Ngã ba Đồng Lộc - chảy mãi suối nguồn thi ca
(ANTĐ) - Đã 40 năm trôi qua (24-7-1968/24-7-2008) kể từ khi tiểu đội gồm 10 nữ TNXP lứa tuổi đôi mươi ở ngã ba Đồng Lộc (An Lộc - Hà Tĩnh) kiên cường chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc, tiếp nối bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hình ảnh các chị, qua 40 năm vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca.
Ngã ba huyền thoại vào thơ
Tập thơ đầu tiên phải kể đến đó là trường ca “Con đường của những vì sao” được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết sau khi 10 cô TNXP của ngã ba Đồng Lộc hy sinh tròn 10 năm. Mới đây, để kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của các chị, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh kết hợp với Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây đã in tái bản 2.000 cuốn, như là nén hương dâng lên tưởng nhớ 10 cô gái Đồng Lộc. Trường ca gồm 10 chương, trong đó có những chương mang hình tượng gây xúc động như chương: Đàn bê và trẻ nhỏ hay Khúc hát mười cây xanh.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bộc bạch khi trường ca được tái bản lần hai: Tôi muốn cho mọi người biết rằng Đồng Lộc cũng có một trường ca. Đọc “Con đường của những vì sao” để hiểu hơn quá khứ thông qua một thể loại giàu cảm xúc. Bạn đọc trẻ sẽ hiểu hơn về chiến tranh, hiểu chiến tranh bằng cảm xúc chứ không chỉ đơn thuần là những bài học lịch sử. Những con người sau chiến tranh tiếp nhận quá khứ bằng cảm xúc và bằng tâm hồn. Tôi muốn hâm nóng lên một tinh thần đối với quá khứ, đối với sự hy sinh. Mọi người hãy nhớ về Đồng Lộc linh thiêng.
Tập trường ca thứ hai phải kể đến đó là tập “Ngã ba Đồng Lộc” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tập hợp và xuất bản nhân Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân (2006-2008). Trường ca gồm bảy chương được sáng tác từ năm 1998-2006 là chuỗi hồi ức, tình cảm, niềm trân trọng của nhà thơ đối với 10 nữ anh hùng, ngã ba Đồng Lộc và các lực lượng chiến đấu trên mảnh đất này.
Ai đã đi qua năm tháng hào hùng đó không thể không nhớ đến bài thơ đầu tiên gắn với 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, đó là “Cúc ơi” của nhà thơ Yến Thanh. Khi lượt bom thứ 15 của máy bay Mỹ trút xuống cửa hầm để rồi 10 cô TNXP kiên cường không rũ đất đứng lên như bao lần khác nữa, sau hai tiếng đồng hồ tìm kiếm vẫn không tìm thấy thi thể của cô gái thứ 10 - đội phó Hồ Thị Cúc thì cả mặt trận xúc động rồi rưng rưng òa khóc.
Như một niềm thiêng, khi những vần thơ cất lên thì ba ngày sau đồng đội tìm thấy thi thể chị Cúc nằm sâu trong lòng đất đá với mười đầu ngón tay thâm tím của một người ra sức bới đất chui lên nhưng không thành bởi hầm sâu quá.
Đến ngã ba Đồng Lộc, ai người không xúc động trước “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng gồm 4 khổ, 24 câu, được khắc trên bia đá, đặt cạnh 2 cây bồ kết được trồng sau khi bài thơ của ông ra đời. Bài thơ đã được dịch sang tiếng Anh và có thể sắp tới đây, bản dịch sẽ được khắc lên bia đá bên cạnh bản khắc tiếng Việt đã được dựng tại nghĩa trang Đồng Lộc.
Khúc hát về 10 bông hoa trinh liệt
Hình ảnh 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc luôn đi vào các ca khúc trữ tình bằng niềm trân trọng và cảm xúc đặc biệt của người nghệ sỹ. Đó là những khúc hát đi cùng năm tháng, là: “Ngã ba chiều” của nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, “Hát mãi tên em mười cô gái” của nhạc sỹ Chu Minh, “Người con gái sông La” của nhạc sỹ Doãn Nho, “Mười bông hoa một con đường” của nhạc sỹ Trần Long ẩn...
Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đồng Lộc và cũng là 40 năm ngày 10 nữ TNXP ngã ba Đồng Lộc hy sinh, hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác ca khúc về 10 bông hoa trinh liệt ngã ba Đồng Lộc do Báo Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh tổ chức, nữ nhạc sỹ Quỳnh Hợp đã viết riêng tặng 10 cô gái anh hùng 10 ca khúc (phổ thơ nhiều tác giả) tập hợp trong Album “Ngã ba huyền thoại” - tên album cũng là tên ca khúc hip-hop nhạc đỏ đầu tiên của Việt Nam có mặt trong album này.
Bài hát được giới trẻ đón nhận bằng niềm hào hứng, yêu thích bởi sự gần gũi trong ca từ và giai điệu, nhất là khi được thể hiện bằng giọng ca của nữ ca sỹ Tóc Tiên - nữ ca sỹ tuổi đôi mươi - lứa tuổi trẻ trung xuân sắc như các chị ngày nào.
Bốn mươi năm qua, những tác phẩm nghệ thuật với nhiều phương thức thể hiện phong phú lại dày thêm theo năm tháng, xúc cảm mỗi khi thắp nén hương lên mười ngôi mộ của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc mãi nguyên sơ trong lòng người. Và ta lại miên man trước những dòng thư bất tử của đội trưởng Võ Thị Tần gửi mẹ “… Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con…”.
Võ Ánh Hồng