Mùa hội 2019: Đảm bảo "cướp lộc" theo hướng văn minh

ANTD.VN -Nhằm đảm bảo cho mùa lễ hội 2019 diễn ra an toàn, văn minh, chiều 18-1, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức cho mùa hội tới. Năm 2018 vừa qua dù được đánh giá là thành công khi công tác tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Song, theo đánh giá chung thì vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Chỉ diễn chứ không… cướp

Mặc dù đã hạn chế ở mức tối đa, tuyên truyền rồi thì cam kết…song hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội vẫn cứ diễn ra như: Lễ hội Làm chay tại đình Tân Xuân, Linh Phước tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu (Châu Thành, Long An), Lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), Hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông) xã Sơn Đồng, Hoài Đức (Hà Nội); Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông Phú Thọ)…

Ông Nguyễn Việt Trung (Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ) cho biết, toàn tỉnh Phú Thọ có 369 lễ hội, đa số diễn ra an toàn lành mạnh, tuy nhiên, cũng vẫn tồn tại những “điểm nóng”, Hiền Quan với những màn cướp phết phản cảm, Lễ hội Cầu Trâu (Hương Nha- Tam Nông) vẫn tổ chức đập trâu với hình ảnh bạo lực…

Cướp phết đến ngất xỉu ở Hội Phết Hiền Quan

Ông Nguyễn Việt Trung khẳng định, mùa hội 2019, mọi thứ sẽ thay đổi, thay vì đập trâu phản cảm thì chỉ tiến hành nghi lễ theo dạng mô phỏng. Lễ hội chọi trâu Phù Ninh tạm dừng để tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới, trong đó làm rõ yếu tố truyền thống của lễ hội này để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu được phép mới tổ chức lại những năm tiếp theo.

Đối với cướp Phết Hiền Quan, trong năm 2018 đã nhiều lần Sở VHTT&DL Phú Thọ làm việc với UBND huyện Tam Nông nhằm xây dựng đề án đổi mới. Sẽ chỉ có 2 đội với khoảng 100 người tham gia đánh phết, Ban tổ chức bố trí trang phục xanh-đỏ tượng trưng cho Giáp Thượng và Giáp Hạ để khắc phục hiện tượng người không được tham gia đánh phết tràn vào sân. Huyện Tam Nông cũng đã đề nghị Công an tỉnh tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội.

Với việc thay đổi hình thức từ cướp lộc sang phát lộc, mùa hội Gióng 2018 được đánh giá là bình yên, không còn có các hình ảnh ẩu đả

Ông Quảng Đức Hạnh- Trưởng phòng Nếp sống, Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cũng thông báo đến hội nghị một số đổi mới ở các "điểm nóng" lễ hội của tỉnh như: Chọi trâu Hải Lựu giảm xuống chỉ còn 32 châu chọi (16 cặp). Từ năm 2020 trở đi sẽ giảm số lượng trâu chọi xuống còn 10 cặp. Bên cạnh đó, không tổ chức bán vé thu tiền vào lễ hội, huy động xã hội hoá bù đắp chi phí. Hàng rào chắn và cổng ra vào sới chọi được bố trí kiên cố, khu giết mổ được xây dựng riêng biệt, đảm bảo vách che kín đáo và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lễ hội Đả cầu cướp phết cũng đã hoàn thiện kịch bản, từ năm 2019 chỉ tổ chức diễn phết mà không tổ chức cướp phết nhằm tránh hiện tượng tranh cướp chen lấn xô đẩy quá đà. Lễ hội Đúc Bụt với "đặc sản" là cướp chiếu. Để đảm bảo việc cướp theo hướng… văn minh, Ban tổ chức đã tiến hành đặt may chiếu đơn giản, không có diềm xung quanh, không có nút thắt để dễ tản chiếu, dễ phát lộc cho người tham gia.  Việc này cũng đã được tính toán, dự liệu và trước đó đã có nhiều cuộc họp giữa chính quyền địa phương, ngành văn hoá và người dân- chủ thể lễ hội.

