Ngăn chặn các hiện tượng phản cảm trong lễ hội 2019

ANTD.VN - Để các lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm thể hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, Ban Tổ chức lễ hội phải tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại.

Chiều 22-1, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, UBND các quận, huyện Đống Đa, Mỹ Đức, Sóc Sơn đã thông tin về việc tổ chức lễ hội trên địa bàn.

Theo ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa diễn ra từ 6h-21h ngày 9/2 tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi tại công viên văn hóa Đống Đa. Đây là lễ hội do TP Hà Nội chủ trì. 

Phần lễ gồm tế lễ, rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân; dâng hoa, dâng hương, chúc văn tại tượng đài và đền thờ hoàng đế Quan Trung; trống hội, múa rồng…;

Phần hội là các hoạt động dâng hương của nhân dân và khách thập phương, văn nghệ truyền thống, trò chơi dân gian…

Đề cập đến việc tổ chức Lễ hội chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho hay huyện Mỹ Đức đã chuẩn bị chu đáo, phân công công việc cụ thể cho từng tiểu ban, gồm: Tiểu ban văn hóa - xã hội; Kinh tế - tài chính; An ninh trật tự; Quản lý di tích - thắng cảnh và vệ sinh môi trường…

Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp Công an thành phố Hà Nội tổ chức việc phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách tham quan.

Để phục vụ khách tham quan, du lịch mùa lễ hội năm 2019, huyện Mỹ Đức sẽ tổ chức 4.000 đò hoạt động trên suối Yến để đưa đón khách. Các chủ đò tham gia vận chuyển khách được tập huấn, tuyên truyền về công tác bảo đảm yêu cầu về an toàn đường thủy. Các đò phải được trang bị phao cho du khách, bố trí giỏ đựng rác.

Đối với các khu vực tổ chức dịch vụ, năm nay, có tất cả 318 gian hàng được phép hoạt động. Đến nay, cả 318 hộ kinh doanh tại các gian hàng đều ký cam kết bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm và các nội dụng khác theo yêu cầu của Ban Tổ chức.

Các hộ kinh doanh được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt các loại trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm nay, Ban Tổ chức cấm hoàn toàn việc kinh doanh tại khu vực nội tự các chùa, động. Việc kinh doanh cũng không được tiến hành tại các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực Ban Tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn... Ban Tổ chức cũng cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội.

Nêu lên những đổi mới trong việc tổ chức lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, Lễ hội đền Sóc năm nay sẽ tiếp tục triển khai những đổi mới trong năm 2018. Đó là việc đổi mới trong các nghi thức tổ chức các lễ rước sẽ có điều chỉnh, thay đổi trong lễ rước giò hoa tre và trầu cau.

Theo đó, lễ hội sẽ không tổ chức việc tán lộc và cướp lộc vị trí dưới đền hạ để tránh hành động bạo lực, phản cảm. Những việc này sẽ được ban tổ chức chia nhỏ và tổ chức phát lộc trong thời điểm phù hợp.