Mùa xuân, mùa tình tự

(ANTĐ) - Loài chim có yêu nhau không? Có chứ! Không những chỉ biết yêu nhau, mà có loại chim yêu nhau nồng thắm, cuồng nhiệt. Cũng như con người, mỗi dân tộc có một cách biểu hiện tình cảm, thì đối với chim mỗi loài cũng có một cách tỏ tình khác nhau.

Mùa xuân, mùa tình tự

(ANTĐ) - Loài chim có yêu nhau không? Có chứ! Không những chỉ biết yêu nhau, mà có loại chim yêu nhau nồng thắm, cuồng nhiệt. Cũng như con người, mỗi dân tộc có một cách biểu hiện tình cảm, thì đối với chim mỗi loài cũng có một cách tỏ tình khác nhau.

Chim mỏ ác thường tình tự với nhau vào lúc mặt trời mọc. Những tia nắng đầu tiên của ban mai vừa rọi xuống, chúng cất lên tiếng hót lanh lảnh, phơi phới. Tiếng con cái trong trẻo, vang xa. Tiếng con đực mạnh mẽ và trầm hùng. Một chốc sau, như đã định được hướng đi của tình yêu, tiếng ca tạm lắng xuống, chúng im lặng hồi hộp chờ đợi phút giây thiêng liêng của ái tình.

Con cái đậu yên trên mô đất. Con đực từ xa bay tới, dang đôi cánh rộng và từ từ hạ xuống đạp nhẹ chân vào lưng con mái. Phút giao hoan bắt đầu, con đực cất lên tiếng ca vang làm rung động cỏ cây mây nước. Con cái hoàn toàn im lặng trong niềm đắm say vô tận.

Gà rừng thì ngược lại, chúng thường tìm bạn tình vào lúc hoàng hôn. Suốt cả một ngày chúng cần cù, vất vả tìm kế sinh nhai. Khi mặt trời lặn, hất lên bầu trời ráng nắng vàng rực, tiếng chim xao xác về tổ, bỗng gà rừng cất lên âm thanh tục... tục... Gà trống đậu trên cành cây gáy liên hồi. Gà mái nghe tiếng gà trống gọi, lần đường tìm đến, rồi rủ nhau vào rừng tình tự trong lùm lá rậm. Nếu con mái chưa đến thì con trống cứ tiếp tục gáy cho đến lúc cả khu rừng tối sẫm.

Chim dẽ giun trốn biệt suốt mùa đông lạnh giá. Chúng không tụ thành đàn, mà tản mát mỗi con một nơi. Nhưng hễ xuân về, trời trở ấm là chúng náo nức tìm nhau. Hầu như chúng rất thính nhạy với sự thay đổi của thời tiết. Đợt rét kéo dài, hoàn toàn vắng bóng dẽ giun. Chợt một ban mai hửng lên tia nắng đầu tiên của mùa xuân, lác đác vài ba chú dẽ giun bay ra bãi cỏ.

Rồi tiếp sau đó, hàng loạt chú dẽ giun bay ra. Điều đó báo tin chắc chắn đợt rét đã qua. Công việc đầu tiên của dẽ giun đực là đi tìm mái. Chúng chao lượn từng quãng ngắn cho đến lúc gặp được dẽ giun cái thì lập tức hai bên cùng ý hợp tâm đầu một cách say sưa dường như để bù lại thời gian giá rét phải đằng đẵng cách xa nhau.

Chim hồng hoàng yêu nhau rất mực thủy chung. Sau những ngày trăng mật, cô vợ có mang bỗng đẹp lên một cách rực rỡ, càng có sức quyến rũ chồng. Nhưng ôi thôi, sắp đến ngày sinh nở, cô phải tìm một hốc cây kín đáo để nghỉ ngơi rồi nằm luôn trong đấy cho đến lúc đẻ trứng nở thành con. Chồng cần mẫn đi tha đất sét đắp kín gốc cây, chỉ để chìa cái mỏ của vợ ra ngoài. Suốt thời gian nằm trong hốc vợ phải trút trụi cả bộ lông để lót ổ cho con nằm.

Và cũng suốt thời gian ấy, chồng lam lũ tha mồi về bón vào cái mỏ của vợ chìa ra. Vợ ăn rất khỏe, chồng càng vất vả tìm mồi. Khi những đứa con chào đời, chồng mổ cho vỡ đất và sung sướng đón vợ con ra. Nhưng lúc này thì, buồn cười, hai hình ảnh tương phản, vợ béo quay quắt còn chồng thì gầy trơ xương. Giống như con người vậy: “Trai nuôi vợ đẻ gầy còm...”.

Chim phượng hoàng cũng yêu nhau tương tự như chim hồng hoàng. Suốt thời kỳ vợ đẻ, phượng hoàng chồng phải vô cùng vất vả. Nhiều lúc người miền núi đến bắt vợ con mình, phượng hoàng chồng phải xông vào mắt để mổ. Cho nên người đi bắt phượng hoàng phải đội nồi lên đầu che lấp mặt... Một hiện tượng rất thú vị, sau mỗi mùa đi bắt phượng hoàng con, các cặp gái trai yêu nhau và trở thành vợ chồng thắm thiết như vợ chồng phượng hoàng.

Chim bồ câu yêu nhau rất nồng nàn. Khi đã kết thành đôi rồi thì kẻ thứ ba không dễ gì mà xông vào được. Chúng cũng ghen tuông ra trò, nếu cần thì dùng cả vũ lực để bảo vệ tình yêu. Một cặp trống mái thong dong dắt nhau đi tìm mồi, nếu có cô bồ câu xa lạ đến gần, bồ câu vợ sẽ đuổi thẳng tay, cô bồ câu kia còn lân la lần thứ hai thì cô bồ câu vợ xông vào đánh rất đau. Vì thế ca dao có câu: “Vợ chồng như đôi chim cu/ Chồng thì đi trước, vợ gật gù theo sau”.

Nhiều loài chim yêu nhau thắm thiết, thủy chung, không kém gì con người. Tình yêu tự nhiên ấy đã vào chuyện cổ tích với những tình tiết lý thú làm say lòng người. Truyện cổ tích về chim từ quy chẳng đã cho ta một bài học đó sao? Ngày xửa ngày xưa, có đôi trai gái làm con ở cho một nhà giàu. Họ yêu nhau thắm thiết, lúc nào cũng quấn quýt bên nhau. Một hôm, họ dắt nhau đi chơi, bỏ đàn trâu đói, bị chủ nhà đánh đập tàn nhẫn và không cho gần gũi nhau nữa.

Đêm đêm, họ lén lút tìm gặp nhau. Bỗng chủ nhà bắt được và đánh cho đến chết. Họ hóa thành đôi chim từ quy. Đêm nào họ cũng hót vang tìm nhau. Nhưng chết rồi, họ vẫn sợ roi đòn của chủ, nên đêm đêm, nghe tiếng hót của nhau, họ tìm đến gần nhau mà không dám gặp mặt, trời gần sáng, họ cất cánh bay về hai ngả.

Trong ca dao, có câu nói về mối tình đau đớn ấy:

Đôi ta như chim từ quy

Ngày không thấy mặt, đêm đi kêu sầu

Thỉnh thoảng bên nhau

Mỗi con một núi

Kêu từ chập tối

Cho tới canh khuya

Sầu này biết để ai chia...

Vũ Hậu Luật