Một nét đẹp văn hóa

(ANTĐ) - Trải bao thăng trầm lịch sử, cho đến nay cứ hàng năm, vào độ xuân về, nhằm ngày 19-20 tháng 2 lịch âm, các tộc họ trên đảo Lý Sơn hay còn gọi nôm na là Cù lao Ré đều tổ chức Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa.

Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa

Một nét đẹp văn hóa

(ANTĐ) - Trải bao thăng trầm lịch sử, cho đến nay cứ hàng năm, vào độ xuân về, nhằm ngày 19-20 tháng 2 lịch âm, các tộc họ trên đảo Lý Sơn hay còn gọi nôm na là Cù lao Ré đều tổ chức Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa.

Đền thờ âm hồn và lính đảo Hoàng Sa
Đền thờ âm hồn và lính đảo Hoàng Sa

Quần đảo Hoàng Sa, lãnh thổ - lãnh hải Việt Nam trước nay đã có nhiều bài viết, nhiều tư liệu minh chứng hùng hồn cho thấy đây là một phần máu thịt của xã tắc, của non sông Việt Nam. Thiết nghĩ cũng không phải bàn luận nhiều. Trải bao thăng trầm lịch sử, cho đến nay cứ hàng năm, vào độ xuân về, nhằm ngày 19-20 tháng 2 lịch âm, các tộc họ trên đảo Lý Sơn hay còn gọi nôm na là Cù lao Ré đều tổ chức Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa.

Với ý thức về chủ quyền lãnh thổ, ngay từ khi vào trấn nhậm đàng trong, các chúa Nguyễn đã tổ chức, thành lập Đội Hoàng Sa đi đến quần đảo này xác lập chủ quyền lãnh thổ đất nước. Những người lính Hoàng Sa này chủ yếu là người của hai làng An Vĩnh và An Hải, thuộc phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khu vực Ba Làng An ngày nay của huyện Bình Sơn, nơi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước có đội du kích anh hùng nổi tiếng, bao phen làm quân thù khiếp đảm kinh hồn.

Có ngẫu nhiên không mà nhà Nguyễn từ thời Chúa đến thời Vua đều lấy lính Hoàng Sa từ miền đất này? Qua nhiều nghiên cứu thực tế người ta nhận ra rằng dọc biển miền Trung, đặc biệt là vùng biển Quảng Ngãi, người dân An Vĩnh và An Hải (chủ yếu là dân An Vĩnh) trong bờ trước kia hay ngày nay ra lập nghiệp tại đảo Lý Sơn là những người đi biển giỏi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất.

Thời Chúa Nguyễn, những Đội Hoàng Sa đều xuất phát từ đất liền để ra đảo, đến thời Vua Nguyễn, các Đội Hoàng Sa thường xuất phát từ đảo Lý Sơn, nơi có vị trí thuận lợi hơn để ra đảo. Mỗi đội lấy 70 suất đinh hàng năm sung vào đội này. Qua nghiên cứu tư liệu cổ chúng ta biết được rằng: Cứ tháng 2 âm lịch hàng năm Đội Hoàng Sa dong buồm nhằm hướng quần đảo Hoàng Sa đè sóng ra đi, nếu thuận buồm xuôi gió thì sau 3 ngày 3 đêm sẽ đến khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tháng Tám cùng năm về vào cửa Phú Xuân báo cáo, nộp sản vật, lĩnh thưởng, lĩnh bằng trở về. Mỗi lần đi đều chuẩn bị lương ăn 6 tháng, đi trên 5 chiếc thuyền câu, thân phận mong manh giữa trời nước bao la, phần lớn những người ra đi không bao giờ trở lại. Biết vậy nên mỗi người ngoài lương ăn còn tự chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, là vật quấn xác nếu không may nằm xuống; 7 cái đòn tre để làm vật nẹp xác; 7 sợi dây mây để bó xác. Nếu người lính xấu số chết trên biển thì đồng đội sẽ cài một chiếc thẻ tre có ghi tên tuổi, quê hương, bản quán vào xác thả xuống biển, nhưng mấy ai, mấy thẻ tre nào về được với bờ, với đảo đâu. Hãy nghe câu ca truyền mãi trong xứ Quảng đến tận bây giờ mà thấu hiểu được tình cảnh của những người lính Hoàng Sa đi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thời đó:

Hoàng Sa trời nước mênh mông

Người đi thấy có mà không thấy về

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng Hai Khao lề Thế lính Hoàng Sa

Ngày đó, có thể nói là những Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa trước khi tiễn người lính ra đảo là như một buổi truy điệu sống đồng đội, người thân ruột thịt của mình đi vào cõi hư vô, vì dân, vì nước.

