Mưa mùa hạ

(ANTĐ) - Những tiếng sấm chợt ầm ầm ở đằng Đông, lúc nửa đêm. Sấm đầu mùa đấy! ở nông thôn, nghe sấm đầu mùa để đoán mùa màng. Nếu sấm vào lúc đói thì năm ấy mất mùa. Sấm vào sau bữa cơm ăn no thì sẽ được mùa.

Mưa mùa hạ

(ANTĐ) - Những tiếng sấm chợt ầm ầm ở đằng Đông, lúc nửa đêm. Sấm đầu mùa đấy! ở nông thôn, nghe sấm đầu mùa để đoán mùa màng. Nếu sấm vào lúc đói thì năm ấy mất mùa. Sấm vào sau bữa cơm ăn no thì sẽ được mùa.

Sấm nửa đêm có nghĩa là mùa được. Sấm đầu mùa mà gió không ào qua, mưa không đến gọi là sấm khan. Sấm khan đầu mùa. Người ta nghiêng tai nghe ngóng. Nếu sấm lúc đầu nhỏ, dần rền và ầm ầm, kéo theo cả một góc trời mây đen đến, rồi gió, rồi mưa dội xuống mái nhà, một trận mưa rào mát mẻ! Gió thổi lộng, có khi bật cửa sổ, nhà nào cửa hậu mở toang, không khép, mưa hắt vào, thì phải dậy mà khép cửa. Mưa đầu mùa dễ chịu, đưa người vào những giấc ngủ ngon. Đó là những trận mưa đêm.

Vào hè, mưa ngày thường hay mưa sớm. Mưa lác đác mấy hột dạo đầu, rồi mưa ào ào qua một trận ngắn, rồi lại tạnh. Đầy trời mây móc... Phố không sáng như những buổi nắng sớm. Gió mát. Mây xám kéo qua. Mưa ào ào một trận nhỏ. Trên đường đến công sở, lại phải dừng xe, lấy áo mưa ra mặc. Mưa như trêu ngươi.

Mùa hè, người thành phố, ngoài đám công chức, doanh nhân phải đến nhiệm sở, còn những người lo việc riêng, việc gia đình, thường hay lo việc vào buổi sáng. Những cô cậu sinh viên mới ra trường, đi xin việc, những người phải ra đường kiếm sống, những quý bà rỗi rãi đi shopping... cũng phiền hà đôi chút đấy! Nhưng không sao, thời hiện đại thiếu gì phương tiện. Người giàu có thì gọi taxi mà lên, còn những cô cậu sinh viên, nếu mưa đầu mùa có đùa dai một chút, thì trú vào một mái hiên nào đó, biết đâu lại chẳng có một kỷ niệm đẹp sau này...

Mưa đầu mùa, báo hiệu mùa phượng nở, mùa ve kêu, mùa thi cử... Đó là những trận mưa đem đến những hồi hộp, những lo toan và những hy vọng cho tuổi học trò. Mưa mùa hè làm cho những quán cà phê bớt khách, nhưng những quán trà lại ấm cúng mà đông.

Vào những năm tháng thuận mưa, thuận gió, mùa hè cũng bớt gay gắt. Nhưng những năm gần đây, trái đất nóng dần lên, nắng ra nắng, mưa ra mưa, thì phố xá mùa hè cũng nhiều nỗi lắm. Người Hà Nội đông thêm, xe cộ nhiều thêm, cửa hàng, cửa hiệu dày thêm. Những hôm 35, 36 độ trời đã nóng thì nhìn vào đâu như cũng thấy nóng thêm chút nữa. Mặt đường từ xế trưa trở đi, đến khoảng bốn, năm giờ chiều thì khỏi nói. Trừ những người được ngồi trong ôtô có máy lạnh, chứ những ai đi xe máy, xe đạp, cuốc bộ sẽ nếm đủ trận “nắng hành”.

Vậy mà vào buổi chiều tối, trận mưa từ biển kéo về, mưa non một tiếng đồng hồ. Lại trú mưa, lại đứng ở hàng hiên nhìn cả một màn mưa trắng xóa giăng đầy dọc phố. Dãy bàng đang đầy bụi bỗng như được tắm gội. Nghe những làn mưa rớt từ lá xuống cũng đủ thấy cây vui đến chừng nào.

Nhưng những trận mưa mùa hạ có khi lại quá cỡ, kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ. Những ai đi ôtô, xe máy, thoát nhanh về trước thì hả hê, thay quần áo, tắm giặt rồi ngồi vào mâm cơm chiều của gia đình, cũng có cái thú riêng. Song những ai mắc kẹt trong quán bia, quán ăn, hoặc mải việc chưa rời nhiệm sở kịp thì, hỡi ơi, trên đường về, ở những đoạn đường phố thấp đã gặp những đoạn “sông” ngắn chặn lại.

Có chỗ, vù xe máy đi đúng vào lườn đường cao thoát được, nhưng cũng có chỗ thì chỉ được một đoạn, nước ngập cả ổ máy, ôtô, nhất là xe máy nằm chết dí. Xe máy phải đẩy bộ qua, vừa thoát khỏi đoạn nước úng thì phải nhờ mấy bác đồ lề, sửa xe, tháo bu-gi, lau sạch, chỉ trả dăm bảy nghìn rồi mới đi tiếp nổi, mà không biết còn “vấp” phải mấy nỗi “đoạn trường” nào nữa. Cho nên, về mùa mưa, những “tay lái vĩ đại”, cần phải biết những con đường hay úng ngập để mà thoát nạn trời đày...

Hình như những trận mưa mùa hạ những năm này, đem theo cả những nỗi mừng giải nhiệt, mà cũng có lúc kèm theo cả những nỗi lo!

Ngô Văn Phú