Muốn nổi tiếng phải biết cách... bán hàng

ANTĐ - Cộng tác với nghệ sỹ nổi danh hoặc tận dụng những scandal đình đám, đó là “chiêu thức” mới của các tác giả trẻ tận dụng để tăng độ “nóng” cho tác phẩm của mình.

Muốn nổi tiếng phải biết cách... bán hàng ảnh 1Buổi ra mắt sách của Hà Thanh Phúc (giữa) có sự xuất hiện của cặp đôi nổi danh Đông Nhi - Ông Cao Thắng

Trào lưu “sách đính kèm nhạc” 

Có lẽ thấy được cái lợi đôi đường của sự cộng hưởng giữa sách và nhạc, một vài năm trở lại đây, người ta thấy những sản phẩm “2 trong 1” này được tung ra thị trường với tần suất nhiều hơn. Anh Khang, tác giả của những kỷ lục về bản in như “Ngày trôi về phía cũ” (45.000 bản), “Đường hai ngả người thương thành lạ” (55.000 bản), “Buồn làm sao buông” (70.000 bản), còn được biết đến nhờ những bài hát chuyển thể từ truyện . Một trong những tác phẩm ăn theo tập truyện đình đám của tác giả này là “Ngày trôi về phía cũ”. Được tác giả Dương Trường Giang sáng tác dựa trên cảm hứng từ cuốn sách, với sự thể hiện của Trung Quân Idol, ca khúc này đã cán mốc hơn 1 triệu lượt nghe trực tuyến, góp phần không nhỏ làm tăng độ “hot” cho cuốn sách cùng tên. 

Hamlet Trương, một cây bút khá quen thuộc với giới trẻ cũng là người chăm chỉ phổ nhạc cho chính những cuốn sách của mình. Những tác phẩm “con cưng” của Hamlet Trương, như: “Ai rồi cũng khác”, “Mỉm cười cho qua”… càng  ăn khách sau khi được đính kèm với những phiên bản âm nhạc cùng tên. Đáng nói là, tác phẩm của cả Hamlet Trương và Anh Khang đều không thể hiện nhiều đột phá về văn chương, vẫn chỉ loanh quanh những cảm xúc trong tình yêu, nỗi cô đơn của người trẻ trong cuộc sống hiện đại. Cái tài của họ là đã biết “đánh” vào đúng thị hiếu giới trẻ. 

“Thấy người ăn khoai, vác mai…”, các cây bút không mấy tên tuổi cũng tận dụng hết cỡ cách này để đánh bóng tên tuổi của mình. Hà Thanh Phúc - một cái tên còn khá lạ lẫm bỗng được chú ý khi kéo được Phạm Hồng Phước và Suni Hạ Linh hát “Cảm ơn người đã rời xa tôi”, ca khúc cùng tên với cuốn sách của mình. Thậm chí, sức hút của tác giả này còn được đẩy lên thêm sau khi một loạt nhân vật nổi danh trong giới nghệ sỹ trẻ như Đông Nhi, Ông Cao Thắng hay siêu mẫu Thanh Hằng cũng nô nức viết lời bạt cho tác phẩm. Thôi thì dù sao cũng phải thấy mừng vì nhờ thế mà giới trẻ chịu tiếp nhận văn chương “quốc nội”, chứng cứ là những câu nói, lời thoại đi ra từ sách được thuộc làu khi “nhạc hóa”. 

Muốn nổi tiếng phải biết cách... bán hàng ảnh 2Bà Tưng “Huyền Anh” với cuốn sách mới kể về cuộc đời tai tiếng của mình

Mượn danh người nổi tiếng, mượn cả scandal

Không chỉ tận dụng triệt để lợi thế âm nhạc, các cây bút trẻ hiện nay còn có vô số chiêu thức để tăng số lượng phát hành. Một trong số đó là mời những người nổi tiếng đến ra mắt sách. Tại cuộc ra mắt cuốn sách “Mười ba” mới đây của tác giả Sơn Paris, người ta bỗng thấy sự góp mặt của ca sỹ Miu Lê, MC Thanh Vân Hugo, Ngô Thủy Tiên (chương trình “Bước nhảy ngàn cân”)… cùng một loạt tên tuổi nổi danh trong giới showbiz. Hình như nhờ thế mà buổi ra mắt trở nên rôm rả, thu hút được bao nhiêu là phóng viên. Có điều, người ta lại đổ dồn vào những cái chớp đèn, tạo dáng phía sau sân khấu, hơn là nội dung của tác phẩm.

Cũng chính sự phù phiếm khiến người đọc chú ý đến danh xưng “hot boy” của tác giả, hơn là trình độ, khả năng viết lách của anh chàng này, dù Sơn Paris vốn dĩ là “có bột”: Thủ khoa Pháp ngữ của Học viện Ngoại giao, giải nhì Tài năng tiếng Pháp 2012, Giải nhất Tìm kiếm tài năng dẫn chương trình… Gây sốc nhất vẫn là trường hợp của Lê Thị Huyền Anh - vốn nổi danh với nick “Bà Tưng”. Sau một loạt scandal rùm beng, cô gái trẻ sinh năm 1993 bỗng trở nên “đoan trang” khi cho ra mắt cuốn sách đầu tay “Lạc giữa thanh xuân”. Có một điều độc giả dễ dàng nhận ra trong tác phẩm này, nhân vật cô gái Bi Ti trong cuốn sách với những tai tiếng, lỗi lầm, cả những phút ê chề, xót xa… chính là nguyên mẫu của Huyền Anh.

Ở buổi ra mắt sách mới đây, Huyền Anh đã khóc hết nước mắt khi kể về những tháng ngày “sống dựa scandal” trong quá khứ, khẳng định không bán sách vì lợi nhuận, mà vì muốn độc giả có một cái nhìn cảm thông hơn với mình. Chỉ có điều, không ai đảm bảo sự chuyển hướng tiếp cận với công chúng theo cách này có thể phát huy được tác dụng, khi độc giả vốn quá quen thuộc với hình ảnh một “Bà Tưng” táo bạo, thích phô trương và khoe da thịt trước đây. 

Có thể thấy trong một thị trường sách khá dễ tính hiện nay, doanh số chưa chắc đã đảm bảo cho tài năng và trình độ của người cầm bút cũng như chất lượng của tác phẩm. Viết sách là một chặng đường dài, các tác giả trẻ vẫn phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn chứng minh được năng lực cũng như tìm được sự công nhận từ phía công chúng. Vậy nên, dẫu có vô vàn chiêu thức để bán được sách, nhưng hãy cẩn thận, đừng để mình bị cuốn theo cái bóng hư danh.