Mùa lễ hội 2019: Bạo lực sẽ được giảm thiểu?

ANTD.VN - Đến hẹn lại lên, mùa lễ hội 2019 lại sắp bắt đầu. Bao nhiêu năm qua, cứ vào mùa lễ hội, truyền thông lại nóng lên với đủ các thông tin xoay quanh chuyện hội hè, nào thì bạo lực phản cảm, nào biến tướng, thương mại hóa. Làm thế nào để những lễ hội trở nên thanh bình, những ồn ào loạn đả cướp lương, cướp phết, cướp lộc, dẫm đạp lên nhau đến ngất xỉu… lại là những vấn đề ngả ra bàn thảo.

Mùa lễ hội 2019: Bạo lực sẽ được giảm thiểu? ảnh 1Thời gian gần đây, cướp phết Hiền Quan - Phú Thọ đã trở thành điểm nóng

“Khó nhất là làm cho người tham gia lễ hội hiểu”

Đó là câu trả lời của ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong một cuộc gặp mặt báo chí vào tuần qua, khi phóng viên đặt câu hỏi, vì sao không đưa việc tổ chức thành công Lễ hội Gióng (Sóc Sơn) 2018 trở thành một trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành văn hóa- thể thao trong năm 2018.   

Là một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, mùa lễ hội nào, Lễ hội Gióng cũng thu hút được sự tham dự của hàng chục vạn du khách trong cả nước. Một trong những hoạt động hấp dẫn và cũng khó kiểm soát nhất đấy là tục cướp lộc- cướp những vật phẩm được người dân của các thôn chuẩn bị và cung tiến lên Đức Phù Đổng Thiên Vương.

Nhiều năm qua, ngành văn hóa Thủ đô đau đầu vì chuyện này. Có năm, người tham gia lễ hội, đa phần là thanh niên, mang cả gậy gộc vào khu vực hành lễ, rồi thì sẵn gậy trong tay, xông vào cướp, tạo nên một màn ẩu đả rất phản cảm và thậm chí phản văn hóa.

Và để có được một lễ hội vui vẻ và đúng nghĩa như mùa hội 2018 vừa qua, đó thực sự là nỗ lực không nhỏ của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quản lý và chính quyền cơ sở. Song, đi đến thống nhất được chuyện thay vì cướp lộc - chuyển sang phát lộc đã có nhiều cuộc họp được tổ chức. Đó còn là sự lắng nghe và lấy ý kiến của người dân - chủ thể của lễ hội. Từ đó, đưa ra những giải pháp hài hòa và hợp lý. 

Khá thận trọng, ông Tô Văn Động cho rằng, Lễ hội Gióng 2018 ở Sóc Sơn vừa qua đúng là có những bước thành công khởi đầu, trên thực tế còn tiềm ẩn nhiều vấn đề mà chính các cơ quan quản lý đôi khi cũng chưa lường hết được. Vì thế cần có thêm thời gian để tạo thành ý thức cho người tham gia lễ hội, lắng nghe thêm những tâm tư tình cảm và cả những mong ước của chủ thể lễ hội, cùng với đó là sự vào cuộc đồng bộ của các nhà nghiên cứu, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý văn hóa… thì mới gọi là thành công.

Quyết tâm của ngành văn hóa Thủ đô trong mùa hội 2019 còn thể hiện ở chỗ, những lễ hội phi truyền thống, lễ hội truyền thống do doanh nghiệp đứng ra tổ chức... sẽ không được cấp phép. Những lễ hội đã được tổ chức định kỳ mà nảy sinh vấn đề gây bức xúc trong dư luận sẽ được tham vấn ý kiến cộng đồng, chuyên gia để lựa chọn hình thức phù hợp với đời sống văn hóa và xu thế thời đại. Sẽ có giải pháp chủ động, quyết liệt hơn để xóa bỏ những hành động phản cảm, tiêu cực, như: cướp lộc bạo lực, đốt vàng mã quá nhiều… 

Mùa lễ hội 2019: Bạo lực sẽ được giảm thiểu? ảnh 2Đổi mới phương thức phát lộc, Lễ hội Gióng 2018 đã không còn cảnh ẩu đả

Giải pháp tránh “vỡ trận”

Bắt đầu từ mùa hội trước, thay vì có những văn bản nhắc nhở mang tính hành chính thì Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Văn hóa cơ sở thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 đảm bảo cho các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh; giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội. Cục Văn hóa cơ sở cũng đã có nhiều đoàn tới làm việc với từng địa phương, nơi có các lễ hội nóng và phản cảm để cùng chính quyền địa phương và người dân tìm tiếng nói chung. 