Tế lính đảo Hoàng Sa
Tế lính đảo Hoàng Sa

Ngày nay mỗi lần làm lễ, người dân đảo Lý Sơn, hậu duệ của những cai đội Phạm Quang ảnh, Võ Văn Khiết… những cai đội dũng cảm vô song dẫn quân lao vào trời nước mênh mông hiến thân mình cho đất nước trên biển xa ngày nào lại thấy như sống lại thời khắc bi hùng của những chuyến đi biển không nhìn thấy ngày về của tổ tông chỉ nhằm một mục đích: Bảo vệ chủ quyền đất nước.

Chúng tôi được may mắn ra đảo vào những ngày các tộc họ làm Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa, được chứng kiến tận mắt sự trang trọng, uy nghiêm và tôn kính của những lớp hậu thế khi nghĩ về tiền nhân. Trong nhà thờ họ, nơi diễn ra lễ, các thế hệ hậu duệ mang đến cúng những sản vật mà ngày xưa cha ông đã dùng khi đi vào mênh mông biển cả như: Gạo, muối, mắm, nồi niêu, củi… Ngoài ra còn có những đồ vật tế vong hồn những người chết trên biển như: trầu, rượu, vàng mã, xôi chè, 1 con cá nướng, 1 con cua, 1 món gỏi cá nhám.

Trên ban thờ còn có các linh vị được làm bằng giấy có ghi tên tuổi những vị trong dòng họ đã đi lính Hoàng Sa không trở về. Một vật không thể thiếu là mô hình con thuyền như những con thuyền buồm xưa tiền nhân đã sử dụng để đi Hoàng Sa. Thuyền có đế làm bằng bẹ chuối, trên đó mô hình thuyền có đủ cờ ngũ sắc, buồm, cờ phướn, hình nhân… Sau nhiều giờ làm nhiều nghi lễ người ta mang thuyền ra biển và thả xuống nước, lúc đó khoảng 2h sáng. Sau khi thả thuyền xuống biển, toàn bộ tộc họ và quan khách về lại nhà thờ họ và thực hiện cuộc giao đãi, uống rượu.

Trên đảo Lý Sơn hiện nay còn khá nhiều nhà thờ tộc họ, nhưng nhà thờ họ làm Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa lớn nhất vẫn là họ Võ Văn và họ Phạm với hai người cai đội nổi tiếng là Võ Văn Khiết và Phạm Quang ảnh. Hiện nay vẫn còn mộ của Võ Văn Khiết và Phạm Quang ảnh trên đảo, nhưng theo người trong dòng họ thì đó chỉ là mộ gió, tức mộ giả, còn thân xác của các ngài chắc đã gửi nơi đảo xa hoặc giữa mênh mông trời nước. Có một tục lệ khá lý thú mà chúng tôi biết được khi nghiên cứu là trong mộ gió ngày xưa có chôn những hình nhân, hình nhân được làm khá lớn, gần bằng người thật, khoét rỗng bụng và đặt vào đó một quả trứng. Thật lý thú vì đó chính là lòng tin tưởng, kỳ vọng vào sự sinh sôi nảy nở của con người, của thân tộc, họ không chết mà họ còn sống mãi, thậm chí còn sinh sôi phát triển không bao giờ ngừng.

Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa quả thực là một hành động, một việc làm mang tính tín ngưỡng lành mạnh mà hơn nữa còn là một biểu hiện của tính nhân văn, lòng dũng cảm, kiên trung với dân tộc, với đất nước của tiền nhân chúng ta. Liệu đó có là một bài học cho hậu thế?

TS. Nguyễn Tiến Đông

Viện Khảo cổ học