Mùa nước nổi lừng danh vùng Đồng Tháp Mười

ANTD.VN - Chuyến đi Cao Lãnh được tôi quyết định có vài phút và chuẩn bị trong một tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau dậy sớm bay chuyến thứ hai trong ngày và khi vào đến TP.HCM nắng bưng tràn rực rỡ. Tôi đặt vé TP.HCM - Cao Lãnh của Phương Trang - hãng xe buýt đường dài nổi tiếng nhất miền Tây.

Mỗi ngày Phương Trang cung cấp 14 chuyến đi Cao Lãnh, tiếng có một chuyến, tiện còn hơn di chuyển ở Âu - Mỹ. Tôi lên xe chuyến 10 rưỡi sáng, khấp khởi hy vọng mùa nước nổi lừng danh của vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn. Mùa nước nổi còn thì sen còn. Vùng đất của những đóa hoa sen khổng lồ, nơi mà một người có thể ngồi trọn lên cả lá sen.

Giữ nếp nhà một cách nên thơ

Nắng dịu ngọt và hanh hao. Nắng đọng lại trên hàng rào hoa giấy của những căn biệt thự trong làng. Thẩm mỹ của người miền Tây thật đáng nể. Càng đi sâu vào những con đường dẫn ra xa dần trung tâm Cao Lãnh, càng thêm phần kinh ngạc vì sự tinh tế trong kiến trúc của nông thôn Nam bộ. Dọc những con đường dẫn về Tràm Chim, Gáo Rồng có tới vài trăm ngôi nhà xinh đẹp như thế. Thậm chí ngay cả khi vào làng bạn vẫn có thể nhìn thấy “biệt thự” ẩn mình giữa cánh đồng hoa.

Có gì đâu, lý do là vì người làng họ xây nhà tường trắng, cửa sổ trắng rộng hết mặt tiền, bao lơn và hàng rào gỗ cũng trắng muốt với dây leo, hoa giấy vấn vít. Thế là thành biệt thự. Thiết kế có phần còn đẹp hơn nhà hồ Tây - nơi trú ngụ của các công dân hạng một đất Hà thành. Ngay cả những gia chủ nghèo nhất vùng Cao Lãnh cũng giữ cho nếp nhà mình một cách nên thơ. Con gái tôi ngồi sau xe, bảo: “Mẹ ơi, đây là nơi quay cảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Cả hai mẹ con đều biết trường quay của bộ phim “cháy” rạp ấy là ở nơi khác, nhưng đều sững sờ vì những gì tưởng chỉ là kỹ xảo điện ảnh bỗng đang trải dài trước mắt.

Người đi Gáo Rồng thường chọn đường cái to mà đi, ấy là vì họ chạy xe ô tô. Tôi thuê xe máy nên len lỏi đi đường tắt xuyên qua những ngôi làng, có lẽ cũng vì vậy mà được chiêm ngắm những cảnh quan độc nhất vô nhị mà chẳng khách du lịch xe hơi máy lạnh nào có cơ hội trải qua. Những con đường làng nhỏ xíu lốm đốm nắng ấy chạy dọc theo rãnh kênh cùng với dãy nhà khiêm tốn, tùng tiệm mà gọn gàng sạch sẽ làm bằng gỗ nâu cũ kỹ.

Từ những mái hiên nhỏ nhắn ẩn dưới bóng râm của hai hàng cây lưu niên có thể trông ra cánh đồng vàng ruộm chạy mãi tới chân trời. Không biết dân làng có biết giá trị của hạnh phúc ấy, khi tránh xa thị thành ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn để được ngồi trong gió vừa hít hà mùi ngây ngát của đồng nội mà ngắm đàn vịt nguây nguẩy cái đuôi bơi thành hàng thẳng tắp dưới dòng kênh.

Đường làng miền Tây vắng vẻ, thảng hoặc mới lại thấy một tốp học sinh bé đạp xe đến trường, bánh xe lăn qua những rơm rạ và bình yên. Đường vào Gáo Rồng đã được trải nhựa. Từ ngã ba có bồn hoa tím dịu dàng, thinh lặng như một thị trấn châu Âu, chạy thêm dăm cây số nữa là đến khu du lịch. Trong ấy luôn nhộn nhịp tiếng cười nói vang rộn cả dòng kênh.

Những cô gái chèo xuồng mặc áo bà ba đủ màu sắc đang chậm rãi khỏa nước một cách dịu dàng. Màu áo của các cô và chiếc xuồng thanh mảnh như một vệt lá đã phết thêm sắc màu sống động cho dòng kênh xanh ngắt. Tôi thuê một chiếc xe bò để chạy vào khu vực dành riêng cho việc ngắm chim, dù chả thấy bóng con chim nào. Con bò cắm đầu cắm cổ phi trên lối mòn, bực tức vì bị gã lái bò quất liên tục lên mông, chưa kể đã è cổ kéo xe còn bị mấy anh chàng du khách dưới xuồng cười toe toét chõ lên bờ hò hét: “Đi đâu mà chạy dữ ta. Quẩy lên”. 

