Nghề làm nước mắm Nam Ô được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia

ANTD.VN -Bộ VHTT&DL vừa có quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, nghề làm nước mắm Nam Ô ở phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng chính thức được công nhận là Di sản quốc gia. 

Nam Ô là tên một ngôi làng cổ, hình thành cách ngày nay hàng trăm năm, nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân, bên lề đường thiên lý. Là một làng nghề truyền thống khai thác, đánh bắt thủy hải sản, làm nước mắm. Nghề làm mắm ở Nam Ô cũng có từ rất sớm. Thời kỳ còn là một trong những địa phương của Đàng Trong, ngư dân nơi đây đã biết cách làm nước mắm cung cấp cho thị trường các vùng lân cận.

Nước mắm Nam Ô được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống có mùi vị đặc trưng

Để chế biến ra loại nước mắm đặc biệt này, nguyên liệu chính đó là muối và cá cơm than. Cá cơm than thường được đánh bắt vào tháng 3, tháng 4 (âm lịch) trên vùng biển Đà Nẵng. Nước mắm chế biến từ cá cơm than, thường cho ra màu sắc đẹp, màu đỏ như màu cánh gián và mùi vị hấp dẫn. Ngoài vụ cá đánh bắt vào tháng 3 (âm lịch), bà con ngư dân nơi đây còn đánh bắt cá cơm vào các tháng Sáu đến tháng 8 (âm lịch) để làm nước mắm cho mùa vụ thứ hai trong năm. Muối được mua về từ Đề Gi, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) hay muối Cà Ná (Ninh Thuận).

Nước mắm Nam Ô được làm từ cá cơm than

 Theo kinh nghiệm lâu năm trong nghề làm nước mắm, người dân làng nghề nhận biết mắm chín bằng cách đánh giá cảm quan: Về màu sắc: mắm chín có màu nâu tươi, nâu xám hoặc xám, nước cốt có màu từ vàng rơm đến cánh gián. Mùi: thơm, hơi tanh dịu, không có mùi chua hoặc mùi lạ khác, nước cốt có mùi thơm đặc trưng của nước mắm, không có mùi tanh hôi.

Người dân làm nước mắm Nam Ô bao đời nay vẫn sử dụng cách lọc nước mắm (hay còn gọi là chiết mắm) hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công truyền thống. Để cho ra những giọt nước mắm thơm ngon, đúng chất phải mất 12 tháng mới lấy được khoảng 100 - 150 lít nước mắm loại 1. Cứ 2kg cá được 1 lít nước mắm. Ủ hương từ 10 đến 15 ngày, để nước mắm tiếp xúc với ánh sáng và không khí, bốc hơi bớt, làm dịu bớt độ mặm và độ nồng của nước mắm, tạo mùi thơm đặc trưng và màu sắc cho nước mắm thành phẩm mới đem đi đóng chai.

Di tích Lăng Ông ở Nam Ô

Nghề làm nước mắm ở Nam Ô đã đem lại cho một bộ phận nhân dân của làng có công ăn việc làm tương đối ổn định, có thu nhập khá hơn so với nghề nông. Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ tại các nơi phương trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận, ngoài ra còn theo chân người dân, du khách đến các vùng miền trong nước và quốc tế.

Trong quá trình đánh giá xếp hạng, Di sản Nghề làm nước mắm Nam Ô được nhìn nhận dưới góc độ lịch sử, đó là: vẫn được gìn giữ, bảo tồn, phát huy và trao truyền những kinh nghiệm dân gian, những bí quyết về kỹ thuật làm nước mắm. Đây không chỉ là một sản phẩm vật chất hiện diện trong bữa ăn hàng ngày của người dân, mà còn mang lại những lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và cộng đồng. Hơn thế nữa, nước mắm Nam Ô còn là một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng nghề truyền thống bao đời, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ.

Nam Ô hội đủ các điều kiện để vừa có thể bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa phát triển du lịch

Về góc độ giá trị văn hóa, đối với người dân xứ Quảng, trong đó có người dân thành phố Đà Nẵng, nước mắm không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, nghề làm nước mắm Nam Ô cũng có nhiều lợi thế có thể khai thác du lịch làng nghề bởi nơi đây ngoài cảnh quan thiên nhiên, còn thuận tiện giao thông và quan trọng nhất là hòa vào cùng một quần thể các di tích văn hóa có lịch sử hình thành từ thời cha ông mở cõi, như: đền thờ bà Liễu Hạnh, mộ Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô, lăng thờ cá Ông và các di chỉ, phế tích Chăm…