Nắm bắt thị hiếu của du khách để xây dựng điểm đến hấp dẫn

ANTD.VN - Ngày 24-4, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Du lịch năm 2017. Tại hội nghị, 150 cán bộ đến từ Sở Du lịch cùng Phòng Văn hóa thông tin của 30 quận, huyện, thị xã cùng một số doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch trên địa bàn Thủ đô đã tập trung trao đổi một số vấn đề vướng mắc trong quá trình nghiên cứu và triển khai Luật Du lịch.

Hà Nội có tiềm năng thu hút du khách bởi các sản phẩm du lịch, văn hóa, làng nghề

Du khách là trung tâm

Theo ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, với vai trò làm công tác quản lý về du lịch tại địa phương, Sở đề nghị các cán bộ quản lý du lịch tại các xã, phường, quận, huyện của Hà Nội hiểu rõ Luật Du lịch 2017, quan tâm đến các nội dung của luật quy định về các vấn đề như: sản phẩm du lịch, chất lượng sản phẩm du lịch, quy định đăng ký kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế, vấn đề điểm đến và kết nối điểm đến...

Đáng chú ý, điểm nổi bật, xuyên suốt trong Luật Du lịch 2017 là khách du lịch được đưa vào trọng tâm. Các điều khoản được quy định trong luật đều xoay quanh trục đảm bảo lợi ích của khách du lịch. Do đó, các điểm đến cần nghiên cứu kỹ thế mạnh, tiềm năng của địa phương cũng như thị hiếu của du khách.

Thủ đô Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, các địa phương muốn phát triển điểm đến liên quan đến tài nguyên cần nắm được trên địa bàn có bao nhiêu điểm đến có khách du lịch tham quan. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, các địa phương cần điều tra cơ sở dữ liệu từ hệ thống tài nguyên, cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ cho công tác phát triển sản phẩm du lịch, cung cấp các thông tin về điểm đến cho du khách.

Ông Trần Đức Hải cũng thông tin, vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, các chuyên gia điều tra khảo sát và có số liệu như sau: Du khách đến Hà Nội chi tiêu 33% cho lưu trú, 23% ăn uống, 13% cho di chuyển; còn lại các hoạt động tham quan, mua sắm, sử dụng dịch vụ khác, du khách chỉ chi trả 30% “túi tiền” của họ. Ông Trần Đức Hải đánh giá, con số cho thấy, cần khuyến khích du khách chi tiêu tại điểm đến nhiều hơn.

Để làm được điều này, các địa phương cần lựa chọn 1-2 điểm đến tham quan, di tích để phát triển sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách và kéo dài thời gian trải nghiệm của họ. Nếu khai thác tốt, những tour tuyến liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa có thể tổ chức quanh năm, tránh được tình trạng phụ thuộc vào mùa vụ “làm 3 tháng, chơi 9 tháng”. Đặc biệt, du lịch làng nghề có thể kết hợp với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách, làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch. 

Phát triển du lịch: “Câu chuyện bó đũa”

Hội nghị triển khai Luật Du lịch năm 2017 đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các địa phương. Đại diện huyện Thanh Oai (Hà Nội) chia sẻ, huyện hiện đang “ấp ủ” một cuốn sách giới thiệu các điểm đến trên địa bàn để thuận tiện cho doanh nghiệp lữ hành, du khách tìm hiểu. Đại diện huyện Thanh Oai kỳ vọng, trong thời gian tới, sẽ có các tour du lịch gắn kết các huyện trên địa bàn Thủ đô để du khách có một hành trình hấp dẫn, đồng thời tạo sự sôi nổi, đoàn kết, hợp tác giữa các địa phương trong việc phát triển du lịch.

Ông Vũ Hồng Hải - Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ, Hà Nội chia sẻ, hiện huyện đang dự kiến xây dựng một thư viện video trực tuyến. Ông Vũ Hồng Hải hy vọng trong thời gian tới, nhiều du khách trong nước và quốc tế sẽ biết đến huyện Phúc Thọ và mô hình du lịch sinh thái.

Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải nhấn mạnh, khi địa phương hiểu rõ những cái hay cái đẹp và tiềm năng sẵn có, tinh thần xây dựng điểm đến sẽ tốt hơn. Đồng thời, các địa phương cần chủ động, xây dựng thông tin điểm đến để thuận tiện tuyên truyền quảng bá tới du khách và tránh tình trạng hướng dẫn viên thuyết minh sai lệch.

Sở Du lịch Hà Nội triển khai đồng bộ những điểm mới của Luật Du lịch năm 2017, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của luật đến cán bộ, công chức, viên chức, nguời lao động và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thủ đô.