Bóng tối bên những dòng kênh và đầm lầy

Muỗi mòng miền Tây có lẽ là cơn ác mộng nhất ở xứ này. Chúng to hầu bằng con ruồi, vù vù đuổi theo cỗ xe bò và táo tợn đậu lên bất cứ chỗ nào có thể hút máu. Những tiếng bôm bốp vang lên trước khi để lại những vệt máu dài trên ống chân trần. Gáo Rồng không đẹp bằng Tràm Chim, nhưng không khí náo nức hơn bởi khu chợ ẩm thực sầm uất. Ở đó người ta bán những món đặc sản của Cao Lãnh là bánh gói, bánh lá, bánh cắp, bánh da lợn (hầu thứ gì cũng được phết nước cốt dừa) và đặc biệt là chuột đồng quay lu.

Những con chuột được xẻ làm đôi rồi nướng vàng ruộm, thơm lừng trên bếp than. Tôi ngó mà bụng không dám thử. Tuy nhiên tối hôm trước ở Tràm Chim, tôi cũng được thưởng thức vài món địa phương là tép xào bông điên điển và lẩu mắm cá linh. Nồi lẩu sẽ kèm với một rổ bông điên điển vàng ươm. Thả hoa ấy vào nước, ta ăn thay rau.

Món ăn phổ biến ở đây là chuột bắt ngoài đồng, hoa điên điển hái ngoài vườn và tráng miệng bằng các sản phẩm sen Đồng Tháp Mười: sen sấy, sen sữa… Ngồi ăn những món kỳ lạ ấy trên cái chòi đua ra dòng nước, vừa ăn vừa đưa tay vợt những con muỗi khổng lồ trong ánh đèn vàng quạch đang cố gắng chống chọi với bóng tối bắt đầu xâm lấn lên những dòng kênh và đầm lầy, tôi thấy… chẳng còn hạnh phúc nào hơn thế. Đó là thứ hạnh phúc độc nhất vô nhị khi ta lần đầu tiên trải nghiệm những gì chỉ loáng thoáng qua màn ảnh nhỏ. 

Chẳng còn đâu thấy rợp trời cánh trắng

Nếu xét về cảnh sắc thiên nhiên thì Vườn quốc gia Tràm Chim có thể còn quyến rũ tôi nhiều lần nữa, chỉ để được ngồi trên chiếc xuồng máy chạy dọc theo những kênh rạch chằng chịt có màu xanh lục quyến rũ. Xuồng chạy vài cây số thôi, nhưng ngần ấy cảnh đẹp lộng lẫy hiện ra trước mắt khiến người lữ khách đã kiệt sức vì chặng đường dài không thôi xúc động. Những đồng cỏ năng, lác nước, đầm lầy lặng yên dưới chiều tà lộng gió.

Đây là nơi sinh sống của vô số loài cò, vạc, diệc và đặc biệt là sếu đầu đỏ. Tuy nhiên chim thì cũng loáng thoáng thôi. Dân sống xung quanh rừng tràm không thể ngăn được cám dỗ đốn củi, bắt chim về làm của riêng, dù là chim sách đỏ, cây quý hiếm thì cũng đun lên thành nồi nước xáo mà cho vào bụng hết. Giờ đi cả nước chẳng còn đâu thấy rợp trời cánh trắng nữa. Lác đác bóng cò bay đã còn là may lắm vì chưa bị tuyệt chủng. 

Tôi cũng sẽ nhớ mãi con đường rừng tràm tuyệt đẹp chạy dài từ huyện Tam Nông, nơi hình ảnh những người chèo đò đội nón khổng lồ được tết bằng cành cây trở thành biểu tượng ngay giữa ngã ba thị trấn. Con đường rừng bất tận len giữa hai hàng tràm khiến tôi cứ bằng lòng mà đi mãi giữa những nên thơ ấy. Ở đây chỉ có tràm và chim nên người ta đặt tên nó là Tràm Chim.

Đơn giản vậy thôi. Người thị trấn có lẽ sống trong buồn tẻ của rừng chàm và lác đác cánh cò nên ngày ngày thú giải khuây duy nhất là ra cà phê võng. Khắp miền vườn xứ này, phổ biến một thứ mắc cười với người dân Bắc là cà phê võng. Cứ vài trăm mét là lại thấy một quán như thế trên mặt lộ. Quán không có bàn ghế mà chỉ mắc võng. Khách đến quán thường ngả lưng trên võng mà thảnh thơi lướt mạng và uống cà phê, tiện thì ngủ luôn một giấc không sao. Có lẽ cà phê võng là nơi để người ta ngả lưng sau nửa ngày làm việc mệt nhọc hơn là để uống cà phê và tán dóc.