Lễ hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) trong vài mùa gần đây luôn trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều yếu tố truyền thống đã bị biến tướng và trở nên xô lệch. Thay vì hình ảnh nét đẹp của lễ hội thì tràn lan cảnh tượng các thanh niên trai tráng lấm lem bùn đất, tranh cướp nhau đến ngất xỉu để tranh giành quả phết. 

Để tìm tiếng nói chung và lấy lại hình ảnh đẹp cho Hội Phết Hiền Quan, cuối tháng 12-2018, Lãnh đạo Cục văn hóa cơ sở đã có buổi làm việc với Sở VHTT&DL Phú Thọ  và một số địa phương có lễ hội điểm nóng. Trong cuộc họp này, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ cho biết, gần đây mùa lễ hội nào ông cũng thấy sốt ruột vì cướp phết. “Hiền Quan đã trở thành điểm nóng với nhiều hình ảnh lộn xộn, phản cảm. Nhiều ý kiến cho rằng báo chí chưa khách quan, nhưng phải thẳng thắn là họ nói không sai, ở lễ hội có xô xát thật chứ không phải không. Vì vậy, người làm quản lý phải ghi nhận và điều chỉnh. Cơ bản là chúng ta phải xây dựng được đề án đổi mới và có biện pháp khắc phục...”

Trước đó, vào tháng 9-2018, Đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông) được xây dựng và hoàn thiện. Theo đó, phương án đổi mới được đưa ra thời gian tổ chức lễ hội vào hai ngày 12 - 13 tháng Giêng, phần lễ được tổ chức vào các buổi sáng và phần hội được tổ chức vào các buổi chiều. Nhằm hạn chế hình ảnh phản cảm, bạo lực, UBND xã Hiền Quan đề xuất phương án “kết hợp cách đánh phết truyền thống với cách đánh phết hiện tại”. Khu vực đánh Phết được bố trí trên diện tích 1.000m2, BTC lễ hội cắm cây nêu, cọc tre, giữa các cột căng các dải băng làm giới hạn. Chấm dứt việc tranh phết, người chơi đưa được quả phết ra khỏi ranh giới này sẽ là người thắng cuộc. Đặc biệt, các biện pháp kiểm soát cũng được tính đến, tránh tình trạng “vỡ trận”. 

Theo dự kiến, trung tuần tháng 1-2019, toàn bộ kế hoạch tổ chức mùa lễ hội 2019 của các địa phương sẽ gửi về Bộ VHTT&DL. Tình trạng tranh cướp, loạn đả, phản cảm sẽ được cơ quan quản lý văn hóa chủ động kiểm soát và phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn. Hy vọng, sự vào cuộc sớm, quyết liệt, chủ động của các cơ quan quản lý, công tác tổ chức lễ hội sẽ được thực hiện nghiêm túc, để từ đó người dân được thụ hưởng những lễ hội an toàn và văn minh.

Theo dự kiến, trung tuần tháng 1-2019, toàn bộ kế hoạch tổ chức mùa lễ hội 2019 của các địa phương sẽ gửi về Bộ VHTT&DL. Tình trạng tranh cướp, loạn đả, phản cảm sẽ được cơ quan quản lý văn hóa chủ động kiểm soát và phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn. Hy vọng, sự vào cuộc sớm, quyết liệt, chủ động của các cơ quan quản lý, công tác tổ chức lễ hội sẽ được thực hiện nghiêm túc, để từ đó người dân được thụ hưởng những lễ hội an toàn và văn minh.