Nghệ sĩ cải lương Trọng Bình: Cứ làm việc, nghề sẽ không phụ

ANTĐ - Con đường theo nghệ thuật cải lương của NSƯT Trọng Bình có rất nhiều điểm đặc biệt. 18 năm trước, anh gần như chỉ là cái bóng. Rồi cứ cần mẫn như con ong làm mật, đến một ngày mật ngọt tỏa hương…

Nghệ sĩ cải lương Trọng Bình: Cứ làm việc, nghề sẽ không phụ ảnh 1Trọng Bình trong vở cải lương “Hà Nội gió mùa”

Tre già măng mọc

18 năm trước, cái tên Trọng Bình xa lạ với giới cải lương phía Bắc, tuy vở diễn nào anh cũng góp mặt nhưng toàn là vai phụ, chẳng thể cách nào “qua mặt” được lứa diễn viên đàn anh, đàn chị. Nhưng rồi, tre già ắt măng phải mọc, chờ đợi ngần ấy năm nên khi các đạo diễn trao cho anh những vai diễn đủ sức nặng, anh hiểu rằng, đó chính là cơ hội dành cho mình và mình phải nắm bắt.

Nghệ sĩ cải lương Trọng Bình: Cứ làm việc, nghề sẽ không phụ ảnh 2

Trọng Bình nói trong niềm vui: “Chỉ trong 2 năm, tôi được 2 giải thưởng, mà toàn huy chương vàng nhé!”. Gắn mình với nghiệp diễn, dù nhập vai xuất sắc, dù được khán giả yêu quý và hâm mộ nhưng cả đời cũng không thể không có gì, vì thế, giây phút cầm trong tay giải vàng, đó chính là giây phút thiêng liêng. Đó còn là lúc được đồng nghiệp tôn vinh, được các nghệ sĩ bậc thầy ghi nhận, đấy không phải là điều đơn giản, dù liên hoan nào cũng có cả một đội quân hùng hậu lên sân khấu nhận huy chương. 

Trọng Bình lý giải về quãng thời gian chờ đợi đến gần hai thập kỷ: “Trước đó, trên mình còn nhiều thế hệ, họ vẫn diễn tốt, mình phải chờ. Mọi người bảo tôi, đến lúc này mới được “chạm” vào thành công là hơi muộn. Nhưng đã thành quy luật của sân khấu truyền thống rồi. Trọng Bình bảo, bây giờ được làm nhiều việc hơn, nổi bật hơn và cũng có tầm quan trọng hơn nhưng so với hồi mới vào nghề cách đây 20 năm, vẫn cảm thấy rõ một sự mất mát không gì lấy lại được, đó là nhiệt huyết của tuổi trẻ. Bởi khi ấy, trái tim đang rực lửa nghề, nhận được một vai diễn hay là quên hết cả đất trời. Đấy là khi anh 20 tuổi, được chọn đảm nhận vai lão tướng Ngũ Tử Tư.  

Ngũ Tử Tư vào can dán Phù Sai khi ông này đang mê mẩn mỹ nhân Tây Thi. Phù Sai không tin Tử Tư dù ông là cha nuôi. Họ Ngũ đoán trước, chỉ sau đêm nay sẽ mất nước, vua tức giận bảo ông tự xử bằng kiếm. Cách diễn này anh được một nghệ nhân truyền lại, nếu giờ còn sống, nghệ nhân ấy năm nay đã hơn 100 tuổi.  Trọng Bình thật thà, nếu bây giờ được làm lại vai Ngũ Tử Tư, anh cũng… bó tay.

Bây giờ vẫn yêu nghề nhưng không làm được như xưa. Hồi đó, vừa ra trường, trẻ măng mà phải vào vai ông già râu tóc bạc phơ, già từ cách nói năng cho tới dáng điệu. Giờ Trọng Bình đã già… thật thì không có cơ hội được đóng được vai già, vì chân tay không còn mềm dẻo nữa, trong khi vai diễn đó cần nhiều động tác vũ đạo. Giờ thì đài từ có thể hay hơn, hát chín chắn hơn nhưng tinh tế thì không bằng. Cái sức trẻ nó quý thế, may mà anh cũng kịp có một vai để nhớ, chứ nhiều người… trắng tay.

Trưởng thành sau từng vai diễn

Sau mỗi vai diễn, Trọng Bình lại thấy mình thực sự trưởng thành, đặc biệt là những nhân vật đề tài lịch sử, xã hội. Anh chưa bao giờ từ chối một vai nào, vì “tôi thấy vai nào cũng hay”.  Như vai diễn trong vở “Vú cát”, bước ra sân khấu trong nhiều cảnh diễn nhưng không được nói câu nào, chỉ là người câm lặng chứng kiến tất cả những biến cố xảy ra. Cũng có khi chỉ là vai diễn phụ nhưng bỗng dưng anh xuất thần, ví như vở “Trái tim người chị”, anh đóng vai đồ đệ chạy vào báo để tướng cướp chạy trốn. Nhìn thấy con dao có máu, trong kịch bản, nhân vật chỉ kêu lên: “Con dao có máu” nhưng anh nói thêm: “Để em, em sẽ chịu”. Nghe thế, đạo diễn bảo: “thằng này hay” và giữ câu nói ấy lại. 

Công tác tại Nhà hát Cải lương Việt Nam, Trọng Bình liên tục xa nhà vì các chuyến lưu diễn. Ba tháng đầu năm, hầu như vợ con không gặp anh. Đi diễn về thì vợ con đã ngủ. Lúc thức dậy thì vợ con đã đi làm, đi học. Đã mười mấy năm như thế này rồi, nhiều lúc nghĩ về cuộc sống, anh vẫn thầm bảo, do được Tổ nghề đãi. Hồi mới vào nghề, hiếm khi được vai chính, lương lại thấp, đã không ít lần anh nghĩ đến chuyện dứt áo ra đi. Nhưng nay thì khác, cái chất nghệ sĩ đã thấm vào tận máu. Thậm chí, anh đang hướng cho đứa con trai 15 tuổi theo nghề mình.   

Hỏi anh, đến năm 2018, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước sẽ bị cắt trợ cấp, phải xã hội hóa hoàn toàn, lúc ấy sân khấu truyền thống chắc chắn gặp khó khăn. Và giờ, nghệ sĩ, diễn viên kịch hát dân tộc không ai muốn con em mình theo nghề, sao anh lại ngược đời? Trọng Bình cười bảo, kệ chứ, khó thì khó nhưng giỏi thì vẫn sống tốt. Trên đời, không có gì sướng bằng được làm nghệ sĩ, nhất là con trai, có giọng, có sắc vóc thì không thiếu gì việc để làm thêm, như đi hát tại các quán, làm MC hay cộng tác với các cơ quan, đơn vị dàn dựng và biểu diễn các chương trình văn nghệ…

Như anh, vào nghề bao nhiêu năm vẫn thấy nghèo, thấy khổ, thấy mình chẳng có gì, rồi bỗng chốc từ lính chạy cờ được lên vai chính, từ thuê nhà kinh niên thành ông chủ cho thuê nhà. Cứ chờ, cứ làm việc rồi cuối cùng đời cũng vui.