“Phải hiểu rõ thì mới có thể quản lý”

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH). Lấy ví dụ từ câu tục ngữ “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Châm dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu đã nêu quan điểm của mình, hội năm nào cũng có, đi hội thì đương nhiên phải tả tơi. Đó là nhu cầu văn hóa của cộng đồng, những ngày hội khác với ngày thường nên thăng hoa hơn để từ đó cân bằng đời sống tâm linh. Những ngày lễ hội thường ngắn, nên chăng khuyến khích khoảnh khắc thăng hoa chỉ có điều đừng vượt lên bất thường quá mà thôi.

Cần có sự chung tay giữa nhà quản lý và nhà nghiên cứu để có thêm những nghiên cứu về lễ hội dân gian

PGS.TS Phương Châm cũng góp ý rằng trong báo cáo lễ hội đừng nên dùng những từ như “cương quyết”, “đấu tranh”, bởi lễ hội không thể có kịch bản giống nhau. Lễ hội dân gian mất đi thì khó lòng mà khôi phục được. Hay đẹp cũng từ nhân dân mà ra. Cùng không nên dùng cụm từ “tuyên truyền cho người dân về lễ hội” bởi lễ hội là của dân, dân không giữ thì chẳng còn như hiện nay.

Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa công tác quản lý và nghiên cứu. Chỉ có thể quản lý được khi hiểu rõ về lễ hội. Mà muốn hiểu thì đương nhiên phải nghiên cứu. Cho nên, sự kết hợp là vô cùng cần thiết. Những hành vi mà được cho là “không thuận mắt” như vừa qua báo chí nêu cũng do chưa hiểu mà thôi, còn đã hiểu rồi thì sẽ không có vấn đề gì cả.

Có tín ngưỡng phồn thực đương nhiên có lễ hội phồn thực. Đó là điều giúp Việt Nam khác với những nền văn hóa khác. Sao lại đánh giá là nó phản cảm?- PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm đặt câu hỏi. Bà cũng đưa ra ý kiến cá nhân là mong báo chí đưa tin cho chính xác về lễ hội. Làm gì có lễ hội nào phản cảm, chỉ có hành vi mang tính chất không thuận mắt mà thôi. Ví như Lễ hội làng Ném Thượng chứ không phải Lễ hội chém lợn. Chém lợn chỉ là nghi lễ, nghi thức trong cả diễn trình. Nếu cứ cấm là mất đi bản sắc văn hóa. Nhiều nơi thèm khát lễ hội của chúng ta. Vì thế quản lý thế nào thì quản lý, nếu mất đi màu sắc riêng là thất bại.  

Phát biểu sau đó, ông Phạm Xuân Phúc- Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết, cá nhân ông rất vui mừng khi mùa hội 2018 đạt được nhiều kết quả tốt đẹp so với trước đây. An ninh trật tự, quy hoạch hàng quán dịch vụ, đổi tiền lẻ đã được chấn chỉnh. Hầu như không có chuyện gì đáng tiếc trong mùa hội vừa qua. Lễ hội bao giờ cũng tồn tại tính chất phức tạp của nó. “Mặc dù tôi với vai trò là cơ quan thanh kiểm tra tôi cũng phải nói rằng, đừng tuyệt đối hóa lễ hội. Cả dòng người đổ về tham gia một lễ hội trong một khoảng thời gian ngắn mà lại tin là sẽ vô cùng ngay ngắn và trật tự trong khi Ban tổ chức lại không có bất cứ biện pháp gì thì khó lắm. Thậm chí là không khống chế được đâu. Lễ hội tổ chức, du khách tham gia rất tự nhiên, đâu có cần giấy mời. Làm sao tính được về trình độ dân trí, tuổi tác, giới tính…Nếu không quản lý mà cứ nói trả lễ hội để tự phát thì không thể nào làm được đâu. Thời bây giờ đã khác xưa rất nhiều rồi”- Phó Chánh Thanh tra Phạm Xuân Phúc nhấn mạnh.

Có một thực tế là Lễ hội nào có BQL riêng thì bố trí sắp xếp mọi thứ rất ổn. Lễ hội nào mà chia nhỏ ra quản lý, thôn thì trông xe, thôn thì bán vé đò là loạn ngay vì đụng chạm dẫn đến xung đột lợi ích. Cần tuyên truyền để người dân được biết, đi hội thế nào, ăn mặc ra sao, cúng lễ thế cho đúng. Chứ không phải lễ hội của dân thì không cần hướng dẫn- Ông Phạm Xuân Phúc nói thêm.