hồi từ các bạn trẻ, một số người cảm thấy bế tắc trong chuyện thể hiện ý tưởng bằng từ ngữ, lời nói, yếu kém về kỹ năng trong việc xin tài trợ, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức và lập chương trình... Đơn cử thế này, nghệ sỹ có tưởng tượng bay bổng nhưng khi cần kỹ năng để hiện thực ý tưởng thành tác phẩm thì họ… chịu. Ví dụ như việc xử lý chất liệu, tính năng của vật liệu, có gây độc cho khán giả hay không, xử lý âm thanh, ánh sáng như thế nào... Rất nhiều thứ cần tư vấn và dựa trên luật. Nghệ sỹ không được “làm bừa”, gây độc cho người xem, gây sập, cháy, trầy xước chân tay cho khán giả, hoặc gây hiệu ứng xấu về tôn giáo, về đạo đức cho trẻ em, người già, hoặc người tàn tật… Tất cả đều là kỹ năng thể hiện tác phẩm. Nếu có kỹ năng tốt, có cấu trúc tư duy tốt thì tổ chức tác phẩm cũng tốt hơn.

Nghệ sĩ đương đại phải tự tìm đường  ảnh 2

Phần lớn nghệ sỹ vẫn tự túc về kinh phí
- Nghệ sỹ thường gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tổ chức, nhất là khi họ vẫn phải bỏ tiền túi làm dự án, tự túc về kinh phí?

- Trên thực tế số người làm nghệ thuật mà xin được tài trợ rất ít. Đại đa số nghệ sỹ yêu nghề phải bỏ tiền túi ra làm, cùng với huy động nguồn lực của bạn bè. Rất nhiều người trong số họ, kể cả những người thành danh, đã từng phải chạy vạy đi vay tiền. Nhìn sang một nước có dân số nhiều gấp đôi Việt Nam ví dụ như Indonesia, họ có Quỹ của Hội đồng Nghệ thuật quốc gia, có cả quỹ tư nhân cũng như Nhà nước để ủng hộ và là động lực phát triển nghệ thuật đương đại. Ở ta chưa có. 

- Nói như vậy, dường như nghệ sỹ ở ta vẫn hoạt động kiểu… tự thân vận động?

- Nghệ sỹ có năng lượng, có tình yêu nghệ thuật và sáng tạo tác phẩm. Nhưng ủng hộ họ để khả thi hóa nó cần có cả một hệ thống xã hội hỗ trợ. Những câu hỏi đáng ra không nên đổ lên đầu nghệ sỹ: Vì sao không làm được cái này, không làm được cái kia… mà lẽ ra phải đặt cho nhà quản lý văn hóa, nhà phê bình lý luận nghệ thuật, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, nhà tổ chức nghệ thuật, những art-dealer (người giúp nghệ sỹ đưa tác phẩm ra thị trường)… Những nghề này đều được đào tạo ở cấp master, có trong các trường đại học lớn trên thế giới. Chỉ có ta là không có. Trong khi đó, để trưng bày một bức tranh cho đến tổ chức biểu diễn nghệ thuật đều cần chất lượng cao và hiểu biết về kỹ thuật, bởi mục đích cuối cùng vẫn là làm cho tác phẩm được đẹp và có tính truyền cảm cao nhất. 

- Đánh giá sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong những năm gần đây, anh nhận định như thế nào? 

- Nhìn tổng thể thì một số loại hình nghệ thuật hiện đại của chúng ta vẫn chưa thực sự trưởng thành. Nếu nói nghệ thuật đương đại Việt Nam  chưa thực sự có tính thuyết phục xã hội chính là vì nó cần một quá trình để trưởng thành. Thực tế nghệ thuật đương đại Việt nam mới hình thành và phát triển được 17, 18 năm. Nếu bạn nhìn lại lịch sử từng giai đoạn phát triển của các bộ môn nghệ thuật khác, thường phải mất cả vài chục, thậm chí đến vài trăm năm. Điểm thứ hai, tỷ lệ những nghệ sỹ tài năng trong cộng đồng nghệ thuật đương đại Việt Nam không được đào tạo, không có quỹ hỗ trợ, không có hành lang pháp lý… như một số quốc gia trong khu vực. Và một điều nữa, nghệ sỹ Việt Nam có ưu thế là chúng ta đang ở đất nước Việt Nam, đang được dùng nghệ thuật để kể một câu chuyện trung thực, trên chính đất nước mình chứ không phải vay mượn ở đâu khác. Xã hội khi có những xung đột thì nghệ sỹ càng có nhiều đề tài, càng có nhiều cảm xúc, gợi ý. Đây chính là “mỏ vàng” sáng tạo của người nghệ sỹ. 

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!