Ngẩn ngơ cái dải yếm đào
(ANTĐ) - Yếm đào là một phần trang phục không thể thiếu của người con gái thời xưa. Khi bước vào tuổi dậy thì, các cô gái bắt đầu chú ý đến bản thân và biết làm đẹp cho mình. Đó cũng là khi họ e ấp mặc chiếc yếm đào với vẻ kín đáo, đằm thắm và dịu dàng.
Nhìn lại quá trình lịch sử, chiếc yếm đào trong trang phục của người Thăng Long xưa cũng đã có nhiều sự thay đổi. Ngay từ thời Lý, chiếc yếm đã được định hình. Đến khoảng năm 1696, đàn bà lao động thì mặc yếm cổ xây (là miếng vải vuông đặt chéo trên ngực người mặc, ở góc trên có khoét hình tròn làm cổ yếm) còn phụ nữ quý tộc thì chiếc yếm có thêm một vài đường dây tết lại với nhau thành hình lưới quả trám. Mỗi thời kỳ chiếc yếm đều có sự biến đổi khác nhau phù hợp với quan niệm thẩm mỹ thời đó. Nhìn chung, thời kỳ tiền Thăng Long, chiếc yếm đào còn nằm trong tổng quát trang phục của người dân Văn Lang - Âu Lạc. Phụ nữ mặc yếm tròn sát cổ, có trang trí bằng những họa tiết hình hạt gạo. Màu sắc của những chiếc yếm thời kỳ này còn giản đơn, chủ yếu được nhuộm bằng những loại màu có nguồn gốc tự nhiên, bên ngoài mặc áo ngắn đến bụng, xẻ ngực bó sát vào người.
Đến thời kỳ độc lập tự chủ (kỷ nguyên Đại Việt), do điều kiện ổn định cả về chính trị, xã hội và đặc biệt cả về kinh tế, Thăng Long đã trở thành kinh đô và là một trung tâm kinh tế chính trị của cả nước. Việc bang giao với bên ngoài làm cho thị trường vải vóc ngày càng phong phú. Xã hội cũng đã có sự phân biệt đẳng cấp, trên có vua, quan, dưới có sĩ - nông - công - thương. Yếm đào của người phụ nữ Hà Nội thời kỳ này cũng theo đó mà phân ra “đẳng cấp” qua sự khác biệt của màu sắc, chất liệu, hoạ tiết… Phường Hàng Đào chuyên làm nghề nhuộm điều. Màu vàng vẫn bị cấm, chỉ dành riêng cho nhà vua và áo khoác các tượng Thần, Phật, con gái quan lại mới được mặc yếm đỏ gọi là màu đại hồng. Những ca kỹ thường mặc yếm màu hoa đào và hễ ai khoác lên người thứ màu sắc này lập tức bị coi là lẳng lơ, không đứng đắn.
Sau này, những phụ nữ Hà Thành còn tinh ý đến mức, khi mặc kiểu áo năm khuy, tay rộng bên ngoài thì các cô chỉ cài bốn chiếc, để hở khuy cổ, khoe cái yếm cổ xây, ôm lấy cái cổ trắng nõn nà, cao ba ngấn mà vẫn giữ gìn được nét đoan trang, kín đáo, khuôn phép. Cuộc cách mạng áo yếm xảy ra vào thế kỷ XX khi các kiểu áo phương tây xâm nhập vào Việt Nam với sự ra đời của rất nhiều kiểu yếm mới lạ. Màu sắc áo yếm nói lên khá nhiều người chủ của nó. Phụ nữ ngoại thành mặc yếm màu nâu bằng vải thô, con gái nhà gia giáo thì mặc yếm lụa màu trang nhã, hội hè mặc yếm đào, yếm hoa hiên, người lớn tuổi mặc yếm màu thẫm. Ngoài trang phục ra thì trong cách ăn mặc của người Hà Nội còn có nhiều thứ phụ trang đi kèm như giày dép, trang sức bằng vàng, bạc như vòng tay, nhẫn, dây chuyền, khuyên tai… để làm tăng vẻ đẹp ngoại hình. Kiểu yếm màu sặc sỡ, cổ khoét sâu thì ít người dùng, chỉ những cô nàng “mắt liếc, mày nheo” kiểu như… Thị Mầu mới dám trưng diện!
Lấy cảm hứng từ “giai nhân” đất Hà thành xưa, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp từng gieo những vần thơ trong trẻo: “Em đeo dải yếm đào/Quần lĩnh áo the mới/Tay em cầm nón quai thao”. Hay thi sĩ Hoàng Cầm đã đắm say mà viết nên khúc “Hội yếm bay”: “Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội/ Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi”. Sau một thời gian dài bị lãng quên, ngày nay một số cô gái khi đã “ngán” những “mốt” Tây phương thì lại có xu hướng quay về với… yếm. Nhưng lại là mặc yếm thay cho áo và kết hợp với chiếc quần jean hoặc váy một cách “trơn tru”. Dẫu không cổ hủ thì cũng khó lòng mà chấp nhận được bởi yếm là “phụ trang”, phần trước được thiết kế kín đáo còn phần lưng và đôi cánh tay hoàn toàn là “khoảng trống”. Nét duyên thầm do chiếc yếm đào mang lại là ở nét mềm mại kín đáo, tế nhị chứ không phải cứ phô trương một cách “vô tội vạ”. Dẫu có sự xuất hiện trở lại thì hình tượng về dải yếm đào xưa và nay vẫn có một khoảng cách lớn. Đôi khi, trong một lễ hội dân gian nào đó, bất chợt bắt gặp hình ảnh những cô áo yếm eo thon với áo tứ thân, nón quai thao ngọt ngào trong câu hát cổ… mà thấy lòng bâng khuâng, luyến tiếc:
“Kiếp sau đừng hoá ra người
Hóa đôi dải yếm buộc lời tình nhân”.
Yếm đào và vẻ đẹp thanh cao của người con gái đất Kinh kỳ đã yên bề trong ký ức cùng những mái ngói rêu phong, những góc phố cổ thâm trầm, những lời “dạ thưa” dìu dặt nơi Kẻ Chợ, còn lại bao nhớ nhung vẫn mải miết đi tìm.
Lữ Thị Mai