Một Hà Nội vừa lạ, vừa quen qua những khuôn hình

ANTD.VN - Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2017), liên tiếp hai triển lãm ảnh đã được tổ chức và mở cửa tự do cho công chúng yêu nghệ thuật. Đây cũng là dịp để người dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế ngắm nhìn một Hà Nội vừa lạ, vừa quen…

Niềm vui khi nhảy sạp của các du khách trên phố đi bộ qua tác phẩm “Vui hết mình” - Nguyễn Xuân Lộc

Sáng 6-10, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội khai mạc triển lãm “Phố phường Hà Nội” trưng bày 150 tác phẩm xuất sắc được chọn từ hơn 2.000 tác phẩm của 343 tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi về tham dự “Cuộc thi ảnh nghệ thuật lần thứ 47 - năm 2017”. Các tác phẩm ghi lại những khoảnh khắc, cảm xúc thú vị về cuộc sống và phong cảnh Thủ đô.

Tiếp theo đó, từ ngày 9 đến 13-10, triển lãm “Hà Nội trong tôi - năm 2017” với chủ đề “Nhịp sống Thủ đô” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cũng sẽ khai mạc, giới thiệu với khán giả 80 bức ảnh về các hoạt động văn hóa xã hội, kinh tế, đô thị, sinh hoạt của người dân Hà Nội.

“Ban mai Hồ Gươm” bình yên qua ống kính Viết Anh Mạnh

Hà Nội dưới đa dạng góc nhìn 

Triển lãm “Nhịp sống Hà Nội” được chia làm 4 chủ đề chính: “Phong cảnh”, “Văn hóa”, “Đời sống”, “Làng nghề”. Triển lãm được xem là bức tranh lớn khắc họa một Hà Nội với những trầm tích văn hóa nghìn năm văn hiến. Ví như: “Hội làng” của Trần Quang Hưng, “Thổi cơm thi” của Văn Phúc, “Truyền nghề” của Hoàng Như Thính, “Giữ nghiệp - nghề gò phố Thiếc” của Lương Phương Bình, “Hoàng thành mở hội” của Hồng Hạnh…

Đặc biệt, Hà Nội - nơi giao thoa gặp gỡ của bản sắc xưa nhưng cũng không thiếu những nét hội nhập hiện đại. Điều này được thể hiện rõ rệt qua các tác phẩm “Lễ hội Carnival trên hồ Hoàn Kiếm” của Văn Phúc, “Giao lưu văn hóa” của Duy Linh…

Những hàng cây mới trồng đang vươn mình với những bộ áo xanh mượt mà. Phố đi bộ được mở rộng, nhờ đó, trẻ em, người cao tuổi có không gian đi bộ, hít thở không khí trong lành quanh hồ Gươm trong những ngày cuối tuần, tham gia các hoạt động văn hóa, trải nghiệm trò chơi dân gian...

Đến với triển lãm “Phố phường Hà Nội”, rất nhiều khán giả ấn tượng với tác phẩm “Vui hết mình” - tác giả Nguyễn Xuân Lộc, giải Nhất “Cuộc thi ảnh nghệ thuật lần thứ 47 - năm 2017”, thể hiện không khí múa sạp tươi vui, hào hứng của những du khách tham quan phố đi bộ.

Hà Nội hôm nay và mai sau…

Điểm chung của các tác phẩm ra mắt công chúng yêu nghệ thuật trong dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đều thể hiện tình yêu Hà Nội của các tác giả. Họ là những người từng sống, làm việc và gắn bó với Hà Nội mấy chục năm qua; những người đã từng đặt chân đến Hà Nội và đi đến đâu cũng luôn nhớ về. Tình yêu mảnh đất nghìn năm văn hiến đó lan tỏa tới khán giả qua những hình ảnh giản dị, thân thuộc: ban mai hồ Gươm, những chiếc xe xích lô màu đỏ, gánh hàng hoa, thể thao đường phố…

Những khoảnh khắc đẹp về Hà Nội được “bắt” lại để bất cứ ai cũng có thể thấy rõ hơn nhịp sống sôi động của thành phố trong quá trình phát triển. Và dù có phát triển thế nào, vẫn có những người khắc khoải đi tìm mà mong tìm ra Thủ đô với chiều sâu. Đó là chiều sâu văn hóa, bề dày lịch sử, phong tục tập quán lâu đời… đã trở thành bản sắc thu hút gần chục triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Các triển lãm hứa hẹn tạo nên dấu ấn trong lòng công chúng bởi cái nhìn của các tác giả về Hà Nội quá đỗi chân thành, trong đó chứa cả niềm yêu thương dành cho những người lao động thầm lặng, những cơn mưa ào về khi chuyển mùa, những gánh hoa mang hơi thở từ ruộng đồng về phố… Sâu lắng và bền chặt, con mắt nghề tinh tế của những người cầm máy đã góp phần tôn vinh Thủ đô trong ngày kỷ niệm, đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc, trải nghiệm cuộc sống. Từ đó, mỗi người có thêm ý thức xây dựng một Hà Nội văn minh thanh lịch, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình.